Góc nhìn: Nations League không phải là giải giao hữu

14/10/2024 18:32 GMT+7 | Bóng đá 24h

Thái độ của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha với Nations League giúp họ có những bước phát triển quan trọng. Đã đến lúc các đội bóng châu Âu cần thay đổi quan điểm về sân chơi này.

1. Bồ Đào Nha làm khách trước Ba Lan. HLV Roberto Martinez lên đội hình xuất phát từ rất sớm. Cựu HLV của tuyển Bỉ tuyên bố Ronaldo sẽ đá chính như một lời cam kết về việc tin dùng CR7 bất chấp ngôi sao này đã bước sang tuổi 39. Ronaldo đáp lại niềm tin ấy bằng một bàn thắng, giúp Bồ Đào Nha có chiến thắng 3-1 ngay trên sân của Ba Lan. Việc Ronaldo tiếp tục ghi bàn và Bồ Đào Nha chiến thắng đã như một lẽ rất bình thường tại sân chơi UEFA Nations League này.

Tây Ban Nha cũng không xem nhẹ trận đấu với Đan Mạch. Về lý thuyết, đại diện của Bắc Âu vẫn luôn là một thách thức trước bất cứ đối thủ nào. Bởi thế, HLV De La Fuente đã sử dụng những cầu thủ tốt nhất mà ông đang có. Tây Ban Nha không có một chiến thắng đậm nhưng bàn duy nhất của Martin Zubimendi là đủ để ĐKVĐ châu Âu có thêm một bước tiến nữa.

Trên bảng xếp hạng sau 3 lượt trận, Bồ Đào Nha toàn thắng. Tây Ban Nha có 7 điểm sau 3 trận. Đó cũng là số điểm của Ý và Đức, những đội đang nỗ lực cải thiện thứ hạng và thành tích của mình sau quãng thời gian phong độ không được tốt gần đây. Đó là dấu hiệu của sự trở lại, của sự cam kết cho việc họ sẽ thực sự nghiêm túc ở sân chơi Nations League A này.

2. Ở League B, Anh vừa nhận một cú đấm cực đau từ Hy Lạp. Ngay trên sân nhà Wembley, họ để cho đội bóng đến từ xứ sở của các vị thần đánh bại với tỷ số 2-1. Kết quả này khiến Anh tụt xuống thứ 2 ở bảng 2. Nguy cơ phải ngụp lặn ở League 2 lâu hơn là có thể xảy ra nếu như Anh tiếp tục chơi với sự yếu kém như thế.

Góc nhìn: Nations League không phải là giải giao hữu - Ảnh 1.

Bồ Đào Nha của Ronaldo luôn nghiêm túc với Nations League

Thực tế tại Wembley, tuyển Anh đã không chơi với tinh thần cao nhất. Họ chủ quan, hời hợt và thiếu sự quyết tâm dù sở hữu trong tay nhiều ngôi sao tầm cỡ thế giới. Đó là một trận đấu mà Anh có thể thua nhiều hơn 2 bàn nếu như Hy Lạp tận dụng tốt hơn những cơ hội họ đã có.

Xét một cách tổng thể, đây đang là giai đoạn mà tinh thần của ĐT Anh có dấu hiệu đi xuống. Những thất bại ở 2 trận chung kết EURO liên tiếp phần nào ảnh hưởng đến khát khao của các cầu thủ Anh. Sự ra đi của HLV Gareth Southgate cũng phần nào để lại những sự hụt hẫng. Bất chấp HLV tạm quyền Lee Carsley đang nỗ lực để thổi bùng lên ngọn lửa chiến đấu, tuyển Anh vẫn chưa có nhiều thay đổi về lối chơi, về khả năng chiến đấu trong mỗi cầu thủ.

3. Nations League ra đời từ năm 2018. Đây là một giải đấu kéo dài trong suốt 2 năm liên tiếp và nó được "nâng cấp" từ những trận giao hữu trong hệ thống FIFA Days trước đó. Ban đầu, các đội tuyển châu Âu thường xem nhẹ giải đấu này, vì xét một cách tổng thể Nations League không thể ngang tầm EURO hay World Cup. Bởi thế, nhiều đội tuyển xem việc thi đấu ở Nations League chỉ là trách nhiệm, chứ không tham gia với quyết tâm cao nhất. Đó cũng là câu chuyện của Anh, Đức và Ý, những đội vốn không thực sự mặn mà ở giải đấu này trong những mùa giải trước đó.

Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha thì khác. Họ thực sự nghiêm túc với Nations League. Thành quả là mỗi đội đều đã 1 lần đăng quang ở giải đấu này. Cả 3 ĐT này tận dụng rất tốt Nations League để nuôi dưỡng các tài năng, thử thách các cựu binh và làm dày bảng thành tích. Họ càng quan tâm hơn khi thành tích tốt ở Nations League sẽ giúp họ có lợi thế ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Âu.

Chính nhờ Nations League với những phép thử lớn, Pháp luôn là một thế lực ở cả EURO lẫn World Cup trong khi Tây Ban Nha vừa lên ngôi ở EURO bằng chính những chàng trai trẻ vừa nâng cúp Nations League trước đó. Thành công của Tây Ban Nha chính là chuẩn mực để Anh, Đức hay Ý sẽ buộc phải thay đổi cách nghĩ về Nations League trong thời gian tới.


Trần Giáp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm