Góc Hồng Ngọc: Tìm Chủ tịch cho VFF

12/04/2013 20:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chức vụ Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho nhiệm kỳ sắp tới là chủ đề của buổi cà phê lần này với nhà báo Hồng Ngọc, với những đánh giá về các ứng cử viên, và không quên đưa ra tiến cử gây ngạc nhiên.

Cà phê thể thao:Chào Hồng Ngọc! Bóng đá Việt Nam chuẩn bị bước vào khúc cua mới, với một nhiệm kỳ mới và vị chủ tịch mới. Theo bạn, vị trí chủ tịch có tầm quan trọng như thế nào với VFF?

Hồng Ngọc: Một vị chủ tịch có thể chẳng có tầm quan trọng gì như hầu hết các vị chủ tịch đã qua của VFF. Bởi chủ tịch VFF chỉ có vai trò “lãnh đạo” mà không có vai trò “điều hành”. Lãnh đạo là gì? Tôi chưa thấy VFF tiêu chí hóa vai trò lãnh đạo của chức vụ chủ tịch, mà chỉ thấy tiêu chí hóa “phẩm chất” của người ở chức vụ đó, cứ như viết tiêu chí về các nhà lãnh đạo lý tưởng vậy, chả cần biết nó có liên quan gì tới việc lãnh đạo VFF hay không, và có thể tìm kiếm một ứng viên thật sự đáp ứng được các tiêu chí đó hay không.

Vì thế, nhà “lãnh đạo” chẳng cần phải làm gì thật sự cả. Có chăng là đủ uy để dẹp bớt những tranh cãi bất đồng trong VFF, và đặt ra các kế hoạch năm năm hay 10 năm. Kế hoạch của bóng đá Việt Nam cũng giống như bất kỳ các kế hoạch của ngành nghề nào khác ở Việt Nam: cứ đặt ra mục tiêu rồi để đó, chả liên quan gì đến đường lối phát triển, xây dựng các chính sách hay giải pháp phù hợp để theo đuổi mục tiêu. Tức là các kế hoạch được xây dựng không có cơ sở, và cũng không có con đường thực hiện.



Nhà báo Hồng Ngọc đề cử ông Vũ Công Lập làm ứng cử viên Chủ tịch VFF

* Tức là bạn phủ nhận tầm quan trọng của chức chủ tịch VFF?

- Nếu nó vẫn tiếp tục như đã diễn ra thì chúng ta chả cần quan tâm tới ông chủ tịch VFF sắp tới là ai cả. Dù là ông Nguyễn Trọng Hỷ, Mai Văn Muôn, hay Hồ Đức Việt thì cũng thế. Có chăng ông Mai Liêm Trực khác chút ít vì là… ngôi sao truyền thông, bằng cách hạ thấp đội ngũ cấp dưới của mình (“thấp hơn mặt bằng xã hội”) cho thỏa sự bêu riếu của công chúng. Chứ cứ làm việc kiểu chỉ tay năm ngón hoặc truyền đạt cho ban chấp hành ý kiến của bề trên thì ai chả làm được!

Chủ tịch VFF lẽ ra phải làm được nhiều hơn thế. Một nhà lãnh đạo phải xây dựng được các mục tiêu có cơ sở, chứ không phải là đặt ra mục tiêu lơ lửng như thời gian qua, xây dựng các chiến lược phát triển, tập hợp đội ngũ thực hiện, và giám sát quá trình thực hiện nhằm theo đuổi các mục tiêu, chiến lược nói trên.

Một vị chủ tịch có tầm ảnh hưởng ra ngoài lĩnh vực bóng đá còn có những phần việc gây tác động tới các lĩnh vực khác để tạo môi trường cho bóng đá phát triển, như tác động tới ngành giáo dục để họ dành thời lượng cho giáo dục thể chất, thúc đẩy hoạt động bóng đá học đường. Hoặc tác động tới việc quy hoạch đô thị, nông thôn mới, bảo đảm có đủ sân chơi bóng đá, thúc đẩy hoạt động bóng đá cộng đồng.

* Theo quan điểm của bạn, trong những ứng cử viên hiện tại cho chức vụ này, liệu có ai có đủ những khả năng trên?

- Chúng ta đang nhắc nhiều nhất tới hai vị phó chủ tịch đương nhiệm, là ông Phạm Văn Tuấn và ông Lê Hùng Dũng. Nếu nhìn vào ông Tuấn như đã làm ở Gia Lai, khi thời ông làm giám đốc Sở Thể dục thể thao Gia Lai, cũng là lúc bóng đá Gia Lai kết duyên với bầu Đức, chúng ta có thể hy vọng. Nhưng hình ảnh ông Tuấn với tư cách là phó Tổng cục Thể dục thể thao đã cản trở hoạt động của VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) như thế nào thì chúng ta lại phải bi quan. Những trải nghiệm về một vị chủ tịch VFF là người của tổng cục hay ủy ban thể dục thể thao thao trước kia, như ông Mai Văn Muôn hay Nguyễn Trọng Hỷ, cũng không tốt. Họ giống như người cầm cương để giữ cho con ngựa VFF trong khuôn khổ “lãnh đạo nhà nước”, hơn là thúc đẩy quá trình xã hội hóa giúp bóng đá phát triển.

Ông Lê Hùng Dũng là doanh nhân đáng nể, và tôi tôn trọng ông với tư cách là một vị phó chủ tịch phụ trách tài chính đầy quyền lực và cũng khá thành công. Nhưng hiểu vai trò của chủ tịch theo cách chúng ta vừa bàn đến, thì e rằng ông Dũng không thích hợp. Ông không thuộc mẫu người làm chiến lược, thể chế hóa việc thực hiện chiến lược. Ông thích hợp với một vai trò mang tính hành động, hoặc tiếp tục là phó chủ tịch phụ trách tài chính như hiện nay hơn.

* Có những ứng cử viên khác như bầu Hiển và bầu Thắng đã được nhắc tới. Họ đều là những doanh nhân lãnh đạo thành công doanh nghiệp rất lớn của mình, chắc rằng có đủ khả năng lãnh đạo một liên đoàn bóng đá?

- Không hẳn như vậy. Doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận, còn một tổ chức xã hội nghề nghiệp như liên đoàn bóng đá theo đuổi các giá trị xã hội nhiều hơn. Điểm mấu chốt ở đây là sự xung đột về lợi ích: bầu Hiển và bầu Thắng, hay bất cứ một ông bầu nào khác, đều không thích hợp trong vai trò chủ tịch VFF. Không thể để một người vừa đá bóng, vừa thổi còi.

* Tôi rất kỳ vọng vào ứng cử viên Nguyễn Bá Thanh, người đã từ chối với lý do quá bận. Bạn chia sẻ ý kiến của mình về trường hợp này?

- Xét cả về uy tín, ảnh hưởng, ông Nguyễn Bá Thanh có thể là ứng viên duy nhất có khả năng tác động tới các lĩnh vực ngoài bóng đá để giúp đỡ bóng đá, đó là ứng cử viên vượt trội. Ông ấy cũng là người có khát vọng với mỗi việc mình làm, và giám sát, đôn đốc để theo đuổi mục tiêu. Nhưng tôi thích một tổ chức, một chiến lược phát triển bền vững bằng cách thể chế hóa, chứ không phải là một người hùng đến rồi đi. Ở điểm này, có lẽ ông Nguyễn Bá Thanh cần một trợ thủ thích hợp. Tôi tin rằng mình biết người đó là ai, thậm chí tôi muốn tiến cử như một ứng viên cho vị trí chủ tịch VFF, trong trường hợp ông Thanh từ chối.

* Bạn gây tò mò rồi đấy! Là ai vậy?

- Ông Vũ Công Lập. Chúng ta biết về ông ấy như một nhà báo thể thao, nhưng thực ra đó chỉ là công việc tay trái (vì yêu thích) của ông ấy. Tôi không tiến cử ông ấy vì đó là một nhà báo sắc sảo và lôi cuốn, mà vì những hiểu biết về bóng đá, về tổ chức, về chiến lược, về con đường dài hạn bóng đá Việt Nam phải trải qua. Đó là chưa kể tới mối quan hệ bóng đá quốc tế của ông ấy cũng sẽ giúp cho bóng đá Việt Nam rất nhiều. Tôi không muốn hạ thấp bất kỳ ai, nhưng đó có lẽ là người duy nhất tôi biết có đủ hiểu biết để lái con thuyền bóng đá Việt Nam đi đúng hướng trong dài hạn. Vấn đề là với bóng đá Việt Nam, cũng như hầu hết lĩnh vực khác của chúng ta, có đặt sự phát triển dài hạn lên trên hết hay không?

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm