(Thethaovanhoa.vn) - Đối với những người đã sống qua những năm tháng bẽ bàng và kinh khủng 1982 (khi Milan xuống Serie B), 1997 và 1998 (kết thúc giải ở vị trí thứ 11 và thứ 10), những gì Milan đang trải qua bây giờ không bằng một phần của thời đó.
Nhưng mỗi tuần trôi qua, chứng kiến đội bóng thất bại và tiếp tục chìm sâu xuống dưới đáy của tuyệt vọng, không Milanista nào không cảm thấy tức giận, bất lực và đau đớn. Một nỗi chịu đựng kéo dài hết tuần này đến tuần khác, và sau mỗi trận thua, họ lại tự hỏi: Bây giờ, chúng ta phải làm gì?
Cảm giác đầu tiên của tôi lúc trận đấu kết thúc là giận dữ. Một tiếng nói cất lên trong đầu: "Tất cả những kẻ không biết đá bóng, hãy cút khỏi Milan". Đêm Olimpico, những kẻ như thế trong đội hình Milan không ít, từ Mexes, người đã kết thúc trận đấu của chính mình và của Milan theo một cách tồi tệ nhất và xấu hổ nhất (kéo cổ Mauri và nhận thẻ đỏ, chuẩn bị đối mặt với một án phạt nặng ít nhất 3 trận); Alex và Armero, những người không hề biết phòng ngự; cho đến chính đội trưởng Montolivo, chơi ở vị trí dẫn dắt, đã mắc một serie những sai lầm trong cả trận, trong đó có tình huống dẫn đến những bàn thua (chính anh đã mắc những sai lầm tương tự dẫn đến những bàn thua trước Sassuolo, Torino và Atalanta).
Tất cả những gì Mexes, người nhận lương cao nhất Milan, có thể làm được chỉ là gây hấn rồi nhận thẻ đỏ?
Một tiếng nói khác tiếp nối ngay sau đó: "Milan không phải là tập hợp của những cái tên và càng không thể là một tập thể của những cái tên vô dụng. Họ không chơi như một đội bóng mà như 11 gã dại khờ. Hãy nhìn xem Sassuolo đã chơi ra sao với 11 người Italy, thay vì một đội hình second-hand như Milan hiện tại". Và rồi, một tiếng nói khác át chính tiếng nói ấy: "Berlusconi thích những cái tên để đánh bóng Milan, kể cả những cái tên hết thời chỉ vì Milan cũng là một cái tên". Inzaghi là một cái tên. Người trợ lí cho anh, Tassotti, cũng là một cái tên. Những cái tên của quá khứ, những người Milan thực sự, nhưng không phải là những phù thủy, không phải là những thiên tài, và họ không thể đem đến một sự thay đổi tích cực cho Milan như các ông chủ đã từng mong đợi. Allegri đã ra đi giờ này năm ngoái sau một serie những thất bại. Seedorf đã bất lực trong việc tái tạo ở Milan nỗi khát khao chiến thắng. Còn Inzaghi? HLV của một đội bóng đỉnh cao không phải là một HLV đội thiếu nhi (như anh đã từng) để có thể mất thời gian giải thích cho các cầu thủ thế nào là phòng ngự bóng chết, thế nào là phòng ngự tuyến hai và giữ cự li đội hình, những thuật ngữ cơ bản trong chiến thuật bóng đá. Ở Olimpico, tất cả những kĩ năng ấy của các cầu thủ triệu phú Milan-những cái tên-đều đã bị để quên trong các trại huấn luyện của thiếu niên!
AC Milan đang chìm trong khủng hoảng chỉ vì Silvio Berlusconi muốn đánh bóng CLB bằng những "cái tên".
Những gì diễn ra hiện tại là sự thất bại của một hệ thống kĩ-chiến thuật được dựng lên trong hai năm qua, khi những cái tên-rất nhiều, mùa hè qua là Torres-được đưa về để đánh bóng tên tuổi cho một Milan không còn sức thu hút như xưa. Một cuốn phim quay chậm lại, với hình ảnh của Milan những mùa gần nhất. Họ đã từng có một mùa bóng tuyệt vời 2010/11 với Scudetto, với một đội hình mạnh và có chiều sâu, từng là một đội bóng trên đỉnh cao calcio kể cả khi mất chức vô địch trong cuộc đua với Juventus mùa bóng sau đó. Thế rồi tất cả sụp đổ trong mùa hè tiếp theo, khi kế hoạch thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của Marina Berlusconi, con gái lớn của chủ tịch Berlusconi, sau khi chứng kiến tập đoàn Fininvest phải gánh lỗ quá nhiều cho Milan, khiến đội bóng bắt đầu sụp đổ về kĩ thuật và nhân sự: Ibrahimovic và Thiago Silva bị bán đi để cân bằng thu chi, đội cận về già đồng loạt rút lui vào lịch sử. Những tuyên bố trẻ hóa và Italy hóa đội hình được cứu vớt bằng sự tỏa sáng của El Shaarawy, ngôi sao trẻ bùng nổ trong thời gian ngắn và sau đó vụt tắt, như một ngôi sao băng, và sự tỏa sáng trong một nửa mùa bóng sau đó của Balotelli.
Menez ghi bàn, nhưng không đủ.
Video Lazio 3 - 1 Milan.
Vẫn Balotelli-một cái tên, chứ không phải là một đội hình, một tập thể biết chơi bóng và chiến thắng-là nhân vật nổi bật của Milan mùa sau đó, ở cả vai trò của một người hùng và kẻ tội đồ, khi anh nhận ra rằng, Milan đang tròng lên cổ anh trách nhiệm của một vị Chúa cứu thế, người sẽ cứu vớt cả một đội bóng có chất lượng trung bình. Anh không phải là Chúa, mà chỉ là một gã trai không hơn không kém, người không thể gánh vác Milan một khi không thể gánh vác cái tôi xù lông nhím của chính mình. Sự ra đi của Balotelli mùa hè 2014 đã cho thấy những gì mà các nhà phân tích đánh giá về Milan trong giai đoạn sau Scudetto 2011 là hoàn toàn chính xác: Milan không hề có một định hướng nào về mặt nhân sự và chiến thuật cụ thể, và chiêu bài "trẻ hóa", với việc tôn vinh El Shaarawy, Saponara, sau đó là Poli, Bonaventura, thực ra chỉ là cách để che giấu những lỗ hổng kinh khủng về kĩ chiến thuật của họ, dưới tay những HLV non kinh nghiệm và ít chịu được sức ép như Seedorf và Inzaghi. De Sciglio, một tài năng trẻ khác, bắt đầu chững lại sau một thời gian dài được coi là người kế cận Maldini. Không một cầu thủ Ý nào chịu nổi áp lực từ Milan và từ chính họ. Việc đưa về những người Torres và lấp những chỗ trống ở hàng thủ bằng Alex hay Armero không giống như lắp những mảnh ghép cho bức tranh gỗ Lego. Seedorf và Inzaghi bất lực trong việc xây dựng một sơ đồ chiến thuật thích hợp cho những con người mà họ có, một khi không tạo lập được cái trục kĩ thuật mà đội bóng vận hành trên đó. Thất bại trên sân Lazio, một thất bại gần như được báo trước, kể cả khi đã ghi bàn dẫn trước khi trận đấu diễn ra chưa được 10 phút (5/6 bàn trong 4 trận đấu gần nhất, Milan đều ghi bàn trong 10 phút đầu trận, nhưng chỉ thắng 1 và thua 2) đơn giản chỉ là hệ quả của một chuỗi các sai lầm mà Milan đã mắc phải trong việc xây dựng lực lượng ở mùa bóng này.
Klose trừng phạt Milan.
Thật khó có thể hiểu rõ được, Milan đã tạo nền móng của mùa này trên cá nhân nào và tư duy bóng đá nào. Torres ư? Một kẻ thất bại. Thành công duy nhất của Milan với chân sút người Tây Ban Nha (chỉ 1 bàn thắng trong nửa mùa bóng ở San Siro!) là ở lượng áo bán ra. Menez ư? Một thành công hiếm hoi ở chính sách mua bán của Milan những mùa qua, nhưng mình cầu thủ người Pháp là không đủ. Montolivo? Mùa bóng này là một thảm họa với anh. Các khán giả ở San Siro đã huýt sáo anh trong trận thua Atalanta. Muntari? Một thảm họa khác, người luôn mất bóng hoặc chuyền bóng cho đối thủ ngay trên sân của mình. De Jong? Inzaghi dường như không thể sống thiếu tiền vệ người Hà Lan, khi anh chơi phía trên hàng phòng ngự, nhưng chính De Jong cũng đã phạm những sai lầm chết người. Cerci? Chưa thể nói gì về anh, nhưng ngôi sao cần nhất cho Milan bây giờ cần phải là một tiền vệ và một trung vệ xuất sắc biết phòng ngự, không phải là một tiền đạo cánh. Hay El Shaarawy? Trên bàn làm việc của tôi có số mới nhất của nguyệt san bóng đá hàng đầu Guerin Sportivo. Trong bài phỏng vấn với tạp chí này, El Shaarawy nói: "Tôi sẽ trở lại với phong độ tốt nhất trong năm nay. Milan sẽ trở lại là mình". Tất cả không đơn giản như thế, không chỉ và không thể là những lời hứa hay tuyên bố. Thật khó có thể tin rằng, El Shaarawy sẽ lại bùng nổ và cuối cùng, trở thành Chúa cứu thế như trước khi Balotelli đến Milan. Milan không thể sống trên đôi vai của những chàng trai trẻ tuổi và thiếu cá tính (như El Shaarawy) và quá nhiều cá tính (như Balotelli). Họ cần một đội bóng, một tập thể hơn là những cái tên riêng lẻ.
Inzaghi chìm trong tuyệt vọng.
Sực nhớ một buổi chiều cuối năm ngồi xem Milan thắng Real Madrid trong trận giao hữu ở một quán cà phê nhỏ ở Gargnano bên hồ Garda lộng gió ở miền Bắc Italy. Chủ quán, một milanista đã nửa thế kỉ nay, bảo tôi rằng, ông ước gì Milan lúc nào cũng đá hay như thế. Và rồi ông lắc đầu, cho rằng thực ra đây chỉ là một trận đấu để kiếm tiền mua vui cho những khán giả Arab thừa tiền không hơn không kém. Không thể vì Milan thắng Real trong giao hữu mà các milanista có thể ảo tưởng, rằng Milan đã tiến bộ. Ông nói đúng. Với những cái tên-nhiều trong số đó là những đồ second-hand-Milan đã tự huyễn hoặc rằng mình đang đi đúng hướng, đang mở ra một quá trình mới, trong khi trên thực tế, đó là một sự tụt lùi nghiêm trọng về mọi mặt.
Những El Shaarawy hay De Sciglio cũng chỉ là tấm màn che mắt thiên hạ.
Cũng là khủng hoảng, nhưng bây giờ rất khác với giai đoạn 1997 và 1998. Milan ngày ấy vẫn giàu có. Berlusconi vẫn vung tiền ra như nước để chiêu mộ nhân tài. Chỉ có điều, thất bại vẫn đến, do Milan ngày ấy đang thay đổi thế hệ trong tình trạng lão hóa, và các HLV Sacchi, Capello không đánh thức được trong đội cận vệ già có khát khao chiến thắng nữa. Milan bây giờ khác hẳn. Họ chi ít hơn, chủ yếu theo dạng chuyển nhượng tự do hoặc mượn, và như một hệ quả, đội hình tệ hơn, kết quả cũng kém đi. Vấn đề không phải là những cái tên, mà là tư duy bóng đá, là cách xây dựng đội hình. Không thể học Real hay Barca, mà hãy học Lazio hay chính Sassuolo. Nhưng liệu Berlusconi, bản thân ông là một kẻ đang đi xuống trên chính trường Italy, đảng Forza Italia của ông khủng hoảng và ông không còn sức mạnh để khuynh đảo cả nền chính trị lẫn bóng đá như trước kia, có chấp nhận sự thật và nhún mình học những đội "nhà nghèo" ấy?Triều đại của Inzaghi mở đầu bằng trận thắng Lazio 3-1, và giờ, nó sẽ kết thúc cũng bằng cái tên ấy? Rất có thể. Nhưng anh không phải là thủ phạm cho thảm họa này. Trên ghế HLV, anh cũng chỉ là một cái tên.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)