26/06/2013 13:31 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - Mất tới 4 năm để xây dựng lối đá thực dụng, Carlos Dunga vẫn thất bại cùng Brazil. Hiện tại, Scolari mới có chưa đầy 1 năm để theo đuổi triết lý bóng đá ấy. Còn quá sớm để nói họ sẽ thành công ngay cả khi đã vô địch Confed Cup 2013 này.
1. Năm 2001, Scolari được chọn dẫn dắt ĐT Brazil. Ở thời điểm đó, đội bóng quê hương của Samba bốc lửa sở hữu Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho hay Cafu. Bằng lối đá tấn công quyến rũ kết hợp với sự chặt chẽ khoa học, Brazil đã giành chức vô địch World Cup 2002. Đó là lần thứ 5 Brazil bước lên đỉnh thế giới. Chiến thắng của họ như một sự khẳng định về quyền lực tối thượng trong bóng đá.
Hơn 1 thập kỷ sau, Scolari lại ngồi vào chiếc ghế nóng. Lúc này, Brazil đã không còn những nghệ sĩ. Scolari chỉ có mình Neymar là một vũ công thực thụ trong khi những học trò còn lại chơi bóng theo dạng "công nhân" nhiều hơn. Nhưng vẫn với những con người ấy, Brazil đã chơi tốt, thể hiện được sự vượt trội với những chiến thắng thuyết phục. Lúc này, cùng với TBN, Brazil được đánh giá là một trong hai ứng cử viên cho chức vô địch của Confed Cup 2013.
Brazil có thành công với lối chơi thực dụng? - Ảnh Getty
2. Với 3 trận toàn thắng ở vòng bảng Confed Cup 2013, Brazil đang được ca ngợi ngất trời. Nhưng Brazil có thực sự mạnh và đáng sợ như những mỹ từ trên các trang báo?
Khi nhắc đến Brazil thực dụng, không thể không đề cập đến Dunga. Ông chính là biểu tượng của Brazil vô địch World Cup 1994. Và chính Dunga nâng tầm thực dụng của ĐT Brazil khi ngồi vào chiếc ghế HLV sau World Cup 2006, giải đấu mà Brazil đã phải trả giá vì lối chơi nặng tính trình diễn.
Nổi tiếng là một tiền vệ phòng ngự với lối chơi chặt chẽ và khoa học, Dunga đã hướng Brazil chơi theo đúng tư duy bóng đá của ông. Brazil của Dunga đề cao sức mạnh phòng ngự, giải quyết đối thủ bằng những pha phản công tốc độ, đơn giản nhưng hiệu quả; hoặc đòn không chiến từ tình huống cố định.
Brazil của Dunga chẳng đẹp và quyến rũ chút nào. Cầu thủ khéo nhất, kỹ thuật nhất, có chất Nam Mỹ nhất thời điểm ấy là Robinho. Những ảo thuật gia khác đã bị bỏ rơi, trong đó có chính Neymar.
Brazil không đẹp nhưng cực kỳ đáng sợ. Đánh bại họ được coi là thách thức đối với mọi đội bóng thời điểm ấy. Tại Confed Cup 2009, Brazil đã đăng quang bằng những chiến thắng ấn tượng. Ở World Cup 2010, tính thực dụng của Brazil càng được đẩy lên một tầm cao hơn khi trong đội hình chính của Brazil luôn xuất hiện những gã công nhân Melo.
3. Trớ trêu thay, cũng vì tin dùng những "công nhân" ấy, Dunga một lần nữa thất bại ở tứ kết trước Hà Lan. Chính Melo, người đóng một vai chính trong bộ khung thực dụng, đã phá hỏng tham vọng đăng quang bằng chiếc thẻ đỏ vô duyên để rồi sau đó, Brazil thua ngược 1-2. Sau thất bại này, Dunga đã phải ra đi.
Nhưng Brazil đã không thể từ bỏ lối đá thực dụng ấy. Menezes, người được chọn thay Dunga, đã nỗ lực nhưng bất thành trong việc tìm lại lối đá đẹp. Khi Scolari lên thay, ông cũng không thể có những thay đổi mang tính cách mạng. Brazil của hiện tại có quá ít những nghệ sĩ để trở lại với lối chơi bốc lửa của quá khứ. Scolari lại đi theo con đường của Dunga, nghĩa là xây dựng lối chơi của Selecao từ nòng cốt là những Gustavo, Ramires hay Pauldinho.
Sự thực dụng giúp Brazil khẳng định sức mạnh ở vòng bảng Confed Cup, với những chiến thắng thuyết phục trước Mexico, Italia hay Nhật Bản. Nhờ đó, đội quân của Scolari được ca ngợi như trên mây. Họ được nhận xét như một đội bóng hoàn hảo với khả năng vươn cao không chỉ ở Confed Cup mà còn ở World Cup 2014 tới đây.
Nhưng, Scolari cần phải biết rằng, nếu xét về tính thực dụng, tính tổ chức của bộ máy, sự ăn ý trong lối chơi, Brazil của Dunga được đánh giá cao hơn hẳn.
Trần Giáp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất