Góc Anh Ngọc: Một danh hiệu, cho lịch sử, và cho Đức Thánh Cha

18/12/2013 09:46 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Vô địch Argentina và rồi sau đó, bay đến tận Tòa thánh để cùng chia vui với Đức Thánh Cha, một cổ động viên đặc biệt của họ, trong dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 77 của Giáo hoàng, chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích đối với San Lorenzo. Nhưng câu chuyện ấy đã được viết ra, được những người yêu bóng đá và các giáo hữu Thiên Chúa chia sẻ như một hình ảnh đẹp của bóng đá quyện trong tình yêu của người đứng đầu nhà thờ công giáo thế giới.

Trong cái năm của những sự kiện và nhân vật gây sự chú ý đối với đông đảo thế giới, thì việc mà một đội bóng ở tận Nam Mỹ giành được một danh hiệu nào đó thực ra không thể gây chú ý như những gì đã, đang và sẽ xảy ra trên đất châu Âu đương nhiên thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Chẳng hạn những tranh cãi xung quanh việc ai xứng đáng đoạt Quả bóng vàng FIFA, việc cha của Messi bị điều tra về tội rửa tiền cho những kẻ buôn ma túy ở Mexico, hay việc nhà vô địch thế giới 2006 Rino Gattuso đang có tên trong danh sách của cảnh sát vì những nghi vấn anh và một vài cầu thủ khác có dính líu đến hơn 30 trận đấu bị dàn xếp tỉ số. Nhưng khi đội bóng có tên San Lorenzo giành được chức vô địch ở Argentina xa xôi và cùng lúc ở bên này bán cầu, dưới mái vòm của nhà thờ Thánh Pietro, tông đồ của Chúa, có một người đội mũ trắng cũng ăn mừng như thể Ngài vừa nhìn thấy Jesus bằng xương bằng thịt, sự kiện ấy bỗng nhiên có một giá trị khác.


San Lorenzo ăn mừng chức vô địch

Bởi San Lorenzo, đội bóng từ lâu núp bóng Boca hay River, thậm chí Estudiantes, có một cổ động viên ngoại hạng. Đó là Giáo hoàng Francis I, người vừa được tạp chí uy tín Time của Mỹ bầu là "Nhân vật của năm", người đang làm tất cả những gì có thể để đem đến cho Nhà thờ một hình ảnh đẹp, gần gũi, gắn bó với đời và những vấn đề nghiêm trọng của đời, người đã làm sống lại trái tim nguội lạnh của nhiều giáo dân bằng những hành động đầy xúc động, như ôm hôn và tươi cười với những đứa trẻ, hôn chân cả những tù nhân trong một dịp Thánh lễ. Ngài đến từ Argentina, nơi mà người ta say đắm với bóng đá như máu thịt, và ngài, cũng như San Lorenzo trước mùa bóng lịch sử này, vẫn là một cái tên xa lạ đối với tất cả.

Nhưng năm 2013, San Lorenzo giành chức vô địch "giải Mở" của Argentina (giải vô địch nước này được tiến hành hai lượt đi về, gọi là giải "Mở" và "Đóng", với đội đầu bảng mỗi lượt là vô địch) và Đức Hồng y Jose Mario Bergoglio (tên đầy đủ của Đức Thánh Cha) trở thành Giáo hoàng. Một sự trùng lặp? Có lẽ thế, nhưng ở Argentina, người ta cảm thấy hạnh phúc cho cả San Lorenzo lẫn Giáo hoàng. Ngài có số đăng kí 88.235 trong sổ cổ động viên chính thức của đội, từng là người hâm mộ chân sút Pontoni (vô địch Argentina cùng San Lorenzo vào năm 1946). Sau khi cha Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng, San Lorenzo đã in ảnh của Đức cha lên áo đấu. Và hình như Chúa đã lắng nghe lời thỉnh cầu từ các con tim cổ động viên...

Mà thực ra, đội bóng San Lorenzo dường như đã có sự gắn bó với nhà thờ kể từ khi nó được rửa tội để ra đời. Chính cha Lorenzo Bartolomei Martin Massa, một người nhập cư gốc Italia (vùng Piemonte) như đức Giáo hoàng, là người đã cho những chàng trai sống giữa hai quận Almagro và Boedo của thủ đô Buenos Aires mượn sân để đá bóng. Vào năm 1908, cha Lorenzo cùng những chàng trai ấy quyết định thành lập một đội bóng. Các cầu thủ lấy tên đội là San Lorenzo de Almagro để tỏ lòng biết ơn cha Lorenzo và ghi nhớ nơi mà đã chơi bóng (quận Almagro).

Cũng chính ở cái sân bóng lịch sử mà hơn một thế kỉ trước, cha Massa đã cho những thanh niên nghèo da màu của quận Almagro thi đấu, chàng thanh niên sùng đạo Jorge Mario Bergoglio đã xỏ giày chơi những trận đấu bóng đá đầu tiên của mình. Cũng chính từ đấy, Bergoglio, một người Buenos Aires có trong mình dòng máu Italia, yêu đội bóng San Lorenzo, và tình yêu ấy được Ngài tiết lộ ngay từ những ngày đầu là Giáo hoàng.

Hôm sinh nhật mình (17/12), Giáo hoàng ăn sáng với bốn người vô gia cư thường xuyên ngủ ở gần Tòa thánh và chờ đợi phái đoàn của San Lorenzo bay sang chia vui với Đức cha như họ đã hứa thế. Chủ tịch Matias Lammens sang Vatican cùng với một số cầu thủ và quan chức CLB để gặp Ngài. Không khó để tưởng tượng Ngài sẽ vui thế nào với chiếc áo với chữ kí của tất cả những cầu thủ San Lorenzo vừa vô địch trên tay.


Giáo hoàng Francis là một fan lớn của San Lorenzo

Cũng sẽ không khó để tưởng tượng thêm, rằng trong thời gian này, ở cả Italia lẫn Argentina, dù có yêu bóng đá hay không, thì rất nhiều bậc cha mẹ đã đặt tên cho chú nhóc mới ra đời của họ là Francesco. Vì họ ngưỡng mộ Đức Thánh Cha (tên tiếng Ý của Giáo hoàng Francis là "Francesco"). Ở Roma thì điều này càng rõ ràng hơn. Bởi nếu những ai đã yêu đội bóng màu bã trầu, hẳn họ cũng sẽ hâm mộ Totti, một Francesco nữa, Giáo hoàng của họ. Mà cơn sốt đặt tên con trai là Francesco thì không phải bây giờ mới có. Nó đã rộ lên từ mùa hè 2001, khi Roma đoạt Scudetto lần thứ ba trong lịch sử.

Bây giờ, ở Argentina (và cả ở tỉnh Asti, nơi mà cha đẻ của Giáo hoàng sinh ra), người ta đang kể câu chuyện về một ân sủng đã ập đến với đội bóng của HLV Juan Pizzi (khi là cầu thủ, anh từng chơi hai mùa bóng cho Barcelona từ năm 1996 đến 1998). Đấy chính là trận đấu cuối cùng của mùa giải "Mở" với Velez, đội đã tấn công San Lorenzo trong tuyệt vọng kể từ những phút đầu tiên. Họ sút bóng, sút bóng và sút bóng. Nhưng tất cả các đợt tấn công ấy, sau khi đã vượt qua hết các cầu thủ San Lorenzo, đã không thắng được người cuối cùng, thủ môn Sebastian Torrico, được đôn lên từ ghế dự bị.

Sự có mặt của anh trong đội hình chẳng khác gì một điều ngẫu nhiên mang tính định mệnh. Thủ môn chính của San Lorenzo là Pablo Migliore (một cầu thủ gốc Ý) đã bị bắt vì liên quan đến một vụ thanh toán cổ động viên đối địch Boca Juniors. Anh bị buộc tội đã che giấu tên giết người. Và ở trận đấu quyết định của cả một mùa giải, với Torrico trong khung thành, với một San Lorenzo không hề có ngôi sao, tỉ số dừng lại ở con số 0-0.

Một trận hòa đủ để San Lorenzo vô địch, nhưng chỉ cần một bàn thắng nhận chìm đội họ sẽ là một câu chuyện khác, tồi tệ và đẫm nước mắt. Nhưng 2013 là một năm kì lạ với ân sủng cho những ai xứng đáng. Ân sủng cho Torrico trong lần ít ỏi mà anh ra sân, và giờ những người sùng đạo bảo bàn tay anh là bàn tay Chúa đã hóa thân. Sẽ còn nhiều câu hỏi nữa, chẳng hạn như nếu Đức Hồng y Bergoglio không được bầu làm Giáo hoàng, thì giải vô địch Argentina có kết thúc như thế này không?

Mỗi người đều có một suy luận của riêng mình. Có người tin, có người không tin. Có người tin rằng tất cả chỉ là một sự trùng lặp vào đúng ngày mà Giáo hoàng sinh nhật lần thứ 77. Nhưng có một chi tiết đáng chú ý thế này: chỉ ít lâu sau khi Hồng y Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng, đội Independiente, biệt danh là "Diablo" (con quỷ), đã tụt hạng lần đầu tiên trong lịch sử của mình ở giải vô địch Argentina. Quỷ sợ Chúa. Điều đó thì là đương nhiên rồi...

Trương Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN tại Italy, từ Roma

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm