Góc nhìn 365: Chợ xưa - chợ nay

26/04/2022 06:30 GMT+7 | Văn hoá

Cuộc triển lãm trực tuyến Ký ức chợ xưa của Trung tâm lưu trữ Quốc gia I vừa khai mạc vào 26/4. Ở đó, người xem bỗng nhiên được “đánh thức” cảm xúc và mạch tư duy về một loại hình tưởng như rất bình thường trong đời sống hàng ngày: Chợ.

Góc nhìn 365: Cuối năm, ngóng chợ hoa Hàng Lược

Góc nhìn 365: Cuối năm, ngóng chợ hoa Hàng Lược

Ngày hôm qua 12/1 cũng là thời điểm 78 chợ hoa Xuân tại Hà Nội bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là các điểm chợ được thành phố phê duyệt và lên kế hoạch tổ chức để phục vụ cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 này.

Chợ ở đây tất nhiên là mô hình chợ dân sinh truyền thống, nơi mà tất cả người Việt Nam đều đã biết đến ngay từ những năm rất sớm trong cuộc đời mình. Và, những ngôi chợ ấy, vẫn đang cung cấp cho chúng ta những mặt hàng thiết yếu trong đời sống thường nhật - dù trong một chừng mực, nó dễ gợi tới sự liên tưởng tự nhiên của mỗi người về những gì nhếch nhác, xô bồ.

Nhưng, những gì được chia sẻ ở Ký ức chợ xưa lại là một câu chuyện khác. Gần 80 tư liệu ảnh tại cuộc triển lãm 3D này đã tiếp cận với chợ truyền thống ở những góc thú vị và độc đáo nhất của nó.

Chủ yếu là chợ trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX,những thông tin được cung cấp đã dựng nên trước mắt người xem câu chuyện về những dòng chảy trong lịch sử hình thành chợ tại Hà Nội. Từ những khu chợ của các phường nghề tại cửa thành, cửa sông, bến đò, đất Kẻ Chợ hình thành như một cái tên đặc thù của Thăng Long cũ.

Chú thích ảnh
Không gian triển lãm trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Để rồi, trước thời Pháp thuộc, Hà Nội là nơi tồn tại của vô vàn chợ cố định lẫn những ngôi chợ lưu động không tên - nơi những người bán rong, những người thợ thủ công mang sản phẩm ra bán ở tất cả những nơi đông người qua lại. Tới mức, Paul Bourde - ký giả người Pháp của báo Le Temps - đã viết năm 1883: “Thành phố biến thành một cái chợ mênh mông ngoài trời. Mặt phố tràn ngập người. Những người nông dân bày bán hàng hóa của mình trong chiếc khăn vải, trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất...”

Và, bước sang giai đoạn trở thành nhượng địa của Pháp kể từ 1888, thuế chợ là nguồn thu chính cho thành phố. Chợ Hà Nội bước sang một giai đoạn khác, với những động thái từ phía quản lý để tăng số phiên, áp thuế môn bài, hay cấp giấy phép cho những gánh hàng rong...

Chợ Tết, chợ hoa Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, chợ Đuổi, chợ Gạo, chợ phố Hàng Tre...Nhìn ở góc độ lịch sử, mỗi ngôi chợ ở Hà Nội đều gắn với ký ức riêng của mỗi người. Đó không chỉ là những di sản đặc biệt của thành phố mà còn là những không gian đặc thù - nơi mà nhiều khi người ta tìm đến chẳng để mua bán gì mà lại hướng với sự gặp gỡ, giải trí như một nét đặc thù trong sinh hoạt.

***

Hoài cổ, nhưng sự tồn tại của những ngôi chợ truyền thống ấy ở thế kỷ XXI này lại là một câu chuyện mới. Tại đó, cùng với sự lên ngôi của hệ thống siêu thị và các dịch vụ giao nhận, chợ truyền thống đang phần nào mất đi vai trò từng có của mình.

Đó là câu chuyện của sự thay đổi tất yếu theo thời gian - và ở một chừng mực, còn là hệ quả của những yếu kém về quản lý mà chúng ta từng có trong quá khứ. Để rồi, từng có thời điểm, ý tưởng “xóa sổ” chợ truyền thống để thay bằng các siêu thị, cửa hàng dịch vụ đã được đặt ra, trước khi thực tế cho thấy tính thiếu khả thi của giải pháp này.

Đã có những nghiên cứu thực tế khẳng định: Chợ truyền thống hoàn toàn vẫn có thể tồn tại ở những đô thị Việt Nam hiện đại - khi mà qua nhiều thế kỷ, mô hình ấy vẫn luôn tồn tại sức hút riêng ở mối quan hệ đặc trưng giữa người với người, thay cho mối quan hệ lý tính giữa người và... hàng hóa trong các siêu thị theo kiểu phương Tây hiện đại. Vấn đề còn lại, chỉ là những giải pháp cần được tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm, cả ở kết cấu, cách tổ chức - cũng như các giải pháp đặc thù để đảm bảo an toàn thực phẩm lẫn... văn hóa mua bán trong bối cảnh bây giờ.

Bởi, nhiều thứ cũ xưa chỉ lung linh khi gắn với ký ức, chứ vẫn khó tồn tại nếu không khắc phục được tình trạng xuống cấp và nhếch nhác trong thời hiện đại.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm