08/10/2011 12:14 GMT+7 | Italy
(TT&VH) - …là một thất bại, cụ thể hơn, là quả bóng khẳng định sự sụp đổ của một đế chế trước Juve trong giai đoạn đầu của một mùa giải không thể nào tệ hơn thế nữa. Đấy là khi thủ môn xuất sắc nhất Serie A mùa trước mắc sai lầm sơ đẳng khi cản phá một cú sút không mấy hiểm hóc của Marchisio. Pha bóng ấy là biểu tượng cho một sự thất bại tập thể của các nhà ĐKVĐ, 5 vòng đấu qua như một hạm đội bị đánh đắm.
Khi tiếng còi cuối cùng của trọng tài Rizzoli cất lên trên sân Juventus Stadium đêm cuối tuần vừa rồi, có lẽ Milan và nhất là Abbiati không nghe thấy 3 tiếng kêu của nó, mà là tiếng của cái máy chém rít lên trên cổ họ. Những nhà vô địch vẫn là họ. Nhà vô địch vẫn là anh, Abbiati, thủ thành Milan, nhưng trong cái giây phút tệ hại của trận đấu ấy, dưới ánh đèn sáng rực của SVĐ mới khánh thành của Juve và cú sút không phải là không thể chặn được của Marchisio, anh trở thành người gác cổng của địa ngục. Người ta chứng kiển một cảnh tượng trái ngược khi bóng từ 2 chân Abbiati sau cú chặn hờ hững và thiếu tập trung của anh khiến Milan thủng lưới bàn thứ 2: Abbiati quỳ xuống trên đầu gối như một người đang cầu nguyện trong run rẩy. Ở đầu sân bên kia, Buffon, người mà Abbiati từng được Berlusconi đưa đến để thay thế như một sự đền bù Juve sau khi Kaka làm vỡ vai anh ở trận tranh Cúp Luigi Berlusconi 2005, đang ăn mừng như một gã điên.
Đấy là hình ảnh tiêu biểu từ đồ thị hình sin của Juve và Milan, hai “diễn viên” sáng giá nhất của bộ phim Calciopoli 5 năm về trước. Juve đang ngoi lên mặt nước bằng cách đạp Milan xuống đáy sâu. 5 trận đấu đầu giải cho thấy một Milan đang bị nung chảy ra. Những ngôi sao trụ cột rồi cũng sẽ trở lại khi các phòng bệnh vắng hẳn các “bệnh nhân”. Chiến thắng rồi cũng sẽ đến. Nhưng nhiều nhà bình luận, những người trở nên “thông minh” hơn vào những ngày sau trận đấu sau khi đã chứng kiến tất cả, không thể phủ nhận được rằng, nếu một đội ĐKVĐ đã chỉ hòa trên thế thua ngay tại sào huyệt của mình, đã bị Napoli nhận chìm bởi 3 bàn thua, đã chỉ thể hiện sự anh hùng duy nhất trong một thế trận phòng ngự tầng tầng lớp lớp ở Camp Nou, thì đội bóng ấy đang như một chiến hạm bị bắn thủng. Mệt mỏi vì thiếu vắng một loạt các ngôi sao, phải thi đấu với hầu như một đội hình duy nhất theo nhịp độ 3 ngày/trận trong 20 ngày liên tiếp, trong hiệp 2, đội bóng ấy như một ông già bị bạo hành trước một Juve mạnh mẽ và khao khát đang ào lên mạnh mẽ ở mọi hướng. Mà cái đội bóng đã luôn cảm thấy sống trong sự bất công tột cùng của vụ Calciopoli mà họ coi mình cũng chỉ là một nạn nhân ấy lại được thúc đẩy ào ạt từ hàng triệu juventino trên khắp hành tinh, mà đại diện ưu tú của họ là hơn 4 vạn người ngồi trên các khán đài đêm ấy. Juventus Stadium giống như một đấu trường La Mã, nơi những khán giả điên rồ và khát máu hò hét đòi tay võ sĩ giác đấu mà họ đặt cược cả tình yêu và tiền bạc vào đó phải ra nhát kiếm ân huệ vào ngực kẻ thù sau khi đã quần cho hẳn mệt lử.
Giây phút bóng lọt giữa 2 chân Abbiati đi vào lưới Milan, bầu trời như sụp đổ với anh và các milanista. Những người hùng và kẻ tội đồ đôi khi được sinh ra từ những sai lầm kiểu ấy, như chính câu chuyện của anh, con người đã từ vị trí thủ môn số 2 bước vào lịch sử Milan bằng cửa chính một cách tình cờ. Đấy là mùa bóng 1998/99, khi Zaccheroni buộc phải đặt niềm tin nơi anh sau khi thủ môn số 1 Sebastiano Rossi bị đuổi khỏi sân trong một trận đấu và bị treo giò mấy trận sau đó. Trẻ trung và thô mộc, qua mùa Scudetto ấy, Abbiati nhanh chóng trở thành một trong những “người gác đền” xuất sắc nhất trong lịch sử CLB, ngang với Cudicini và Albertosi. Thế rồi Milan tin Dida hơn. Hành trình phiêu bạt của Abbiati bắt đầu qua muôn nơi, từ Genoa (nhưng sau đó phải trở lại Milan ngay, vì Genoa bị giáng xuống Serie C1 vì dàn xếp tỉ số), qua Juve mùa thu 2005 cho đến Torino mùa bóng sau đó. Ở đấy, anh tưởng đã tìm thấy một gia đình mới. Nhưng anh nhầm. Những CLB ấy chỉ muốn mượn anh một mùa bóng, dù anh chơi rất hay. Nhưng anh vẫn không thể trở lại San Siro, vì Milan lại giống một ông bố sẵn sàng từ bỏ con trai bất cứ lúc nào. Trong những giây phút chán nản ấy, hiện lên trong anh những suy nghĩ cực đoan mà người đời không thể chấp nhận: anh thừa nhận mình tôn thờ Hitler và chủ nghĩa phát xít. Anh trở thành một biểu tượng điên rồ của những lũ ultra cực hữu. Cho đến khi trở lại Milan mấy mùa trước, Abbiati đã luôn đi nhầm hướng, đã luôn theo lầm tư tưởng và đã luôn đi lạc đội hình. Anh đã chơi xuất sắc mùa trước. Anh vẫn chơi hay trong cả 8 trận chính thức đã ra sân mùa này. Cho đến pha “đẻ bóng” trên sân Juve.
Bây giờ, Milan đang sa sút, còn Abbiati không được các ultra đã từng hết mực yêu mến anh tha thứ. Một trong những nhóm ultra khét tiếng nhất của Milan đã tuyên bố giờ anh không cùng tư tưởng với chúng nữa, vì “những kẻ như hắn bắt đầu đứng về những người vô sản”. Ở tuổi 34, Abbiati bắt đầu đi xuống, giống Dida những năm cuối sự nghiệp? Có lẽ thế, cũng có thể là không. Nhưng ở Juventus Stadium, nơi các juventino vẫn nhớ anh, họ hát vang sau sai lầm ngớ ngẩn của Abbiati: “Chi non para rossonero è” (Kẻ nào không đỡ được bóng là người của Milan)…
Anh Ngọc (anhngoc.ttvh@thethaovanhoa.vn)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất