09/04/2024 07:08 GMT+7 | Văn hoá
Tuần qua, câu chuyện "hồi sinh" sông Tô Lịch đang liên tục nhận về sự chú ý của cộng đồng. Trước hết, đó là những trao đổi quanh đề xuất nghiên cứu đập tràn trên sông Hồng để tiếp nước cho sông Tô và một số sông trong nội thành Hà Nội.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được HĐND TP ra Nghị quyếtthông qua) làviệc giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.
Nhìn lại, ý tưởng "hồi sinh" sông Tô Lịch đang được cộng đồng thường xuyên nhắc tới trong vài năm qua. Nó gắn với một thực tế đáng buồn: Con sông từng góp phần tạo nên đô thị Thăng Long - Hà Nội xưa trong tư cách trục giao thương chính lại đang trở thành 1 trong những nơi ô nhiễm nhất thành phố.
Và trong hàng loạt phương án từng được nêu ra để hồi sinh sông Tô, gần như chúng ta luôn thấy những ý tưởng cơ bản về việc tiếp thêm nguồn nước cho dòng chảy của con sông này. Chẳng hạn, đó là việc tiếp nước sông Hồng thẳng vào Tô Lịch qua hệ thống cống hộp và trạm bơm; hoặc tiếp nước từ sông Hồng thông qua Hồ Tây; hay thậm chí là dẫn nước từ sông Đà theo trục cống mới về sông Tích rồi đưa vào sông Tô Lịch...
Những đề xuất ấy bắt nguồn từ một thực tế: Kể từ khi người Pháp lấp đi phần cuối sông (đoạn chảy qua khu phố cổ nối với sông Hồng) vào thế kỷ 19, Tô Lịch không thể kết nối với sông mẹ, không còn nguồn nước chảy vào. Mực nước của sông cạn dần và những cửa xả dẫn nước thải xuống sông nhiều lên, Tô Lịch gần như trở thành một "con sông chết" chứa nước thải.
Nhưng cũng dễ hiểu, khi mà những đề xuất này đến giờ vẫn chưa thể triển khai trong… sự sốt ruột của cộng đồng. Bởi, bên cạnh vấn đề kinh phí, đó là những giải pháp gắn với các yêu cầu khá phức tạp về dòng chảy và hệ thống thủy văn của cả một hệ thống sông ngòi quanh Tô Lịch.
Đặt trong bối cảnh ấy, ý tưởng xây dựng đập tràn sông Hồng để tiếp nước cho sông Tô Lịch (và kèm thêm nhiều mục đích khác để nâng cấp hệ thống thủy lợi cho Hà Nội) đang nhận về những ý kiến bàn thảo cũng là điều dễ hiểu.
Có thể, một phần những ý kiến tỏ ra băn khoăn với ý tưởng này sẽ lại càng làm những người tha thiết với sông Tô thêm "nóng ruột". Nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, liệu có thể coi đề xuất đó là động thái cho thấy việc "giải cứu" sông Tô Lịch chưa bao giờ bị lãng quên và luôn tiếp tục được tìm tòi?
Chắc chắn, mọi giải pháp để hồi sinh sông Tô Lịch đều cần phải được khảo sát, kiểm nghiệm và lựa chọn dưới lăng kính khoa học.
Và cũng đừng quên, như phân tích của nhiều chuyên gia, việc "tiếp nước" cho sông Tô chỉ phát huy hiệu quả, khi hệ thống thu gom nước thải 2 bên sông (cũng như việc giám sát xả thải ra sông) được hoàn thiện để giải quyết tận gốc nạn ô nhiễm.
Ở thời điểm hiện tại, khi hệ thống cống gom nước thải sông Tô Lịch đang được triển khai, chúng ta cũng đang có những bước đi cơ bản để làm tiền đề cho câu chuyện này.
Như lời GS Hoàng Đạo Kính, so với việc trùng tu, tôn tạo một di tích hay một kiến trúc cổ, việc hồi sinh một dòng sông sẽ phức tạp và có những đòi hỏi rất cao. Nhưng ngược lại, việc hồi sinh sông Tô Lịch là khao khát, và cũng là một nhu cầu khẩn thiết mà thực tế đang đặt ra với Hà Nội, để cộng đồng cùng kiên trì và nỗ lực theo đuổi nó.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất