11/04/2025 11:25 GMT+7 | Văn hoá
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, đêm 10/4 (giờ địa phương), tại Kỳ họp khoá 221 Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đang diễn ra tại Paris, các nước thành viên đã thông qua Quyết định khuyến nghị Đại hội đồng phê duyệt việc UNESCO sẽ cùng Việt Nam vinh danh và cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Danh nhân Lê Quý Đôn (1726-2026) vào năm 2026. Đây là một tin vui không chỉ đối với tỉnh Thái Bình, mà đối với toàn dân tộc Việt Nam.
Quyết định này càng có ý nghĩa hơn khi cùng ngày, đoàn công tác tỉnh Thái Bình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, đã tổ chức thành công Hội nghị "Giới thiệu về danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch tỉnh Thái Bình". Hội nghị là một phần trong những nỗ lực vận động UNESCO cùng phối hợp tổ chức kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn (1726-2026).
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Tiến sĩ Phan Mạnh Dương, nhà nghiên cứu về Lê Quý Đôn, cho biết trong năm 2024 vừa qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thái Bình đã chuẩn bị hồ sơ Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để đề nghị UNESCO đồng tổ chức 300 năm ngày sinh của ông vào năm 2026. Qua rất nhiều công trình chuẩn bị, hồ sơ đã được gửi đến UNESCO với hy vọng UNESCO sẽ cùng Việt Nam, cũng như tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị tôn vinh danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại trụ sở của UNESCO vào năm tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm đã giới thiệu về vị danh nhân văn hóa mà "tên tuổi và tầm ảnh hưởng của ông đã nổi tiếng khắp Việt Nam và vượt ra cả tầm khu vực". Với tài trí thông minh và kiến thức uyên bác, ông đã để lại cho hậu thế khoảng 40 bộ sách bao quát hầu hết các tri thức đương thời như: lịch sử, địa lý, thi ca, nhiều tác phẩm khảo cứu, diễn nghĩa, chú giải, bàn giảng các kinh điển, cổ thư và nhiều tác phẩm thơ Nôm. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình bày tỏ mong muốn bà con kiều bào tại Pháp sẽ quảng bá mạnh mẽ hơn nữa về Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn của Việt Nam.
Trân trọng tài năng và để cùng làm sáng danh Lê Quý Đôn, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cũng đã kêu gọi bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trở thành cầu nối để giới thiệu rộng rãi với công chúng về đại danh nhân, đồng thời ủng hộ Việt Nam và UNESCO cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông vào năm 2026.
Hưởng ứng đề nghị này của Đại sứ, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt, đã đề xuất ý tưởng giới thiệu Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn của Việt Nam tại các trường trung học ở Pháp, xây dựng mối liên kết giữa các trường này với các trường trung học tại Việt Nam mang tên Lê Quý Đôn. Ngoài ra, ông cũng đề xuất thiết lập hợp tác giữa tỉnh Thái Bình với các trường đại học Pháp để thực hiện các luận án nghiên cứu về Lê Quý Đôn, góp phần quảng bá danh nhân văn hóa của quê hương Thái Bình tại Pháp.
Bày tỏ sự ủng hộ việc tổ chức lễ vinh danh Danh nhân Lê Quý Đôn tại trụ sở UNESCO nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông vào năm 2026, anh Nguyễn Phan Bảo Thụy, một Việt kiều tại Pháp, cũng là cựu học sinh trường Lê Quý Đôn ở Đà Nẵng, cho rằng điều này sẽ mang lại niềm vinh dự và tự hào cho người dân Thái Bình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung và cho cả những học sinh Việt Nam đã và đang theo học dưới các mái trường mang tên Lê Quý Đôn.
Ngoài việc giới thiệu về danh nhân của tỉnh, hội nghị còn là dịp để quảng bá hình ảnh, văn hóa và tiềm năng du lịch địa phương. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thái Bình có một hệ thống di sản văn hóa dày đặc và nhiều công trình có giá trị kiến trúc độc đáo, lâu đời, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục. Làn điệu chèo cùng các lễ hội truyền thống mang lại những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của Thái Bình chứa đựng đời sống tâm hồn của người dân địa phương nói riêng và người Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, còn có những điều kiện tự nhiên, những bãi biển đẹp, cùng các làng nghề truyền thống luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Qua hội nghị quảng bá và xúc tiến văn hóa và du lịch, tỉnh Thái Bình cũng rất mong muốn mời gọi những doanh nghiệp và những tổ chức cá nhân đến với Thái Bình, quảng bá giới thiệu văn hóa của Thái Bình, giúp bạn bè quốc tế và người dân Pháp biết về Thái Bình, hiểu về Thái Bình nhiều hơn".
Không chỉ quảng bá văn hóa du lịch, hội nghị còn nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác về y tế, giáo dục, đào tạo, trao đổi nguồn nhân lực, cũng như tìm hiểu thêm về cơ hội hợp tác với Pháp trong việc phát triển về nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, du lịch với các đối tác của Pháp và hợp tác kinh tế, tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên trong thời gian tới. Ông tin rằng "thông qua các tư liệu và hình ảnh được giới thiệu tại hội nghị, độc giả sẽ biết đến Thái Bình nhiều hơn, thu hút mọi người đến với mảnh đất hiền hòa, thăng hoa cảm xúc với tình đất, tình người và tình cây lúa và để cùng nhau xây dựng Thái Bình cũng như quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất