GÓC ANH NGỌC: Genova - Sau nước mắt là nụ cười, của những ngày vui...

10/12/2014 11:21 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Genoa thắng Milan và leo lên thứ 3, vị trí cao chưa từng có của họ sau 14 vòng đấu kể từ Thế chiến II. Sampdoria thắng trên sân Verona và nắm chắc vị trí thứ 4. Đã lâu lắm rồi, kể từ những năm 1990, người Genova mới lại được chứng kiến những đội bóng yêu dấu của họ nằm trong nhóm những đội đứng đầu giải, trong một niềm vui sướng nghẹn ngào, khi bóng đá có thể làm dịu đi những nỗi đau mất mát sau những cơn lũ tràn qua thành phố miền đông bắc này cách đây chưa lâu.

Những giọt nước mắt đã rơi trên má của Perotti sau một trận đấu mà anh là người hùng, dù không ghi bàn thắng. Những giọt nước mắt cũng làm ướt mi Gasperini, khi Genoa thắng trận thứ 100 dưới triều đại của ông, trong cái ngày đặc biệt mà Marassi bùng nổ ăn mừng đội bóng đỏ-xanh leo lên vị trí thứ 3, chỉ sau Juve (đội mà Genoa đã đánh bại bằng một bàn thắng ở những giây cuối cùng) và Roma (đội mà họ sẽ gặp chủ nhật này). Những giọt nước mắt nghẹn ngào của Dustin Antonelli, cha đẻ của hậu vệ Luca, người đã ghi bàn duy nhất hạ gục Milan, đội bóng mà anh từng thi đấu, cũng là đội bóng mà ông Dustin đã từng khoác áo 5 mùa bóng trong những năm 1970.

Một đêm sau đó, lại những giọt nước mắt khác. Gabbiadini, người đã ghi bàn ấn định chiến thắng 3-1 của Sampdoria trên sân Verona, đã khóc khi trả lời phỏng vấn sau trận. Tiền đạo trẻ ấy đang sống những ngày hạnh phúc, với những bàn thắng, với khả năng được thăng từ đội U21 lên “đội lớn” và cả triển vọng sẽ được một đội bóng lớn đưa về ngay sau Giáng sinh. Okaka cũng khóc. Chàng trai người Ý gốc Phi ấy chính là người đã ghi bàn thắng thứ 2 trong trận, một sự tái khẳng định rằng anh đã hồi sinh ở Sampdoria, sau nhiều năm ròng tưởng như tài năng phát lộ của anh ở đội trẻ Roma đã “chột” tại các đội khác, theo những hợp đồng cho mượn. Và cả những nụ cười nhòa lệ của chủ tịch Massimo Ferrero, người đã ngồi trên lô VIP của sân Bentegodi, với một chiếc khăn mang màu đội bóng quấn trên đầu.




Okaka, Gabbiadini ghi bàn liên tục, Sampdoria hồi sinh.

Những người Genova đã ăn mừng chiến thắng gây sốc của họ theo cách ấy, biến thành phố biển vừa bị tàn phá bởi những trận lũ lịch sử trong hơn một năm qua trở thành một ốc đảo hạnh phúc ở Serie A. Họ khóc, vì sung sướng và xúc động, trong một niềm vui chung. Ở một thành phố luôn phát điên vì bóng đá như Genova, những giọt nước mắt và nụ cười luôn đan xen nhau trong một hành trình dài lăn cùng trái bóng ở sân Marassi. Những người genoano (cổ động viên Genoa) đã từng làm một lễ tang cho Sampdoria vào ngày mà đối thủ truyền kiếp ấy xuống Serie B ba năm trước. Những người doriano (cổ động viên Samp) không ngần ngại tấn công xe chở các cầu thủ Genoa cũng như người hâm mộ của họ trước một trận derby. Sự thù địch ấy vẫn tồn tại. Nó chưa bao giờ mất đi và cũng không chuyển sang các dạng thức khác ngoài bóng đá. Sampdoria đã đánh bại Genoa ở trận derby đầu mùa. Nhưng việc họ cùng chiếm vị trí cao trên bảng xếp hạng Serie A khiến thế giới cổ động viên thành phố cùng nhau chia sẻ cảm giác hạnh phúc, trong thời điểm mà thành phố Genova đang chìm sâu trong một cuộc suy thoái kinh tế đang tràn qua nước Ý như đợt sóng thần.


Vị Chủ tịch điên rồ, nhưng bình dân của Sampdoria.

Những ngày hạnh phúc lại nhớ những tháng ngày buồn bã đã qua. Chẳng ai ở Genova quên được tháng 5/2011, khi Sampdoria tụt hạng Serie B, đúng vào dịp kỉ niệm 20 năm ngày lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến giờ họ đoạt Scudetto. Đội trưởng Palombo chắp tay xin lỗi khán giả và rơi nước mắt trong ngày mà sân Marassi trở thành một nấm mộ khổng lồ chôn cất những ước vọng của đội bóng có biểu tượng là một người thủy thủ râu rìa xồm xoàm, mồm ngậm tẩu và bất cần đời. Những vòng hoa được đặt ở trụ sở CLB. Những lá cờ Sampdoria treo trên bao cửa sổ của thành phố như để tang. Một năm sau đó, khi Samp chơi ở Serie B, Genoa đã sống trong những cơn tuyệt vọng kéo dài cho đến tận những giây cuối cùng của một mùa bóng khủng khiếp mà họ suýt tụt hạng. Các cổ động viên trên sân Marassi, những người một năm trước đưa tang Sampdoria trong sự khoái trá, nổi giận đòi lấy đầu tất cả đội Genoa. Đội trưởng Milanetto đã phải tự lột áo để ném lên khán đài cho đám ultra như để tạ lỗi. Những cơn thịnh nộ ấy giờ đã mất đi, được thay bằng những tiếng hát đầy hứng khởi trên các khán đài. Chiều chủ nhật, khi Genoa đánh bại Milan, khán giả đã reo vang tên “Diego Diego”. Ở thành phố biển này, trước đây chỉ có một Diego được hát vang, Diego Milito. Bây giờ, Marassi đã thần tượng một Diego mới. Họ của anh là Perotti, được mua từ Sevilla với giá chỉ 350 nghìn euro mùa hè qua.




Genoa thậm chí hạ cả ĐKVĐ Juventus.

Palombo bây giờ vẫn là một trụ cột không thể thiếu của Sampdoria. Anh là sợi dây nối liền đội bóng hiện tại và quá khứ gần thất bại ngày ấy. Mihajlovic đã thành công trên con đường mà Ferrara trước đây không làm được: biến đội bóng trẻ trung với tư tưởng tấn công bằng đội hình 4-3-3, với những cái tên như Eder, Gabbiadini, Okaka, Obiang, Sansone hay Soriano, thành một cỗ máy chiến đấu và cống hiến. Mihajlovic có những cá tính mà Ferrara không có: sự quyết đoán và mạnh mẽ của một ông chủ thực sự, chứ không phải một HLV có vẻ ngoài dễ chịu, hiền lành và ít nói như Ferrara. Sampdoria có thêm một thứ vũ khí khác. Ông là chủ tịch Ferrero, người thay thế nhà Garrone ở cương vị của một người đứng đầu, đã trở thành một biểu tượng mới của đội bóng, không chỉ ở những đồng tiền ông đầu tư vào đội, mà còn ở cách ủng hộ đội bóng một cách điên rồ và bình dân, điều khiến ông được người hâm mộ yêu mến. Chủ tịch Genoa Presiozi, người đứng đầu một trong những tập đoàn sản xuất đồ chơi lớn nhất nước Ý, thì từ lâu đã nổi tiếng là điên và không ai thèm chấp. Điên đến mức năm nào cũng xới tung đội bóng lên, bán đi rất nhiều và mua về không ít, rồi bắt các HLV nhào nặn thành một đội bóng hết sức khó lường: mấy mùa trước chơi tệ đến mức ngấp nghé tụt hạng, mùa này lại đang trên đỉnh cao, với một tập hợp là các hàng thải (Burdisso, Motta), là những người đã và đang khoác áo Thiên thanh (Perin, Sturaro, Bertolacci, Gilardino và Antonelli) cũng như tuyển thủ nước khác như Kucka, Fetfazidis, Pinilla, Roncaglia.


Sau nước mắt Palombo, giờ đến nụ cười.

Những đội bóng của thành Genova sẽ đi xa đến đâu trong mùa bóng này? Đấy là một câu hỏi khó tìm được lời đáp. Vòng đấu tới sẽ là một phép thử thực sự cho những hiện tượng đang lên ấy, khi họ phải đương đầu với hai đội bóng đầu bảng, những thế lực thực sự đã xác lập được vị thế hàng đầu của mình trong mấy mùa qua. Sampdoria đá trên sân Juventus, trong khi Genoa tiếp Roma trên sân nhà. Những cuộc đối đầu không hề dễ dàng và đơn giản, cần lắm những cái đầu lạnh và những trái tim nóng bỏng. Chờ đợi tiếp những tin vui, cho những ngày vui của thành phố cảng…

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Những con số của Genova hạnh phúc 

1 Sampdoria và Juve là hai đội bóng để thua ít nhất tính cho đến lúc này, chỉ 1 trận thua (Sampdoria thua Inter 0-1, Juve thua… Genoa với cùng tỉ số). 

6 Bàn duy nhất vào lưới Milan của Antonelli là bàn thắng thứ 6 mà các hậu vệ Genoa ghi được ở mùa này, một con số đầy ấn tượng. Tổng cộng có 9 cầu thủ Genoa đã ghi bàn mùa này. 

7 Genoa chỉ giành được 9 điểm trong 7 vòng đấu đầu tiên, nhưng ở 7 trận đấu sau, đã giành thêm 19 điểm, để từ đó leo lên thứ 3 với 26 điểm. Đây là số điểm cao nhất mà Genoa có được sau 14 vòng đấu kể từ mùa bóng 1948/49. 

51 Tổng số điểm của hai đội bóng Genova sau 14 vòng đấu là 51 (Genoa 26, Samp 25). Hiện Genova là thành phố bóng đá lớn thứ 2 của Serie A, sau thủ đô Rome (tổng điểm của Roma và Lazio là 55), và xếp trên Turin (tổng điểm của Juve và Torino là 48). Trong khi đó, Milan và Inter chỉ được 38 điểm sau 14 vòng. 

1991 Mùa bóng 1990/91 được coi là mùa bóng xuất sắc nhất của bóng đá Genoa. Mùa ấy, Sampdoria đoạt Scudetto, Genoa đứng ở vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm