Góc Hồng Ngọc: Kiểm soát và minh bạch tài chính (Bài 3)

26/10/2011 12:33 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Các doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá thì muốn dùng tiền theo cách họ thích. Nhưng cơ quan quản lý bóng đá phải có sứ mệnh hướng đồng tiền đó vào việc xây dựng bóng đá, chứ không phải hủy hoại nó.

Khi tiền hủy hoại bóng đá

Chúng ta đã nói trong bài trước, về chế độ “bán mình” của cầu thủ làm các đội bóng bị hủy hoại động lực xây dựng hệ thống đào tạo. Chính ông bầu đi đầu làm bóng đá là bầu Đức của HA.GL đã “khai sinh” ra nó, để rồi giờ phải than thở và trách cầu thủ “mất dạy” khi được mình đào tạo sớm chạy sang đội bóng khác vì được trả tiền bán mình cao hơn. Khi lập ra Học viện bóng đá liên kết với Arsenal, chắc bầu Đức cũng chưa tính tới nguy cơ này!

Cầu thủ nhận phần lớn thu nhập (tiền bán mình cao hơn nhiều so với tiền lương) khi chưa thi đấu dẫn đến việc mất động lực cống hiến: Tiền lương chỉ là khoản “muỗi”, và nếu bị phạt theo lương vì vi phạm kỷ luật cũng chỉ là chuyện nhỏ.


Trọng tài Công Trọng đã bị treo còi ở mùa giải 2012 vì đã mắc sai lầm đúng trong chiến dịch tung ra gần 10 tỷ đồng để trụ hạng của Vicem Hải Phòng ở V-League 2011. Ảnh: VSI

Thành ra các CLB cũng hiếm khi dám phạt cầu thủ, sợ làm anh ta phật ý. Hơn thế, còn phải treo thưởng thật cao theo từng trận. Nghịch lý là ngay cả khi thành tích chung cuộc rất tệ, cầu thủ vẫn lĩnh thưởng rất nhiều nhờ kết quả một vài trận. Chắc chỉ có ở Việt Nam, cầu thủ vẫn được thưởng rất nhiều ngay cả khi đội bóng… xuống hạng!

Chế độ tiền thưởng này hủy hoại đội bóng theo cách như sau: Tiền thưởng ban đầu như “liệu pháp doping” với các cầu thủ, nhưng sau đó cầu thủ sẽ “nhờn thuốc” với mức thưởng cũ khiến “liệu pháp doping” đến tới hạn. Để kích hoạt lại trạng thái hưng phấn nhờ doping tiền, đội bóng lại phải treo thưởng mức cao hơn trước. Giờ đây, tiền thưởng cho một trận đấu còn cao hơn tiền thưởng cả mùa giải khi V-League mới ra đời!

Hải Phòng, từ khi mang tên Xi măng Hải Phòng, là đội sử dụng doping tiền mạnh nhất, và từng rơi vào nhóm cạnh tranh huy chương nhờ túi tiền “không đáy” của các ông chủ. Nhưng khi thay lãnh đạo, mức thưởng giảm thì họ tranh… xuống hạng. Những người am hiểu hậu trường của Vicem Hải Phòng mùa giải vừa qua còn cho rằng, các cầu thủ chơi cầm chừng để đội bóng rơi vào tình huống nguy hiểm, buộc lãnh đạo phải nâng mức thưởng khủng lên ở cuối mùa thì họ mới gắng sức. Đúng là cuối mùa giải, Vicem Hải Phòng đã thoát nạn (kèm với rất nhiều tai tiếng về lối chơi bạo lực và được trọng tài thiên vị) cùng với mức thưởng kỷ lục 1,5 tỷ đồng/trận thắng và gần 10 tỷ đồng cho mục tiêu trụ hạng trong 4 trận cuối!

Nó thể hiện các cầu thủ bị ám ảnh bởi tiền, tiền, và tiền. Cũng như giáo dục con người, nếu tạo nên con người đặt tiền lên trên mọi thứ, kể cả lòng tự trọng cá nhân, lòng tự trọng nghề nghiệp, trách nhiệm, và tình người thì đó là nền giáo dục thất bại.

Ở đây còn là thảm bại trên phương diện quản trị: Đội bóng chi thật nhiều tiền cho cầu thủ, để rồi phải ngồi cầu nguyện họ cố gắng. Cầu nguyện không được đành phải mang tiền ra treo tiếp! Một vòng quay mà nấc sau luôn cao hơn nấc trước, khiến các doanh nghiệp nuôi bóng đá ngày càng tốn kém đến phát sợ, trong khi tiền thu hồi lại từ bóng đá thì không tương xứng.

Đó là lý do các doanh nghiệp nối nhau nhảy vào bóng đá, nhưng ở lại thì ít, mà hầu hết là nối nhau chạy ra. Đầu tư rất lớn như Hòa Phát rồi cũng phải bỏ cuộc.

Kiểm soát tài chính

Vì đồng tiền đang được sử dụng với nhiều cách thức hủy hoại bóng đá, Cơ quan quản lý bóng đá cần phải thiết lập quy chế để kiểm soát nó. Chúng ta cần tham khảo chính sách phổ biến của các CLB bóng đá và các giải đấu hàng đầu châu Âu để xây dựng chính sách. Tôi đề nghị những biện pháp sau:

Thứ nhất, thiết lập lại phương thức thưởng cho các đội bóng tham dự các giải chuyên nghiệp (gồm cả V-League và hạng Nhất). Các đội bóng chỉ được đưa ra cơ cấu thưởng theo thành tích chung cuộc cả mùa giải, không thưởng theo trận. Trong giai đoạn chuyển tiếp, có thể chấp nhận việc thưởng theo trận, nhưng phải được xây dựng cụ thể từ trước mùa giải, không được thay đổi trong suốt mùa giải.

Thứ hai, quỹ thưởng được quy định mức trần, ứng với tỷ lệ phần trăm của quỹ lương của từng đội bóng. Tiền lương phải là thu nhập chủ yếu mà đội bóng trả cho cầu thủ, xây dựng tinh thần trách nhiệm cho cầu thủ phải cố gắng hết mình khi đã nhận lương, thay vì ngóng thưởng rồi mới cố gắng.

Thứ ba, quy định mức trần quỹ lương + thưởng theo tỷ lệ phần trăm doanh thu của từng đội bóng.

Thứ tư, tiến tới xây dựng quy chế công bằng tài chính (tương tự Luật công bằng tài chính của UEFA mới đây), giới hạn mức chi tiêu của các đội bóng theo tỷ lệ phần trăm của doanh thu mà đội bóng ấy kiếm được. Điều này sẽ giúp các cầu thủ nhận ra giá trị thật của họ hơn, còn các đội bóng nỗ lực trong các hoạt động kinh doanh bóng đá nhiều hơn, thay vì chơi trội kiểu trọc phú, hoặc đổi bóng đá lấy tài nguyên như phổ biến hiện nay. Muốn hiệu quả trong kinh doanh bóng đá, đội bóng buộc phải hướng đến người hâm mộ. Để khuyến khích đào tạo, cơ quan quản lý có thể loại ra ngoài toàn bộ chi phí cho hoạt động đào tạo ra ngoài danh mục chi phí của đội bóng.

Thứ năm, các đội bóng phải báo cáo toàn bộ hoạt động tài chính lên cơ quan quản lý bóng đá, để xác thực rằng mình đang làm đúng theo quy chế.

Hồng Ngọc

Đón đọc kỳ cuối: Cam kết gắn bó

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm