24/07/2025 07:08 GMT+7 | Văn hoá
Hơn một tuần qua, với niềm vui từ việc quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản thế giới, có lẽ chúng ta phần nào ít chú ý tới một dấu mốc khác: UNESCO đồng thời ghi danh Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) cùng Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào) là Di sản thiên nhiên thế giới ở dạng "liên biên giới".
Xem chuyên đề Góc nhìn 365 TẠI ĐÂY
Cụ thể, UNESCO đã thông qua Quyết định phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới đáng kể của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào), với tên gọi: "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô" trong Danh sách Di sản Thế giới.
Có thể nói, thành tựu đầu tiên và quan trọng nhất của Di sản thế giới liên biên giới Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nam Nô chính là giá trị biểu tượng về ngoại giao và văn hóa. Tại đó, quần thể này đã trở thành "cầu nối" quan trọng của tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Qua việc cùng góp sức xây dựng hồ sơ và bảo vệ thành công trước UNESCO, 2 quốc gia đã cho thấy một nguyên tắc quan trọng: Những giá trị văn hóa lớn của nhân loại đều có thể phát triển bền vững trên nền tảng liên kết không biên giới.
Những chiếc thuyền tại Bến thuyền Du lịch Phong Nha đưa du khách vào tham quan Động Phong Nha. Ảnh: TTXVN phát
Thực chất, một số năm qua, 2 vùng không gian này cũng đã triển khai một số hoạt động gắn với thỏa thuận hợp tác giữa chính quyền các tỉnh Quảng Bình cũ (Việt Nam) và Khăm Muộn (Lào). Nhưng giờ đây, khi UNESCO công nhận cả hai vườn quốc gia là di sản chung, một hành lang pháp lý và hợp tác mới đã được thiết lập, mở đường cho những kết nối chặt chẽ nhất quán và toàn diện.
Đơn cử, ở góc độ quản lý, sự cộng hưởng về nguồn lực, tri thức và các giải pháp bảo tồn có thể cho phép cả 2 phía đồng bộ hóa kế hoạch, thống nhất mục tiêu, chủ động kiểm soát các nguy cơ đe dọa di sản như biến đổi khí hậu, xâm lấn sinh vật ngoại lai, khai thác tài nguyên quá mức, tác động tiêu cực từ phát triển dịch vụ.
Ở góc độ nghiên cứu, với một không gian liền mạch kéo dài từ Việt Nam sang Lào, các nhà khoa học của 2 nước (cũng như những học giả quốc tế) giờ đây cũng đã có thể nghiên cứu và kiểm chứng các giả thuyết về tiến hóa sinh học, địa chất, khí hậu… của quần thể này ở cấp độ liên quốc gia. Từ đó, các chiến lược bảo tồn và phát triển sẽ được xây dựng trên nền tảng khoa học tổng thể thay vì cục bộ, để đảm bảo sự bền vững lâu dài cho di sản.
Xa hơn, việc hình thành một Di sản thế giới liên biên giới như vậy còn mở ra tiềm năng lớn về kết nối du lịch, với những trải nghiệm chưa từng có cho du khách lẫn cộng đồng bản địa. Ở đó, những tuyến du lịch xuyên Phong Nha - Kẻ Bàng - Hin Nam Nô hoàn toàn có thể hình thành, để khách quốc tế có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp kỳ vĩ của một quần thể địa chất có tới hơn 220 km hang động và hệ thống sông ngầm được ghi nhận mang ý nghĩa toàn cầu.
Cảnh sắc bên trong động Phong Nha. Ảnh: TTXVN phát
Nói cách khác, những tiềm năng ấy không chỉ là cơ hội "kéo dài" không gian trải nghiệm, mà còn có khả năng thúc đẩy du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nơi du khách có thể khám phá sự đa dạng về bản sắc văn hóa và tập tục của từng cộng đồng địa phương
Và nếu được tiếp cận hợp lý, đó cũng là dịp để đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, phân bổ dòng khách hợp lý giữa hai quốc gia trên cơ sở xây dựng những gói tour chung, hoặc cùng tổ chức hay tham gia những sự kiện quảng bá quốc tế.
***
Có một thực tế: Lịch sử tự nhiên của loài người luôn có sự phát triển và kết nối vượt lên trên những ranh giới "nhân tạo". Tại đó, những dãy núi, dòng sông, hang động hay hệ đa dạng sinh học đều tác động qua lại lẫn nhau, vượt lên những ranh giới trên bản đồ.
Và ở bối cảnh thời đại mới, rõ ràng xu hướng liên kết, bắt tay giữa các vùng không gian hành chính - dù là trong nội bộ một quốc gia hay giữa nhiều quốc gia - đang dần hiện hữu như một xu thế tất yếu, để tiếp cận chính xác và trọn vẹn những hệ giá trị thiên nhiên ấy.
Nhìn lại quá khứ, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam lần đầu được UNESCO ghi danh vào năm 2003 với tiêu chí về địa chất, địa mạo. Đến năm 2015, di sản này được công nhận bổ sung thêm tiêu chí về hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời vùng lõi mở rộng từ hơn 85 ngàn hecta lên hơn 123 nghìn hecta. Còn bây giờ, với việc hình thành di sản liên biên giới, có thể nói Phong Nha - Kẻ Bàng đã tiến thêm một bước xa, trên lộ trình phát huy những tiềm năng riêng đang có.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất