Bịt kẽ hở đấu giá “ảo”

11/12/2010 12:46 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau hàng loạt vụ đấu giá ảo gây bất bình trong dư luận, ngày 10/12, Học viện Tư pháp đã tổ chức hội thảo bàn về tính pháp lý xung quanh vấn đề này. TS Phan Chí Hiếu, Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, thực chất việc đấu giá ngày 11/11 (cuộc đấu giá từ thiện các hiện vật gồm bộ “tứ linh”, trống đồng, đá ruby thu hơn 74 tỷ đồng “ảo”) là một hợp đồng mua bán hàng hóa.

>> Chuyên đề: Cú sốc mang tên "Từ thiện"



TS Phan Chí Hiếu, Giám đốc Học việnTư pháp: "Thực chất việc đấu giá là một hợp đồng mua bán hàng hóa".
Những vấn đề phát sinh thông qua hoạt động bán đấu giá hoàn toàn có thể áp dụng quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và một số điều trong Nghị định 17 về bán đấu giá tài sản.

Thiếu tính chuyên nghiệp

“Vậy nghĩa vụ pháp lý đối với người thắng đấu giá như thế nào?”, TS Hiếu cho rằng: Theo đúng Bộ luật Dân sự, hợp đồng mua bán đã được xác lập và nếu đáp ứng đầy đủ các quy định thì về nguyên tắc bên trúng đấu giá phải thanh toán tiền, nếu không thanh toán tiền thì phải bồi thường thiệt hại.

“Trường hợp vụ đấu giá sim 098888... trước đó thì hoàn toàn hợp lệ, nên có thể yêu cầu người trúng đấu giá bồi thường các khoản phát sinh, chứ không thể có chuyện đùa với pháp luật như vậy được. Chúng ta có rất nhiều chứng cứ: sự chứng kiến của nhiều người, có ký nhận trúng đấu giá”. TS Hiếu khẳng định: “Người đấu giá qua điện thoại dù khó xác định danh tính nhưng nếu xác định được danh tính thì người có điện thoại đó vẫn có trách nhiệm thanh toán. Gần chục năm qua câu chuyện vẫn tiếp diễn nhưng các BTC không rút ra được bài học hoặc có các biện pháp phòng ngừa”.

Ông Hiếu cho rằng, BTC đấu giá đêm 11/11 vừa rồi quá thiếu tính chuyên nghiệp khi giá khởi điểm không rõ ràng, đăng ký đấu giá, xây dựng công bố nội quy đấu giá, người điều hành đấu giá là các hoa hậu người đẹp và có hạn chế nhất định về pháp luật về đấu giá; đấu giá qua điện thoại rất dễ khiến nhiều kẻ “thích đùa” mua sim cỏ vài ba chục nghìn đấu giá rồi vứt sim đi. Ông Hiếu cho biết Học viện Tư pháp sẽ tập hợp ý kiến tại buổi tọa đàm và có kiến nghị tới các cơ quan chức năng, trung tâm đấu giá sớm có biện pháp ngăn chặn, bịt kẽ hở do pháp luật chưa chặt chẽ hiện nay.


Buổi tọa đàm "Những khía cạnh pháp lý của hoạt động bán đấu giá tài sản phục vụ
mục đích từ thiện


Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết việc các bên thực hiện giao dịch trong phiên đấu giá bằng đô la Mỹ cũng đã vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Với tư cách là khách mời của buổi tọa đàm, ông Đinh Gia Diên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đá quý Gia Gia - đơn vị tài trợ và tổ chức buổi lễ, còn cho rằng các MC trong chương trình nhiều lúc đã “tung hứng” quá đà và trách nhiệm của họ cũng đáng được xem xét.

Theo khuyến nghị của nhiều đại biểu, Học viện Tư pháp sẽ có văn bản kiến nghị các vấn đề, vì hiện nay chúng ta chưa có luật bán đấu giá tài sản.

Trong khi đó, theo thạc sĩ Lê Thị Bích Lan, thẩm phán Tòa dân sự TAND TP Hà Nội, vụ việc này lẫn lộn giữa mục đích thương mại và mục đích xã hội từ thiện nên cần phải có đơn khởi kiện kèm theo những thông tin về vụ việc thì tòa án mới có cơ sở xem xét, đánh giá. Bà Lan cho rằng lời hứa đấu giá với sự chứng kiến của nhiều người là một chứng cứ trong một vụ án và cần thiết phải trở thành một quy định trong luật.

Sẽ có Luật Đấu giá

TS Nguyễn Thị Minh, Phó vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp cho rằng, VN rất cần học hỏi kinh nghiệm ở các nước trên thế giới trong việc này.

“Họ không phân biệt giữa đấu giá với mục đích từ thiện hay kinh doanh; đấu giá là đấu giá và bắt buộc đều phải được phép, kể cả các hội chợ. Trước khi tham gia đấu giá, người muốn tham gia phải chứng minh được năng lực tài chính có đảm bảo hay không”. Ngoài ra, những người đấu giá qua điện thoại thì phải có tài khoản tín dụng và chứng minh được số tiền đảm bảo tham gia. Mục đích của doanh nghiệp cần phải được đảm bảo bằng tài chính và các thủ tục là cần thiết. Bởi việc đấu giá liên quan đến hàng loạt quan hệ, quan hệ chủ sở hữu - người đứng ra tổ chức đấu giá - trúng đấu giá và trường hợp đấu giá làm từ thiện thì còn thêm quan hệ của người thụ hưởng. Số tiền có thể chuyển tới quỹ nào đó nhưng giá khởi điểm bao giờ cũng tùy vào đấu giá viên và chỉ 2 người (chủ sở hữu và người đấu giá tài sản) biết với nhau.

TS Minh cho rằng, Nghị định 17/2010/NĐ-CP về đấu giá tài sản có những quy định không thể “vượt” Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Nghị định 17 chủ yếu hướng dẫn đấu giá, bán tài sản theo quy định của pháp luật, nhằm tránh thất thoát tài sản công. Bà Minh cho biết, trong kỳ Quốc hội khóa 13 chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng xong Luật Đấu giá và chúng ta sẽ không có chuyện xảy ra những rủi ro lớn cho các cơ quan thụ hưởng những hành động từ thiện như hiện nay.

Thế Phùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm