GS Nguyễn Lân Tuất - Cuộc đời dành trọn cho âm nhạc

02/05/2014 19:45 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Trước sự ra đi của người anh trai, PGS.TS nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đã nén đau thương, tưởng nhớ về anh trong bài viết xúc động với nhan đề GS Nguyễn Lân Tuất - Cuộc đời dành trọn cho âm nhạc. Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu cùng bạn đọc như một nén tâm nhang:

9g sáng ngày 19 tháng 4 năm 2013, Ban biên tập Tổng tập nhạc thiếu nhi Giai điệu tuổi thần tiên gồm các nhạc sĩ: An Thuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Văn Dung, Lân Cường và nhà báo Phan Phương được triệu tập để bàn việc hoàn chỉnh bản thảo tập II (các nhạc sĩ sinh năm 1930 đến 1939). Nhạc sĩ An Thuyên - Trưởng ban, nhắc tôi: “Anh nhớ chuyển đến những ca khúc về nhạc thiếu nhi của anh Lân Tuất cho tôi nhé”.

Ngay chiều đó tôi đã chuyển đến Ban biên tập các ca khúc Biển miền Nam - Quê hương em, Như một cánh diều, Có con chim thắc mắc và tập nhạc Góc sân & Khoảng trời (phổ thơ Trần Đăng Khoa). thì cũng là lúc một người bạn tôi ở thành phố Novosibirsk gọi điện cho tôi báo tin “anh Lân Tuất bị ung thư chắc không qua khỏi vài ngày tới”. Tôi bàng hoàng và gọi điện báo ngay cho anh Lân Dũng.

Cả nhà chúng tôi đã họp ngay và quyết định cử tôi cùng cô em dâu TS. Trần Thảo Nguyên - cả 2 anh em đã có thời gian học tập và công tác ở Nga sẽ bay sang với anh Tuất. Chỉ trong vòng có 1 ngày 21 tháng 4 mà chúng tôi đã lo được visa và vé, sáng 22 lên đường bay sang Novosbirsk. Sớm hôm sau, cháu gái tôi - nghệ sĩ organ Natalia và chồng - GS.TS. toán - lý Dmitri Borisovich ra đón tại sân bay ôm 2 chúng tôi mà khóc. Mặt tôi nóng bừng mặc dù nhiệt độ ngoài trời lúc này là -1 độ.

Căn hộ của anh trai tôi và vợ - PGS. Svetlana Kurbetova là món quà mà Nhà nước Nga trao tặng khi anh tôi được chính Tổng thống Vladimir Putin ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà hoạt động Nghệ thuật Công huân Liên bang Nga vào năm 2001 nằm ở phố Sepchenko, cách trung tâm thành phố 5km. Mở cửa bước vào phòng tôi ôm chầm lấy chị dâu tôi và chỉ nghẹn ngào nói được một câu tiếng Nga “Đau đớn quá chị ơi”….

Bức ảnh cuối cùng của GS Lân Tuất cùng các em trai đêm giao thừa  năm 2013

Nhớ mấy ngày cuối cùng của năm 2013, khi anh tôi về thăm Hà Nội còn nhanh nhẹn, vui vẻ tán chuyện gẫu với chúng tôi, rồi 7 anh em trai chụp ảnh chung với nhau. Thế mà giờ đây khi mở cửa phòng anh, tôi không cầm được nước mắt, anh nằm đó gầy trơ xương, đôi mắt đờ đẫn… “Em Lân Cường đây, anh có nhận ra em không?”. Anh tôi chớp mắt. Tôi biết anh tôi đã nhận ra.

Tôi ghé vào tai anh thì thầm: “ Cố lên anh, sẽ  khỏi thôi, trước khi em sang đây có gọi điện cho anh Trọng Bằng, Hồ Quang Bình, Phạm Tuyên, Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Hồng Đăng, Doãn Nho, Hồ Bắc, Văn Dung… các anh ấy gửi lời thăm anh…”Anh tôi nhắm mắt lại, hình như để ôn lại những kỷ niệm về những người nhạc sĩ - bạn anh ở quê nhà…

Thấy anh tôi đau đớn quá, chúng tôi điện về nhà và cháu tôi PGS.TS. bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu và em út tôi PGS.TS. Nguyễn Lân Trung cũng bay ngay sang Novosibirsk. Đêm ấy, tôi không thể nào chợp mắt được, những kỷ niệm về anh trai tôi - một cuộc đời dành trọn cho âm nhạc lại hiện về trong tôi.

Ngày 27 tháng 5 năm 1957 anh tham gia Đại hội lần thứ nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam và trở thành một trong những hội viên trẻ tuổi nhất của Hội khi mới tròn 22 tuổi. Ngày đó, gia đình tôi ở 22 phố Yết Kiêu - một căn nhà nhỏ của bạn cha tôi cho ở nhờ tầng 1. Phía sau là một gác xép nhỏ. Vừa đi học về, thấy Mợ tôi lúi húi nấu cơm ở dưới bếp. Bỗng nghe anh tôi vừa ho, vừa kêu to: “Mợ ơi! Khói quá..”.

Tôi chạy lên gác xép, một tay giụi mắt, một tay ôm cây ghi ta bên mình, anh hát cho tôi nghe bản thảo ca khúc Người con gái Việt (phỏng thơ của Anh Thơ). Mặc dù tôi được học nhạc từ năm lên 10, cũng bập bẹ bắt đầu sáng tác, nhưng vẫn cứ ngồi thừ ra khi nghe xong ca khúc này. Tôi bảo anh tôi: Giai điệu đẹp quá anh ạ. Em thích nhất nốt xi giáng ở chữ thướt (tha) và nốt fa hoàn lại ở chữ đóng (chiếm đóng). Ngay sau đó bài hát đã trở thành nổi tiếng với giọng ca có một không hai của ca sĩ Trần Khánh mà âm vực rộng tới 2 quãng 8.

Năm 1954, từ anh phiên dịch tiếng Trung ở Đoàn cao xạ pháo đầu tiên của Việt Nam, anh trai tôi giải ngũ và về công tác ở Ban ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam. Anh cùng nhạc sĩ Mộng Lân khởi xướng, dàn dựng Đội sơn ca đầu tiên của Đài vào tháng 7 năm 1957. Những cô bé thiếu niên ngày ấy như Bích Liên, Anh Đào, Diệu Thuý, Kim Oanh, Thuý Mai, Tô Lan Phương, Diệu Ngọc, Lê Trâm, Vũ Tuất, Vũ Dậu,…nay đã trở thành những ca sĩ nổi tiếng, nhiều người đạt được danh hiệu NSND, NSƯT…

GS Lân Tuất cùng vợ PGS. Svetlana Kurbetova - Nhà hoạt động Nghệ thuật Công huân Liên bang Nga. Ảnh: GS Nguyễn Lân Cường cung cấp

Nhưng có lẽ bước ngoặt của cuộc đời anh tôi trong âm nhạc là bắt đầu từ tháng 9 năm 1959, khi được Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tiến cử cho sang tu nghiệp về chuyên ngành lý luận âm nhạc tại nhạc viện Lơvốp (Liên Xô cũ) và sau khi tốt nghiệp, anh tôi chuyển về công tác tại Nhạc viện thành phố U-pha - Thủ đô nước Cộng hoà tự trị Bashkira. Từ năm 1965 -1970, anh tôi làm nghiên cứu sinh tại Học viện Âm nhạc - Sân khấu và Điện ảnh  Leningrad và may mắn được theo học Giáo sư Mnatsacanian - học trò cuối cùng của thiên tài âm nhạc Shostakovich. Anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Sân khấu và âm nhạc chèo”.

Nhớ lại ngày ấy anh gửi thư về nhờ tôi chạy lùng các tác phẩm bài báo và đĩa hát về chèo cho anh. Tôi quen nhiều bè bạn trong giới âm nhạc nên đã đáp ứng được một phần nguyện vọng của anh.  Chính ở Leningrad, anh gặp cô Svetlana Kurbetova - một nghệ sĩ dương cầm và sau này trở thành chị dâu tôi. Năm 1988, khi tôi đang là thực tập sinh tại Viện hàn lâm Liên xô, lần đầu gặp chị tại Mascơva tôi đã có ngay cảm tình với chị và mừng cho anh tôi - chị là người Nga nhưng tính tình hiền dịu như con gái Á Đông. Chị là người đầu tiên thể hiện các tác phẩm của anh tôi trên sân khấu ở Nga và cả ở Hà Nội sau này.

Bước ngoặt quan trọng khác là từ năm 1984, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất được mời về giảng dạy tại Nhạc viện Quốc gia Novosibirsk. Tròn 40 năm tại đây ông đã để lại cho đời những tác phẩm giao hưởng bất hủ mà theo Hội nhạc sĩ Nga ông là nhà soạn nhạc Xibia có tác phẩm được biểu diễn nhiều nhất, đã đào tạo không biết bao nhiêu học trò Nga trở thành những nhạc sĩ tài năng.

Anh tôi viết ca khúc không nhiều, ngoài chùm ca khúc thiếu nhi, trước khi sang Nga còn có: Người con gái Việt, Tuổi trẻ đi theo Đảng, Đoàn quân chúng ta, Có chúng tôi sẵn sàng, Bài ca Tây Nguyên…Sau khi qua Nga có: Câu ca quan họ, Về quê em, Hà Nội - Thăng Long (hợp xướng). Hầu hết cả thời gian ở nước Nga - Tổ quốc thứ hai của mình, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đã soạn các bản giao hưởng: Giao hưởng số 1 Dự cảm nội chiến (1981), Giao hưởng số 2 Tổ quốc tôi (1984), Giao hưởng số 3 Tiếng hát trong tù (1989), Giao hưởng số 4 Gửi người em gái phương xa (1995).

Bản giao hưởng này có 3 chương: Chương I- Adagio -Tâm tư của nghệ sĩ về số phận dân tộc. Chương II - Valse - Hồi tưởng quê nhà. Chương III - Requiem - Ở dưới biển sâu. Đây là bản Giao hưởng được trình bày tại Phòng hoà nhạc Lớn của Nhạc viện Quốc gia Novosibirsk mang tên Glinka vào năm 2000, nhân dịp anh tôi tròn 65 tuổi.

Năm 2005, nhân dịp nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất tròn 70 tuổi 3 tổ khúc thanh nhạc (vocal cycles) của anh cũng đã được trình diễn: Đêm trăng; Bốn bài thơ Nhật Bản; Người tha hương. Ba tổ khúc này mang đậm màu sắc Á Đông đều phổ thơ của Bạch Cư Dị và thơ Nhật Bản.

Để chào mừng ngày sinh nhật lần thứ 75 của mình anh cho ra mắt bản hoà tấu viết cho kèn Clarinette và đàn dây. Tác phẩm gồm 3 phần Preludia, Aria và Final. Cuối buổi Thị trưởng thành phố Novosibirsk đại diện cho Tổng thống Nga trao bằng kỷ niệm mừng GS. Nguyễn Lân Tuất tròn 75 tuổi.

Đặc biệt bản giao hưởng số 2 - Tổ quốc tôi được trình diễn nhiều lần ở Nga và năm 2006 đã được trình bày tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nhạc sĩ, Nhà lý luận Nguyễn Thị Minh Châu đã từng nhận xét: "Kết hợp giữa hai nền văn hoá âm nhạc Đông - Tây, giữa truyền thống với đương đại, giữa chuyên nghiệp với dân gian, giữa tính hiện thực với tâm hồn lãng mạn, giữa kỹ thuật đa dạng trong hoà thanh phối khí với tính giai điệu trong sự biến hoá khôn lường…, giao hưởng số 2 là một “dấu son” trong sự nghiệp sáng tác của nhà soạn nhạc Lân Tuất, và dấu son ấy không chỉ cho riêng Lân Tuất, mà còn thuộc về gia sản chung của nền giao hưởng Việt Nam thế kỷ XX…”.

Một lần khác cũng ở Nhà hát Lớn Hà Nội, một số tác phẩm khác của anh tôi đã được các nghệ sĩ Nga trình bày mà chị dâu tôi - PGS. Nhà hoạt động nghệ thuật Công huân Liên bang Nga Svetlana Kurbetova đệm piano. Tôi vinh dự là người được dẫn chương trình đêm đó. Vào ngày giáp Tết Bính Tuất  (2006) khi về thăm Hà Nội anh ngồi lỳ trong nhà em trai tôi PGS.TS. Nguyễn Lân Tráng để viết vở ballet Thiên Thai. Anh cũng đã gặp gỡ Giám đốc Nhà hát Ca vũ kịch Việt Nam Nguyễn Công Nhạc để bàn chuyện dàn dựng tại Việt Nam. 

Đặc biệt gần đây anh đã viết một bản tổng kết cuộc đời mình bằng âm nhạc. Đó là bản giao hưởng số 5 “Đời Nghệ sĩ” viết cho dàn nhạc giao hưởng gồm 4 chương: Chương 1: Tuổi thơ, Chương 2: Tranh đấu và Chương cuối: Định mệnh”. Chương 4 chưa hoàn thành, 3 chương đầu đã được trình diễn ở Nga. Buổi biểu diễn gần nhất diễn ra vào tối ngày 22-12-2013, anh yôi đã trực tiếp chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Tomsk biểu diễn hai tác phẩm của mình (Giao hưởng số 3 và Giao hưởng số 4) trong đêm nhạc Những giấc mơ đương đại tại Nhà hát giao hưởng tỉnh Tomsk, Liên bang Nga.

Làm việc quên cả tuổi già nên ngày 21 tháng 9 năm 2009 (2 tuần trước khi tròn 75 tuổi), TS. Nguyễn Lân Tuất đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học  với đề tài “Sân khấu truyền thống Việt Nam hiện đại” tại Trường Đại học sư phạm Quốc gia Liên bang Nga Xanh - Petecbua. Tính đến nay, anh tôi trở thành người đầu tiên và độc nhất có học hàm Tiến sĩ khoa học trong ngành sân khấu ở Việt Nam. Luận án này của anh đã được tái bản lần hai và được chọn làm sách giáo khoa chính thức trong các trường Đại học nghệ thuật tại Nga, được xuất bản bằng tiếng Anh và có lẽ là lần đầu tiên thế giới biết đến một cuốn sách về đa dạng sân khấu truyền thống của Việt Nam.

GS Nguyễn Lân Tuất trong buổi lễ đón nhận danh hiệu Nhà hoạt động nghệ thuật Công huân Liên bang Nga. Ảnh: GS Nguyễn Lân Cường cung cấp

GS. Nguyễn Lân Tuất từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Khoa Sáng tác - Lý luận của Nhạc viện Novosbirsk. Ông được bầu vào Nghị viện Xã hội tỉnh Novosbirsk, Cố vấn về vấn đề quan hệ Dân tộc vùng Siberia cho Đại diện Tổng Thống Nga . Anh còn là Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga và Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Novosbirsk… Suốt cuộc đời trên đất Nga anh luôn dùng âm nhạc để làm gì đó vinh danh cho Tổ quốc mình.

Những năm công tác ở Nhạc viện anh được mọi người ở đây kính trọng. Bà Nina Golovneva - Giám đốc của Bảo tàng Nhạc viện từng nói với phóng viên VOV của Việt Nam: “Nhạc viện của chúng tôi rất tự hào có một con người tài giỏi, một nhà nghiên cứu, một nhà sáng tác và một nhà sư phạm như Giáo sư Nguyễn Lân Tuất làm việc tại đây. Kiến thức của ông ấy rất tốt và tất cả chúng tôi đều đều rất yêu mến và kính trọng ông”. Năm 2006, GS. Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất cùng với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo là 2 trong số 15 người Việt Nam ở nước ngoài được nhận danh hiệu “Vinh danh nước Việt”. Mấy ngày cuối cùng ở Nga, tôi mới hiểu anh tôi thương yêu những anh chị em Việt Nam đang sống bên đó. Ngày nào cũng có người tới thăm và chân thành cảm thông với sự đau đớn của anh tôi…

Những tưởng rằng tháng 10 năm 2014, hai vợ chồng nghệ sĩ tài năng Nguyễn Lân Tuất và Svetlana Kurbetova đã được mờì về tham dự “Liên hoan Âm nhạc Châu Á” do Hôi Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nhưng 14g ngày 29 tháng 4 năm 2014,  anh tôi trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trên vòng tay chị dâu và 2 em tôi. 11g ngày 1 tháng 5 năm 2014 tang lễ đã được cử hành trọng thể tại Nhạc viện Quốc gia Novosibirsk. Lễ hoả táng được thực hiện sau đó để 2 em tôi mang tro về kịp lễ truy điệu sẽ  được tổ chức vào  7 - 9g sáng ngày 11 tháng 5 tại Nhà tang lễ Quân đội do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Gia đình tổ chức.

Nhạc sĩ Lân Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm