Góc nhìn 365: Khi Cầu Vàng… lên phim

23/08/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá

Một câu chuyện thú vị liên quan tới Cầu Vàng tại Đà Nẵng đang thu hút dư luận những ngày qua, khi kiến trúc này bất ngờ xuất hiện trong phim bom tấn Sandman (Người cát) đang công chiếu trên Netflix.

Cầu Vàng Đà Nẵng lọt top những điểm đến tuyệt vời nhất thế giới của TIME

Cầu Vàng Đà Nẵng lọt top những điểm đến tuyệt vời nhất thế giới của TIME

Cây Cầu Vàng ở thành phố Đà Nẵng, Việt Nam mới đây đã được tạp chí danh tiếng TIME bình chọn là một trong những điểm đến tuyệt vời nhất thế giới.

Chính xác thì đó không phải là cây Cầu Vàng “xịn” của Việt Nam, mà chỉ là một cây cầu bằng… kỹ xảo điện ảnh, và cũng chỉ xuất hiện trong một thời lượng ngắn ngủi. Nhưng, sự giống hệt “nguyên mẫu” đã đủ để khán giả của chúng ta háo hức.

Và rồi, câu chuyện càng trở nên hấp dẫn - khi qua báo giới ít ngày trước, đại diện của phía sản xuất Sandman cũng chính thức xác nhận: Cầu Vàng Đà Nẵng là cảm hứng cho hình ảnh của cây cầu trong phim…

Lời khẳng định ấy, cũng như những mỹ từ mà phía sản xuất dành cho vẻ đẹp siêu thực của kiến trúc này, đang liên tục được cộng đồng chia sẻ trên không gian mạng, kèm theo những bức ảnh chụp Cầu Vàng từ nhiều góc độ.

Chú thích ảnh
Cây cầu trong phim "The Sandman" và Cầu Vàng nằm trong khu du lịch Bà Nà Hills ở Đà Nẵng. Ảnh: ĐPCC/Sun World BaNa Hills

Chẳng có gì khó hiểu quanh sự thích thú rất tự nhiên này: Không phải lúc nào, chúng ta cũng có cơ hội được chứng kiến những thắng cảnh Việt Nam được xuất hiện trong một bộ phim bom tấn trên thế giới. Nhất là lại xuất hiện một cách… bất ngờ và ngoài mong đợi.

Không sai, nếu nói rằng dù ít dù nhiều, hình ảnh ngắn ngủi của cây cầu trong The Sandman sẽ là một thông tin tích cực với du lịch Việt Nam, dù ít dù nhiều. Và, nhiều người hẳn đã mơ về một ngày, Cầu Vàng của Đà Nẵng được xuất hiện chính thức trong cảnh quay của một bộ phim bom tấn khác trên thế giới, chứ không còn là “tạo cảm hứng” như vừa có.

***

Với người viết, câu chuyện trên còn có một điểm thú vị riêng: Đây có lẽ là lần đầu tiên, một kiến trúc “trẻ” như Cầu Vàng của Việt Nam bước lên màn ảnh của thế giới - nếu so với những trường hợp của các Di sản Thế giới như vịnh Hạ Long (phim Đông Dương, 1992) hay quần thể danh thắng Tràng An (phim Kong: Đảo đầu lâu, 2017).

Nhưng nếu nhìn vào mức độ nổi tiếng của cây cầu ra đời năm 2018 này với thế giới qua một loạt bài viết cũng như cuộc bình chọn, có thể tin rằng những gì nó nhận về không phải là sự “ăn may” như chúng ta từng có lúc băn khoăn. Và như phân tích của nhiều chuyên gia kiến trúc, sức hấp dẫn của cây cầu ấy chính là việc tìm ra một kết cấu độc đáo, mang tinh thần đối thoại với tự nhiên khi đặt giữa khung cảnh hùng vĩ và thời tiết sương mù mang bóng dáng vừa thực vừa ảo của núi chúa Bà Nà.

Như thế, theo một nghĩa nào đó, Cầu Vàng là một sản phẩm hiện đại nhưng rất biết cách tận dụng những ưu thế về cảnh quan bản địa vốn có để tạo ra bản sắc độc đáo của mình. Và, đó là một hướng đi cần nghiên cứu kỹ, thay cho xu thế “bê tông hóa” từng xuất hiện tại rất nhiều di sản.

Cũng như, đặt trong xu thế phát triển công nghiệp văn hóa như hiện tại, rõ rãng cây cầu ấy không thể chỉ dừng ở chức năng của một kiến trúc độc đáo, mà đã trở thành một biểu tượng có thể khai thác lâu dài trong tương lai. Hãy nhớ, năm 2018, cây cầu này đã từng là địa điểm biểu diễn một show thời trang quốc tế với tên gọi “Dạo bước trên mây” và được dư luận quan tâm đặc biệt. Câu chuyện của công nghiệp văn hóa cũng cần được mở ra với những hướng tiếp cận ấy, bởi một biểu tượng văn hóa chỉ bền vững và phát huy hết giá trị khi kết hợp với các hệ giá trị thặng dư, chứ không thể mãi đứng một mình…

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm