Cạnh tranh với Google để giúp người bệnh

20/03/2011 14:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Không biết dùng máy tính, không biết vào mạng, nhưng dược sĩ chuyên khoa II Tào Duy Cần lại tìm cách cạnh tranh với “ông google” để giúp người bệnh thêm kiến thức về cách dùng thuốc. Ở tuổi 83, cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, ông vừa cho ra đời một cuốn sách khá đồ sộ có tên Thuốc biệt dược và bệnh dày gần 1.500 trang được Nhà xuất bản Y học ấn hành. Ông tâm sự, đây cũng có thể là một trong những cuốn sách cuối cùng mà mình thực hiện.


Dược sĩ Tào Duy Cần

Hơn 40 năm nay, dược sĩ Tào Duy Cần được giới y học cả nước biết đến với hàng chục cuốn sách dạng cẩm nang “gối đầu giường” cho các dược sĩ và người bệnh như: Thuốc và biệt dược trong ngoài nước đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký; Cách sử dụng thuốc đặc chế; Biệt dược mới và thuốc thường dùng... Cũng vì thế mà nhiều người gọi ông là cuốn từ điển sống về thuốc biệt dược và bệnh. Dù ông không dám nhận danh xưng này, nhưng những đóng góp âm thầm của ông với nền y học nước nhà suốt gần nửa thế kỷ đã qua đã phần nào chứng minh điều đó.

“Báu vật” của ngành dược

Ông Cần tâm sự, trước đây nền y tế nước nhà còn lạc hậu, thuốc tây chữa bệnh rất khan hiếm. Nhưng đến khi thuốc Tây xuất hiện nhiều, những năm đầu tiên, thuốc thì được cấp phép nhưng lọ thuốc toàn hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, người dân mua thuốc mà rất khó nhọc trong cách sử dụng.

Không chỉ người dân, ngay cả dược sĩ bán thuốc cũng gặp khó khăn.

Ông suy nghĩ và trăn trở nhiều lắm, bởi mỗi loại thuốc ông và đồng nghiệp lại phải mất công tìm hiểu rồi khuyến cáo cho bệnh nhân, rất mất công. Cần phải hệ thống lại để các dược sĩ và bệnh nhân thuận lợi hơn. Nhiều bạn bè ông khuyên ông thử tập hợp lại xem sao, ông lao vào làm, càng làm càng say mê, nhiều lúc ông còn huy động nhiều người bạn cùng ông dịch hướng dẫn sử dụng, đọc thêm các sách để nắm rõ về đặc tính, cách sử dụng, hoạt chất chính... của từng loại thuốc và tập hợp thành một cuốn sách nhỏ.

Những cuốn sách đầu tiên này từng được coi như một “báu vật” của ngành dược, từ cơ sở khám chữa bệnh, y bác sĩ, các quầy thuốc đến người dân cũng tìm kiếm. Chúng như vị “cứu tinh” để mọi người tìm hiểu và sử dụng thuốc tây đúng cách, hiểu đúng tính năng phòng chữa bệnh của nó.

Những ngày đầu tiên ấy, ông làm sách trong sự hối thúc, giục giã của các đơn vị y tế trong cả nước vì họ quá cần những cuốn sách cẩm nang về thuốc như cuốn sách ông đã làm.

Chấp cả… google

Cuốn sách Thuốc biệt dược và bệnh bao gồm 30 đề mục lớn về thuốc biệt dược chữa bệnh như: Thuốc chống viêm - Chống dị ứng - Da liễu - Dinh dưỡng chuyển hóa- Tâm thần - Thần kinh - Tiết niệu - Tiêu hóa... có thể xem là cẩm nang tra cứu tiện lợi về các loại thuốc được cấp phép và có mặt trên thị trường 2 năm trở lại đây.

Qua thời gian, dần dần số thuốc tây ở trong nước mỗi ngày một nhiều lên, các đơn vị nhập khẩu thuốc cũng đã làm đúng nguyên tắc là kèm theo hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Người ta nghĩ, công việc của ông Cần không còn cần nữa vì mua thuốc thì có hướng dẫn tiếng Việt, có dược sĩ hướng dẫn. Nhưng không hẳn như vậy, cuốn cẩm nang không chỉ cần cho các cơ sở y tế, các nơi bán thuốc mà còn cần với mỗi gia đình. Bởi, các hãng thuốc trên thế giới luôn có những tên thương mại khác nhau của cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất trị bệnh chính. Việc tập hợp tên thuốc, phân chia thành các khu vực bệnh khác nhau lại cần thiết ở góc độ đó, nhằm giúp cho người tra cứu tìm được loại thuốc mình cần, hiểu về công năng sử dụng của nó.

Nhiều người cũng nói rằng muốn tìm công dụng của thuốc thì tra google cho nhanh, cần gì tra cuốn sách đồ sộ của ông. Nhưng ông cả quyết “chấp” cả “ông google” bởi google cũng không thể nào tập hợp đầy đủ hàng chục vạn tên thuốc như sách của ông. Hơn nữa, không phải ai, nhất là những người bệnh nghèo, ở vùng sâu vùng xa cũng có khả năng tiếp cận với google.

Cuốn sách Thuốc biệt dược và bệnh có thể coi là cuốn cuối cùng trước khi ông nghỉ vì tuổi cao, sức yếu. Ông đã mất hơn 2 năm trời “lao tâm khổ tứ” tra cứu, sưu tầm tài liệu, dịch và tập hợp. Cuốn sách dày 1.460 trang đã minh chứng cho sự tỉ mỉ, cẩn thận và say mê đặc biệt của người làm công tác sưu tầm. Sách của ông đã được sử dụng rộng rãi trên khắp cả nước, được Bộ Y tế hoan nghênh và động viên ông thực hiện.

Lan Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm