Góc Hồng Ngọc: Khi bóng đá Đông Âu không “gánh vác” chính trị

16/06/2012 13:30 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Đã có một thời, các đội tuyển bóng đá Đông Âu là niềm tự hào mang đầy tính chính trị của chế độ, cả ở đất nước họ và trong toàn khối. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đưa các nước này quay sang quỹ đạo tư bản, bóng đá trở về với trạng thái phát triển tự nhiên.

EURO của Đông Âu

Có thể không nhiều người trong chúng ta để ý rằng, giai đoạn đầu trong lịch sử bóng đá EURO tôn vinh chiến công của các đội bóng Đông Âu.

Trong 5 lần liên tiếp, luôn có một đội bóng Đông Âu góp mặt trong trận chung kết (riêng Liên Xô là 3 lần), bắt đầu từ Liên Xô (1960) và đến Tiệp Khắc (1976), đều với chiến thắng.

Nhưng kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, qua 5 lần tổ chức, duy nhất 1 lần các đội bóng Đông Âu góp mặt trong trận chung kết, với trường hợp đội tuyển Czech năm 1996. Lần tiến xa còn lại là Nga góp mặt ở bán kết năm 2008. Trước ngày Bức tường Berlin sụp đổ, bóng đá Đông Âu chỉ có lần duy nhất vắng mặt ở bán kết là EURO 1984 trong tổng số 8 lần diễn ra giải.

Chế độ kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã giúp Liên Xô và Đông Âu đã có những bước tiến mạnh mẽ về quy mô ở thời kỳ sau Thế chiến II. Do chú trọng phát triển theo chiều rộng và khai thác tài nguyên, cùng với sự hào hứng ban đầu được khuếch đại bởi các bản báo cáo gian lận, các nước này đã có những nguồn lực đáng kể phục vụ cho việc tô vẽ hình ảnh.



Bóng đá Đông Âu đã đi qua thời hoàng kim- Ảnh Getty

Vì sự giao lưu về kinh tế và xã hội với thế giới tư bản là rất ít, cách tốt nhất và nhanh nhất là chứng tỏ trong các giải đấu thể thao quốc tế, tập trung vào Olympic và bóng đá.

Nền thể thao xã hội chủ nghĩa “đi tắt đón đầu” bằng cách bỏ qua thời gian gây dựng phong trào, đào tạo tập trung vận động viên từ khi còn rất nhỏ, và toàn bộ hoạt động thể thao đỉnh cao đều sử dụng ngân sách nhà nước. Nhờ thế, các nước Đông Âu nhanh chóng đạt được những bước tiến lớn trong hoạt động thể thao đỉnh cao, đặc biệt ở những môn đòi hỏi sự khổ luyện từ rất nhỏ như thể dục dụng cụ, hay những môn ít khán giả như trượt băng nghệ thuật…

Nhưng bóng đá được ưu đãi hơn cả, với tư cách là môn thể thao Vua, và là môn thể thao đồng đội chứ không phải môn thể thao cá nhân “kiểu tư sản”. Các đội tuyển bóng đá quốc gia dự các giải đấu lớn luôn gánh vác một sứ mệnh chính trị đặc biệt lớn, và được cả đất nước vinh danh khi giành chiến thắng.

Đấu trường EURO lại rất thích hợp để thể hiện sự ganh đua với chế độ tư bản ở phía Tây, có nền kinh tế phát triển hơn.

Sứ mệnh kết thúc

Từ giữa thập kỷ 70, các chế độ xã hội ở Đông Âu đối diện với hàng loạt khó khăn, trì trệ khi sản xuất sụt giảm, chất lượng thấp, và nhiều nhu cầu bị thiếu hụt do sự lệch lạc của kế hoạch hóa. Trong sự khó khăn chung dẫn tới khủng hoảng sau đó một thập kỷ, thể thao cũng bị cắt giảm ngân sách, động lực thi đấu suy giảm do ý chí và sự hào hứng chính trị vơi đi vì tình trạng kinh tế xã hội chung.

Kể từ sau EURO 1976, Đông Âu không có thêm lần nào lọt vào trận chung kết nữa, cho đến năm 1988 với một Liên Xô vừa được tiếp thêm sự hào hứng của phong trào cải tổ kinh tế chính trị.

Khi Bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo toàn bộ chế độ xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã phải thay đổi toàn bộ cơ chế vận hành và mất phương hướng, do thiếu tiền và cũng không dễ dàng trong việc đào tạo VĐV tập trung từ nhỏ, vì gia đình các VĐV nhí phải cân nhắc tương lai khi họ không chắc chắn về cuộc sống nếu theo thể thao đỉnh cao. Ở các nước Tây Âu và Mỹ, điều này được khắc phục nhờ nền tảng phong trào sâu rộng giúp họ dễ dàng tìm kiếm tài năng thể thao, dù các VĐV trẻ hầu hết được đào tạo không tập trung.

Đoàn thể thao Nga trượt dốc không phanh trên các bảng xếp hạng huy chương Olympic, còn các đội tuyển bóng đá chỉ duy nhất một lần lọt vào trận chung kết là CH Czech, nền kinh tế phát triển nhất và chuyển đổi nhanh chóng nhất ở Đông Âu.

Còn rất lâu nữa, thậm chí là không bao giờ, bóng đá Đông Âu trở lại thời kỳ hoàng kim. Vì từ nay, sự phát triển của bóng đá phải thuận theo tự nhiên, đi sau Tây Âu.

Hồng Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm