Góc nhìn 365: Tạo dựng "quảng trường Thời đại"

06/02/2025 07:19 GMT+7 | Văn hoá

Tất nhiên, "quảng trường Thời đại" ở đây là của Việt Nam, chứ không phải nằm ở tận New York. Từ hơn một tháng qua, chúng ta đã nghe khá nhiều tới câu chuyện ấy - khi lãnh đạo TP.HCM đặt quyết tâm quy hoạch và phát triển không gian trước chợ Bến Thành theo mô hình của quảng trường vốn rất nổi tiếng này.

Tạm bỏ qua những khác biệt vĩ mô, rõ ràng sự so sánh - và quyết tâm - này cho thấy một nhu cầu quan trọng tại đô thị lớn nhất phía Nam: Tạo dựng một quảng trường trung tâm đủ tầm vóc và giá trị để trở thành "thương hiệu" mang đậm bản sắc của thành phố.

Dù mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam hơn một thế kỉ trước, khi các đô thị theo kiểu hiện đại được xây dựng, nhưng mô hình quảng trường đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới. Thậm chí, theo một số lý thuyết, những đô thị cổ tại La Mã trước Công nguyên cũng đã có quảng trường trung tâm ở dạng sơ khai, để làm nơi tụ họp nhân dân và tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa quan trọng.

Thực tế, tại các đô thị Việt Nam thời Pháp thuộc, nhiều quảng trường cũng được xây dựng, với bản chất là những không gian ngoài trời, đặt tại trung tâm thành phố và thường là giao điểm của những trục giao thông quan trọng, dễ dàng tiếp cận từ mọi hướng.

Góc nhìn 365: Tạo dựng "quảng trường Thời đại" - Ảnh 1.

Phối cảnh diện mạo mới khu vực trước chợ Bến Thành. Nguồn: Báo Người Lao Động

Dù vậy, với quy hoạch của người Pháp đầu thế kỷ XX, những quảng trường này tuy đẹp và kết nối khá tinh tế với kiến trúc xung quanh, nhưng thường có diện tích khiêm tốn - để rồi hầu hết bị thu hẹp hoặc không thể đảm nhiệm vai trò của một quảng trường trung tâm đủ quy mô trong các giai đoạn phát triển sau này.

Ở một góc độ khác, tùy theo đặc điểm đô thị và bối cảnh lịch sử, những thành phố tại Việt Nam có những loại hình quảng trường trung tâm khá khác nhau.

Đơn cử, tại Hà Nội, không gian quanh Hồ Gươm luôn được là tâm điểm của các hoạt động văn hóa giải trí nhưng không phải là một quảng trường trung tâm theo đúng nghĩa. Thực chất, vai trò này thuộc về quảng trường Ba Đình - một không gian mang đậm tính biểu tượng và lịch sử - chính trị của Hà Nội cũng như cả nước.

Ngược lại, như phân tích của nhiều chuyên gia, đến thời điểm này, có thể "tạm coi" quảng trường trung tâm quy mô nhất tại TP.HCM là trục phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, vì là loại quảng trường dạng tuyến kéo dài, cùng việc mới được quy hoạch và xây dựng vài năm trước đây, nên quần thể này vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện...

Trở lại với ý tưởng xây dựng "quảng trường Thời đại" tại TP.HCM. Về cơ bản, đây là không gian có rất nhiều lợi thế khi có diện tích rộng, liền kề với nhiều trục giao thông lớn - và đặc biệt gắn với chợ Bến Thành đã tồn tại hơn một thế kỷ trong lịch sử thành phố.

Phần tiếp theo của quyết tâm ấy sẽ là câu chuyện của các kiến trúc sư và các nhà quy hoạch, cũng như những chính sách điều tiết và khuyến khích hợp lý, để thành phố lớn nhất phía Nam có một quảng trường đặc sắc mang tính biểu tượng cho mình.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm