Đường Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu... trong 'làng nghệ thuật'

04/02/2015 08:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin, vào lúc 14h ngày hôm nay (4/2) tại Làng nghệ thuật Gia Hòa (423A Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP.HCM) sẽ diễn ra lễ trao kỷ niệm chương và chính thức đặt tên đường cho 8 văn nghệ sĩ: trong đó có nhà thơ Huy Cận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Quỳnh, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Thanh Nga, các nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền và Trịnh Công Sơn.

Điều đáng nói, đây là nỗ lực của một công ty tư nhân, với mong ước tạo một làng nghệ thuật cho khu dân cư, nơi ưu tiên cho văn nghệ sĩ trí thức dưới 45 tuổi lưu trú. Thể thao & văn hóa có cuộc trò chuyện với ông Lê Hùng Mạnh (TGĐ Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Gia Hòa), người đã mất 4 năm theo đuổi dự án này.

“Ban đầu, danh sách đề nghị mà tôi trình lên UBND TP.HCM đến vài chục văn nghệ sĩ, đợt này được hội đồng đặt tên đường cho phép 8 người, như vậy đã là tốt đẹp. Làng nghệ thuật Gia Hòa có tất cả 14 con đường, trong tương lai gần chúng tôi sẽ tiếp tục xin đặt tên thêm cho trọn vẹn” - ông Lê Hùng Mạnh chia sẻ.

* Là người chuyên kinh doanh bất động sản, vậy lý do nào khiến ông nhất quyết phải làm cho bằng được Làng nghệ thuật Gia Hòa và đặt tên đường mang tên văn nghệ sĩ?

- Mới nghe qua thì tưởng chừng như hai lĩnh vực này chẳng liên quan gì với nhau, nhưng để có một đô thị đẹp, ngoài tâm huyết và nỗ lực của chủ đầu tư, thì rất cần có một giá trị thẩm mỹ nhất định về quy hoạch, kiến trúc, không gian sống…


Ông Lê Hùng Mạnh

Tôi chỉ mong mang đến cho mọi người sống ở đây một không gian tổng hòa giữa kiến trúc và hương vị sáng tạo, nghệ thuật. Bên cạnh đó là muốn tạo ra một “cụm đường làng”, nơi các văn nghệ sĩ mà dân thích, nhà nước ủng hộ được “sống cùng nhau”.

Lịch sử dân tộc ta ngoài trí tuệ, lòng quả cảm còn có sức mạnh khác, đó là văn hóa - nghệ thuật, những giá trị nhân văn, lòng vị tha… Tôi không dám nói Làng nghệ thuật Gia Hòa đủ sức chuyên chở được điều lớn lao này, nhưng chắc chắn được bắt nguồn từ nền tảng đó.

* Làng nghệ thuật Gia Hòa có khuôn viên và dân số như thế nào?

- Diện tích hơn 28,5 ha, số dân lý tưởng sẽ là khoảng 7.000 dân, ngoài villa, chúng tôi còn hơn 1.700 căn hộ có diện tích phổ biến từ 60 đến 70m2, chúng tôi chỉ bán cho chủ hộ là văn nghệ sĩ trí thức dưới 45 tuổi.

Tại đây chúng tôi muốn đề cao tính cộng đồng (như một làng quê Việt ngày trước), nên mỗi năm tổ chức 4 - 5 buổi tiệc chung để mọi người gần gũi nhau. Đến nay những người dân sống ở đây đều quen biết nhau, đó là điều rất vui.


Điểm giao nhau giữa đường Trịnh Công Sơn (dọc) và đường Xuân Quỳnh (ngang)

* Tại sao chỉ bán cho văn nghệ sĩ trí thức dưới 45 tuổi?

- Chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng hòa hợp, ít dị biệt về lối sống. Hơn nữa, dưới 45 tuổi là độ tuổi lý tưởng để cống hiến, đang sức lao động, họ đóng góp cho xã hội rất nhiều, nên cần tạo điều kiện. Thân Nhân Trung nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tôi không dám đại ngôn những người ở Gia Hòa là hiền tài, nhưng nhìn ở một khía cạnh nào đó thì tầng lớp văn nghệ sĩ trí thức dưới 45 tuổi đang góp sức vun đắp nguyên khí cho quốc gia, trực tiếp hoặc gián tiếp, chúng ta cần chia sẻ với họ.

* Có những văn nghệ sĩ nào bên ông đề xuất mà chưa được chấp thuận không?

- Trong danh sách còn có nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Thu Bồn… đang đợi sự chấp thuận.

* Những dự định tiếp theo mà ông sẽ làm tại Làng nghệ thuật Gia Hòa là gì?

- Sau khi hoàn thành việc xây dựng phần cứng, chúng tôi sẽ làm các “phần mềm” về không gian chung. Trong làng có nhiều không gian chung, chúng tôi sẽ có các phẩm điêu khắc ngoài trời, một con đường ghi dấu bước chân văn nghệ sĩ; một hội quán về văn hóa, nghệ thuật; cuối cùng là bảo tàng về văn hóa làng xã, nông thôn…

Phan Nguyên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm