Người dân không nên hoang mang vì bọ xít hút máu

13/09/2010 06:49 GMT+7 | Thế giới

Đây là nhận định của TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện KHCN Việt Nam. TS Trương Xuân Lam cho biết thêm:

- Việc tìm thấy ổ bọ xít hút máu (BXHM) có số lượng lên đến 270 con tại một gia đình sinh sống tại xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm, Hà Nội) là lớn nhất từ trước đến nay. Với ổ bọ xít này, khả năng phát tán của nó rất lớn vì nhìn các cá thể đều rất khỏe mạnh. Có đến 60-70% số bọ xít thu được phát hiện có máu bên trong. Điều chúng tôi quan tâm hơn cả chính là việc trong các con bọ xít đó có ký sinh trùng đường máu, có thể gây bệnh truyền nhiễm sang người hay không. Điều này chưa thể khẳng định được vì cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Nhưng trên thế giới đã có quá khứ khá tồi tệ với loài côn trùng này. Khi BXHM người đốt đã truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga's qua đường máu.

- Hiện nay, số BXHM phát hiện tại xã Cổ Nhuế được xử lý ra sao?

- Chúng tôi giữ lại gần 170 cá thể sống khỏe mạnh để tiếp tục nghiên cứu. Khoảng gần 100 con còn lại đang được xét nghiệm, nghiên cứu hình thái, phân tích ADN. Một số được nghiên cứu xem có ký sinh trùng ký sinh hay không.

- Đến nay, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện BXHM xuất hiện ở những đâu?


Hình ảnh loài bọ xít hút máu qua kính phóng đại của các nhà khoa học.
Ảnh do TS Trương Xuân Lam cung cấp.

- Chúng tôi hiện đã có mẫu bọ xít thu được từ Hà Nội (huyện Từ Liêm, Ba Vì, Gia Lâm, quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy), các tỉnh khác như: Hải Phòng, Nghệ An, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ.

- Hướng nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học về vấn đề này là gì?

- Chúng tôi sẽ giải quyết tổng thể một loạt vấn đề. Cụ thể là nghiên cứu về đặc điểm sinh học, hình thái học và phân loại loài BXHM tại Việt Nam. Ngoài ra, hướng nghiên cứu về ký sinh trùng trong cá thể BXHM sẽ là ưu tiên hàng đầu. Công việc này sẽ được thực hiện trong 2 năm.

- Người dân cần phải làm gì để có thể tránh được việc bị BXHM tấn công?

- Trước hết, tôi khuyến cáo mọi người là không nên hoang mang và cần làm theo chỉ dẫn của các nhà khoa học. Việc cần làm nhất đối với các gia đình chính là trong nhà cửa nên kê ít đồ đạc, giữ cho thông thoáng và vệ sinh sạch sẽ. Nếu phát hiện ra loài này ở trong nhà phải kiểm tra lại toàn bộ nhà cửa. Đặc biệt, những vùng đã phát hiện có BXHM thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người. Hầu hết BXHM chúng tôi phát hiện được đều thu được trên giường nên các gia đình cần làm vệ sinh khu vực này thường xuyên theo cách dùng chổi lông quét kỹ các khe, kẽ của giường, lật mặt trước - sau của giát giường chứ không nên lau qua loa.

Nếu vô tình bị BXHM đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, thuốc sát trùng y tế, thuốc mỡ; không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước và viêm nhiễm. Nếu dấu hiệu mẩn ngứa không giảm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ.

- Nếu phát hiện có BXHM, người dân có thể liên lạc theo địa chỉ nào để được chỉ dẫn?

- Người dân có thể liên hệ với Phòng Côn trùng học thực nghiệm (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) theo số điện thoại: 04.3756899 hoặc 091.2201588. Nếu số mẫu phát hiện không nhiều, người dân có thể gửi cho chúng tôi. Nếu số BXHM xuất hiện nhiều, chúng tôi sẽ trực tiếp xuống lấy mẫu.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Theo Hànộimới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm