Từ phố cổ tới phố Tây

11/03/2010 10:35 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nói tới phố Hà Nội, người ta thường nhớ đến khu phố cổ, tới mức nhiều khi quên mất một phần của lịch sử đã tạo nên một trong những nét hấp dẫn nhất cho Hà Nội ngày nay: khu phố Tây. Sự hình thành khu phố này gắn liền với quá trình phát triển của thành phố rồng bay. Một lần nữa, Những góc nhìn Hà Nội mời bạn đọc cùng nhớ lại Hà Nội của hơn 100 năm trước qua góc nhìn của Andre Masson, nhà cổ tự học, lưu trữ viên Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương.

Theo đúng thỏa ước thì từ năm 1876, khu phố Pháp phải phát triển về phía Nam, tức là trên khu đất Bệnh viện Lanessan (nay là bệnh viện 108 và bệnh viện Việt-Xô) và lò mổ (nằm trên phố Lương Yên hiện nay). Thực tế, cho tới năm 1883, khu phố Pháp vẫn chỉ giới hạn ở mấy tòa công thự trong khu Nhượng địa. Sau năm 1883 khu phố Pháp mới phát triển được do đạo quân viễn chinh tới Bắc kỳ. Lần này sự phát triển không về phía Nam mà về phía Đông dọc theo phố Hàng Khảm. Phố này, từ ngày 20/11/1886 mang tên phố Paul Bert, trở thành trục chính để các phố khác của một thành phố kiểu châu Âu song song hoặc vuông góc với nó.


Phố Paul Bert, nay là phố Tràng Tiền
Công nghệ khiến phố Hàng Khảm được mang tên du nhập vào Bắc kỳ khoảng năm 1820 và chỉ ít lâu sau thì vào Hà Nội và tiến bộ rất nhanh. Các thợ thủ công Hà Nội đặc biệt khéo tay, tranh với thợ Nam Định về sự tinh tế trong nghệ thuật khảm xà cừ... Phố Hàng Khảm chạy từ Đồn Thủy tới lũy bán nguyệt Đông Nam của Thành Hà Nội (quãng Cửa Nam hiện nay) và có chiều dài bằng phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền-Hàng Khay) và phố Borgnis Desbordes (nay là Tràng Thi) cộng lại. Hai bên phố chỉ toàn nhà lá mà lại nằm trên phố Paul Bert. Đầu phía Đông của phố có một cái cổng trổ ra từ bức tường vây phía ngoài phố gọi là cổng Cựu Lâu hay cổng Tràng Tiền. Được trổ ra từ một tường dày, phía trên có lan can, cổng nằm giữa hai trụ phía trên có hai con sư tử. Kiến trúc cổng đơn giản nhưng oai nghiêm.

Còn 31 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã, hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.

Chen giữa khu Hàng Khảm và khu phố thương mại là Hồ Gươm, ngày xưa hồ làm người ta buồn nôn vì đây là nơi nhận đủ thứ rác rưởi. Ngày nay nó là một vòng trang sức của Hà Nội, là cái gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp. Góp phần trang điểm hồ là chùa trên các tiểu đảo và góp phần xanh mát là các thảm cỏ rợp bóng cây quanh hồ.


50 năm trước, “các túp lều của dân bản xứ trên bờ hồ san sát nhau đến nỗi, để xuống được hồ, sau khi rời những con đường mặc dù khá bẩn nhưng vẫn đi được, người ta phải len lỏi quanh những ngõ ngách chật hẹp men theo hàng ngàn khúc quẹo quanh những ngôi nhà lụp xụp bên trong chen chúc đám cư dân khốn khổ, phải nhảy qua những vũng nước hôi thối và những đống rác. Nhiều khi sau một giờ lần mò trên những con đường lượn đi lượn lại về đúng chỗ xuất phát, không sao tới được mép nước. Cùng lắm nếu bằng cách nào đó khách tới được chỗ cách mép hồ vài bước thì cũng chán không muốn gặp một cái phá độc hại ngay giữa Hà Nội cổ”...

Tên Hồ Hoàn Kiếm, hồ trả kiếm, gợi nhớ một sự kiện kỳ diệu liên quan tới nguồn gốc nhà Lê... Để kỷ niệm truyền thuyết này, người ta dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Lê Lợi bên hồ tại chỗ ngày nay là trụ sở AFIMA (Hội Khai Trí Tiến Đức). Tại đây chỉ còn lại một tấm bia trong một ngôi nhà gạch hiện đại quay mặt ra đại lộ Beauchamp (nay là Lê Thái Tổ). Lui về phía sau tấm bia một chút, người ta dựng một chiếc cột đá trên có tượng Lê Lợi bằng đá cầm thanh gươm kỳ diệu nhìn ra hồ. Giữa khu tượng Lê Lợi và phố Jules Ferry (nay là Hàng Trống), người ta dựng một ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Nam Hương. Tại chùa vẫn còn thờ người sáng lập ra triều Lê.


Đền Ngọc Sơn với cây cầu nhỏ năm 1884
Phía Đông Nam hồ, chỗ ngày nay là Sở Bưu điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các chùa ở Hà Nội. Tòa nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chính hồ sen này đã cho chùa cái tên Liên Trì. Chùa còn được gọi là chùa Nguyễn Đăng Giai để kỷ niệm viên tổng đốc, người đã cho xây chùa vào những năm đầu tiên vua Thiệu Trị (1841-1847) bằng cách vung phí tiền cúng của dân chúng. Người Pháp đổi tên chùa thành chùa Khổ Hình vì “người ta thấy khắc trên đá và gỗ ở chùa hàng loạt khổ hình những kẻ có tội sẽ phải chịu ở thế giới bên kia...”.

Rất nhiều chùa nhỏ quanh hồ bị phá hủy. May thay các công trình trên đảo Ngọc Sơn và Quy Sơn không chịu số phận như vậy. Vọng Đình trên đảo Quy Sơn mới chỉ có vào năm 1875 và lối đi bao bằng tường dẫn lên cầu vào Ngọc Sơn mãi tới năm 1898 mới được tu sửa lại. Trong bức ảnh chụp cổng lên đảo vào năm 1884, ta thấy cầu bằng ván chắp mỏng manh không có tay vịn. Chiếc cầu này đã được thay thế bằng một chiếc cầu khác to khỏe hơn.

Ở phía Đông của hồ, chạy về phía sông Hồng là vô số đầm lầy dọc hai bên đại lộ Henri Rivierre (nay là phố Ngô Quyền) từ phố Fellonneau (nay là Phan Chu Trinh) tới phố Paul Bert (Tràng Tiền). Tại những nơi này sau đó đã mọc lên tòa Thống sứ (nay là Nhà khách chính phủ), tòa Thị chính (nay là UBND thành phố Hà Nội), Kho bạc (nay là Thành ủy Hà Nội), Bưu điện (nay là Trung tâm bưu điện Hà Nội), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước), khách sạn Metropol (nay là khách sạn Sofitel) và nhiều biệt thự có vườn bao quanh.

Lúc đó người ta nhận ra tầm quan trọng chiến lược của con đường nối khu phố Nhượng địa với Thành Hà Nội, đó là phố Hàng Khảm. Từ một con đường rộng chưa tới ba mét đầy những hố nước hôi thối vào năm 1883, phố Hàng Khảm năm sau đã trở thành một con đường mới rất rộng..., hai bên phố là những ngôi nhà lá, hai ba cửa hiệu của người Tàu, cứ khoảng mười mét lại có một quầy ghê tởm bán thứ hàng đếm từng giọt (thuốc phiện)... Đầu năm 1885, phố Hàng Khảm trở thành một phố được trải đá dăm khá tốt, rộng từ 16 mét đến 18 mét, các cửa hàng hầu như của người châu Âu. Người ta thấy ở phố Hàng Khảm một xưởng sản xuất nước có ga, một hiệu bánh mì, một số cửa hàng đồ khô, một cửa hàng văn phòng phẩm, một số cửa hàng kim khí, một hoặc vài cái chợ, một khách sạn, hai ba hiệu cà phê. Tất cả đều của người Pháp...

(Trích trong cuốn Hà Nội giai đoạn 1873-1888 của Andre Masson, Lưu Đình Tuân biên dịch, Nxb Hải Phòng. Đón xem tiếp kỳ sau: Lối sống Hà Nội đã “Tây hóa” như thế nào từ khu phố Tây).

PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm