Góc nhìn 365: Thay đổi 'thú ăn'

14/12/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần vừa qua, UBND TP Hội An (Quảng Nam) đã tổ chức ký kết trực tuyến với tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) về cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo.

Bỏ ăn thịt chó: Chuyện có cơ sở để thành công

Bỏ ăn thịt chó: Chuyện có cơ sở để thành công

Khi nghe tin Hà Nội vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, nhiều người cho rằng điều này là rất khó, vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức rồi, kiểu “quốc hồn, quốc túy”. Nhưng cũng có nhiều ý kiến ủng hộ, xem như là một xu thế tất yếu của đời sống và văn hóa.

Thông qua việc ký kết này, thành phố sẽ vận động bằng nhiều hình thức đối với chủ kinh doanh cùng người dân nhằm dần từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo (vận động chứ không phải là cấm đoán như một số thông tin sai lệch).

Ngược dòng thời gian nhiều năm trước đây, tại các gia đình nhất là ở nông thôn, hai con vật được nuôi nhiều có lẽ là chó và mèo. Chó thì làm nhiệm vụ canh giữ nhà, còn mèo thì bắt chuột...

Hình ảnh chú chó vẫy đuôi mừng rỡ khi chủ đi làm về, chú mèo sà vào lòng chủ buổi tối đòi vuốt ve hay là nằm cuộn tròn phơi nắng ngoài sân rất hay được học sinh đưa vào bài làm văn. Những câu chuyện kể về sự trung thành, trí thông minh hay là sự tinh nghịch của các chú chó, mèo luôn khiến cho chúng tôi thuở còn đi học thích thú.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo TP Hội An và đại diện FOUR FAWS trao văn bản ký kết thỏa thuận không buôn bán thịt chó, mèo trên địa bàn TP Hội An. Ảnh: Internet

Lớn lên, chúng tôi cũng được biết thêm rằng, ngoài những ích lợi của việc nuôi chó, mèo tại gia thì thịt của chúng còn là một món ăn khoái khẩu, nhất là với dân nhậu. Tôi nhớ những năm bao cấp, khi lương thực, thực phẩm nói chung, các loại thịt bò, thịt lợn, thịt gà... đều không có sẵn, lại đắt đỏ, thịt chó khi ấy đương nhiên được coi như là đặc sản. Câu châm ngôn “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không?” hay được nhắc đến khi bàn về món ẩm thực này. Ở khu tập thể tôi sinh sống, việc giết mổ chó lúc ấy thường diễn ra vào dịp cuối năm. Bọn trẻ chúng tôi vì tò mò nên thường tụ tập xem các bác lớn tuổi có tay nghề tự mua chó về, tự tay cắt tiết, thui rơm tại các bể nước công cộng khi tổ chức liên hoan tổng kết trong phân xưởng hoặc phòng ban.

Theo thời gian, khi thịt chó trở thành món ăn được nhiều người ưa thích, nhiều hộ kinh doanh thì tệ nạn “cẩu tặc” cũng phát triển. Từ đó, vấn đề cấm ăn thịt chó được chính quyền nhiều địa phương tính đến, đưa lên bàn nghị sự.

Trong quá khứ, chuyện cấm ăn thịt chó, mèo tại Việt Nam cũng đã có chứ không phải bây giờ mới đặt ra. Theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, việc cấm buôn bán và ăn thịt chó đã từng được người Pháp áp dụng ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có điều lệnh cấm bán và ăn thịt chó của người Pháp chỉ áp dụng tại thủ đô Hà Nội, còn các vùng khác như Hà Đông, Sơn Tây... thì không bị cấm.

Chú thích ảnh
Tại các gia đình nhất là ở nông thôn, hai con vật được nuôi nhiều có lẽ là chó và mèo

Hẳn chúng ta còn nhớ chiến dịch "Về đi, vàng ơi", trong đó có nội dung vận động không ăn thịt chó. Gần đây nhất là vào năm 2018, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành văn bản tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Mục tiêu dự kiến khi đó là đến năm 2021, ở các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo.

Giờ đây, nhiều người ủng hộ Hội An, kêu gọi cùng nói “không” với thịt chó, mèo. Đa số các gia đình hiện nay nuôi chó, mèo không phải để lấy thịt, mà đối xử với chúng như những người bạn - ốm thì đưa đi khám bác sĩ thú y, chết thì chôn, chứ không bán cho lò mổ. Có một thực tế là, giới trẻ đa phần không ăn thịt chó, mèo nữa. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ đưa chú chó mình yêu quý đi ra ngoài hàng quán, công viên, đi dã ngoại...Việc ăn thịt một con vật quấn quýt, tình cảm, được coi là “khuyển mã tri tình” như thế thử hỏi làm sao chấp nhận được?

Luật pháp không cấm ăn thịt chó, nhưng trong một xã hội ngày càng văn minh, khi mà xung quanh ta ngày càng nhiều người không ăn thịt chó, ngày càng nhiều những lời kêu gọi phải đối xử nhân văn với loài vật đáng yêu này; thì liệu ta có nên tiếp tục ca tụng thịt chó? Cho dù thịt chó là món ăn khoái khẩu, thậm chí trở thành “truyền thống ẩm thực” tại một số nơi, thìcũng đã đến lúc nó phải thay đổi.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm