28/07/2020 07:43 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, chúng ta được đọc trên mặt báo thông tin về việc rất nhiều người lao động bị mất việc do các công ty cắt giảm nhân sự trong mùa dịch Covid- 19. Và thật trớ trêu, những công việc lao động chân tay, những nghề không được đào tạo qua trường lớp như là lao công, tạp vụ, phục vụ quán ăn, nhà hàng, công nhân tại các công ty… bị cắt giảm nhiều hơn cả.
Bản thân tôi mỗi khi đọc những thông tin người lao động bị mất việc làm, thất nghiệp lại lẩn thẩn đặt ra câu hỏi: Thực tế chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay ra sao? Yếu kém cái gì? Có phải chỉ có lao động chân tay và công nhân trong các công ty bị cắt giảm?
Năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 điểm trên thang 10 điểm. Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong 1,4 triệu người lao động có kỹ năng cao thì 1/4 không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng sơ cấp, trung cấp.
Nhiều năm trước đây, khi còn đang theo làm những công việc như là lắp đặt thang máy, hàn xì… tôi biết rất nhiều người thợ có tay nghề cao mà không có bằng cấp (theo nghĩa không được học qua trường lớp, đào tạo bài bản). Họ trưởng thành trong quá trình đi làm, sau khi được đào tạo trực tiếp tại các đơn vị tuyển dụng, họ tự mày mò tìm hiểu, học hỏi thêm về nghề, tận dụng các cơ hội khi làm việc với các chuyên gia đến hợp tác. Và họ tích lũy được kinh nghiệm, nâng cấp được tay nghề, trở thành những người thợ giỏi trong công ty.
Cuối tuần trước, công ty tôi đang làm việc có tiến hành tuyển dụng nhân sự vào làm công việc vệ sinh công nghiệp tại một tòa nhà văn phòng cao cấp. Đọc các hồ sơ xin việc làm, tôi thấy đúng là 100% những người tham gia tuyển dụng đều chẳng qua trường lớp nào cả. Họ không được đào tạo bất cứ một ngành nghề nào, điều này đồng nghĩa với việc trong hồ sơ không có bất cứ văn bằng hay là chứng chỉ nào sất cả.
Tất nhiên sau khi tuyển họ vào, công ty chúng tôi sẽ phải tiến hành đào tạo trực tiếp tại hiện trường, hướng dẫn họ các kỹ năng thao tác cái công việc mà nhiều người cho là kém cỏi, không hấp dẫn. Bên cạnh đó, khi xuống nơi làm việc, công ty sẽ cử những nhân viên được coi là “thợ” trong công việc này kèm cặp, chỉ bảo. Ai mà chịu khó học hỏi, tiếp thu chắc chắn tay nghề sẽ được nâng lên.
Tất nhiên, đấy chỉ là những gì tôi được trực tiếp nhìn thấy, và đây chỉ là những lao động phổ thông thuần túy. Họ trưởng thành do bản thân tự học hỏi và rèn giũa.
Ông Ito Junichi (người Nhật, CEO Công ty World Link Japan Inc.) nhận xét: “Ở VN, giờ có nhiều người tốt nghiệp đại học, nhiều người có bằng MBA nhưng họ chưa đụng tay làm những việc thật bao giờ cả. Họ chưa bao giờ làm những công việc tay chân lấm láp. Những người trẻ đó chỉ học trên giấy tờ, đọc sách nhưng họ chẳng hiểu gì thực tế cả”.
So sánh với 20 năm trước, khi mới đến Việt Nam, ông nhận xét “Tôi thấy nhiều người Việt Nam hay coi thường những người lao động chân tay như thợ hàn xì, công nhân lao động phổ thông, công nhân xí nghiệp. Những người trẻ chỉ thích làm việc trong văn phòng tiện lợi, phải có điều hòa.” Theo ông thì: “Không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm lớn của xã hội”.
Không tôn trọng công việc lao động chân tay, không có sự trải nghiệm, vậy thì làm sao có được các kỹ năng cũng như tích lũy kinh nghiệm để có thể trở thành “thợ”, làm sao có thể rèn luyện, học hỏi các “kỹ năng mềm”?
Nhân lực chất lượng cao có lẽ vẫn là một câu chuyện dài tập, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để có thêm được nguồn lực lao động này, đáp ứng được tiêu chí của các nhà đầu tư đến Việt Nam - đó là bài toán không phải chỉ dành riêng các trường đào tạo mà còn từ ý thức tự học của mỗi cá nhân, từ chính sách và tiêu chí cho các sản phẩm đào tạo nhân lực…
Vì thế xã hội cũng rất cần phải có cái nhìn đúng đắn và sự tôn trọng cho những công việc lao động chân tay, cũng như những người đang làm công việc chân tay.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất