Hà Nội chọn Lịch sử là môn thi thứ tư trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập

12/03/2021 15:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản số 713/SGDĐT-QLT gửi Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng các Trường Trung học phổ thông; Giám đốc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, thông báo các môn thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập năm học 2021 – 2022.

Vụ đề thi môn Lịch sử, Vật lý lọt ra ngoài: Có thể do thí sinh dùng thiết bị chụp hình?

Vụ đề thi môn Lịch sử, Vật lý lọt ra ngoài: Có thể do thí sinh dùng thiết bị chụp hình?

Ông Mai Văn Trinh tiếp tục cho rằng đề thi được mang ra ngoài phòng thi có để do thí sinh sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình. Cũng theo ông Trinh, trong kỳ thi chưa phát hiện thí sinh nào sử dụng thiết bị công nghệ cao.

Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức vào các ngày 29 - 30/5 với 4 môn thi bắt buộc, độc lập bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Đối với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn (thí sinh được đăng ký thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở).

Các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ và bài thi môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài thi, có nhiều mã đề trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề thi. Thi sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thi sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.

Chú thích ảnh
(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình Trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTH ngày 27/8/2020 và của Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Công văn số 2786/SGDĐT-GDPT ngày 3/9/2020. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 Trung học cơ sở.

Để thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ và môn Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.

Năm học 2020 - 2021, dự kiến toàn thành phố Hà Nội có khoảng 110.759 học sinh xét tốt nghiệp Trung học cơ sở (tăng khoảng 6.220 học sinh so với năm học 2019 - 2020). Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở, dự kiến 62% số học sinh sẽ tuyển vào các Trường Trung học phổ thông công lập, 22% số học sinh tuyển vào các Trường Trung học phổ thông ngoài công lập và Trường Trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính, 8% số học sinh tuyển vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và khoảng 8% số học sinh tham gia học nghề.

Dự kiến, số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 Trung học phổ thông khoảng 90.730 học sinh. Trong đó, các trường công lập tuyển 68.670 học sinh, các trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính tuyển khoảng 24.370 học sinh...

Về nguyện vọng dự tuyển, mỗi học sinh sẽ được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường Trung học phổ thông công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng lưu ý, năm học 2021 - 2022, học sinh không được đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký dự tuyển như mọi năm. Do đó, học sinh cần lưu ý tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng và sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng phù hợp với năng lực của bản thân.

Nguyễn Cúc/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm