Giỗ đầu nhà thơ Đỗ Nam Cao: “Tôi hôn con, ghì Trường Sa vào ngực…”

30/10/2012 14:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - 8/11 tới là tròn một năm ngày mất Đỗ Nam Cao. Ông không phải là một tên tuổi quá nổi tiếng với độc giả bên ngoài làng thơ, nhưng lại là một “tài năng lặng lẽ” được bạn thơ trân trọng.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao

Sáng 27/10, tọa đàm về thơ Đỗ Nam Cao nhân dịp gần tròn một năm ngày ông qua đời được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tại Hà Nội…

Trên tấm poster bên trái hội trường là bức ảnh chân dung Đỗ Nam Cao với mái tóc lòa xòa quen thuộc cùng hai câu thơ mà nhiều người thích trong bài Gửi quần đảo Trường Sa của ông, có lẽ vì sức biểu cảm: “Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực/ Bãi đá ngầm cào rách thịt da”.

Bài thơ còn có 2 câu đáng chú ý nữa: “Trường Sa ư với ngày thường xa thật/ Đảo ở đâu, tôi có hỏi đâu mà”. Đỗ Nam Cao đã nhận thấy một điều mà chắc nhiều người trong chúng ta cũng từng trăn trở: đảo vẫn ở đó, nhưng trong những “ngày thường”, có thể có giây phút nào đó vì cuộc sống mưu sinh bận bịu, vì cơm áo gạo tiền toan tính…, mà đảo tưởng như “xa thật”. Câu thơ mang đầy tính tự vấn bản thân, tự nhắc nhở lòng mình, để từ đó tình yêu với đảo ngày càng được nhân lên, nhất là “…khi máu đổ/ Đảo mới gần, mới thật đảo của ta”.

Chuyện vào Hội Nhà văn sau 33 năm bị quên

Câu chuyện Đỗ Nam Cao vào Hội Nhà văn Việt Nam được bạn ông, nhà thơ Thanh Thảo, kể lại trong buổi tưởng nhớ: “Hồi đó, anh Cao nằm trong số những người tham gia kháng chiến và làm văn nghệ nên được Hội Nhà văn đặc cách cho vào hội mà không phải qua các khâu làm đơn, viết lý lịch. Lẽ ra anh Cao phải vào Hội từ lúc đó, nhưng không hiểu vì lý do gì, do quên hay sao đó mà tên anh không có trong danh sách kết nạp năm đó.

Việc này cũng thể hiện một phẩm chất đáng trọng của anh Cao. Trong suốt mấy chục năm anh chẳng nói gì về chuyện đó cả, không đòi hỏi gì cả. Đó cũng là điều nên ngẫm nghĩ đối với những người viết khác. Là nhà thơ, anh Cao chắc cũng thiết tha vào Hội chứ, nhưng anh đã không nói”.

Nhà thơ Thanh Thảo kể tiếp: “Năm 2010, trong một triển lãm tranh của họa sĩ Lê Quân (một người bạn thân thiết trong những năm cuối đời của Đỗ Nam Cao - TT&VH) ở Hà Nội, anh Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đến dự và gặp anh Cao ở đó. Hỏi chuyện mới biết anh Cao chưa phải là hội viên Hội Nhà văn. Anh Thỉnh bảo: “Ô thế này thì không được”! Khi đó tôi bảo bây giờ phải tái công nhận anh Cao là hội viên Hội Nhà văn chứ không phải là kết nạp mới. Anh Hữu Thỉnh đã chấp nhận ý kiến đó”.

Tài năng lặng lẽ

Nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948-2011), tên thật là Đỗ Sơn Cao, quê ở Phú Xuyên, Hà Tây (hiện là Hà Nội). Sau này, ông chuyển vào sống ở TP.HCM. Nhà thơ qua đời vì bệnh gan. Các sáng tác của ông được nhiều bạn bè đồng nghiệp tâm đắc: trường ca Hỡi cô cắt cỏ, Gửi quần đảo Trường Sa, Rượu thủy tinh, Mưa rơi, Thu vĩnh viễn…

“Tài năng lặng lẽ” là chữ dùng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người đã đăng một chùm chân dung Đỗ Nam Cao (do nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán chụp) lên trang web riêng, một ngày sau khi người bạn đồng nghiệp qua đời vào ngày 8/11/2011.

Chùm ảnh chụp vào tháng 8/2010 khi Đỗ Nam Cao ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam năm đó và cũng là Đại hội Hội Nhà văn duy nhất trong đời ông.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán theo nhà thơ Đỗ Nam Cao ra cả một hiệu cắt tóc ở Hàng Bài, chụp ảnh lúc người thợ đang “múa kéo”. Những bức ảnh ấy, lúc mới chụp xong chỉ là kỷ niệm vui thế thôi, còn bây giờ, khi người trong ảnh không còn nữa, thì đã trở thành hồi ức.

Bạn bè bảo, sinh thời, Đỗ Nam Cao chọn cho mình cuộc sống lặng lẽ. Vẫn làm thơ nhiều, nhưng công bố ít, chỉ những gì gọi là “tinh tuyển” . Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể, một đợt thấy Đỗ Nam Cao bảo sẽ về quê ở Hà Tây, nói rằng “Về quê viết, tháng sau lại lên”. Ít lâu sau, thấy bạn lên, mang theo trường ca Hỡi cô cắt cỏ. Tác phẩm này được nhiều đồng nghiệp khen, thường trích đọc những câu tâm đắc.

Nhà thơ Thanh Thảo viết về ông, trong bài Dính vào thơ, khó dãy ra (Dính là tên một tập thơ của Đỗ Nam Cao): “Thế kỷ 21 có cần thơ không, ai mà biết. Chỉ biết, vẫn còn những người làm “những con giống” bằng ngôn ngữ như những đứa trẻ cô đơn. Những con giống không bán, không mua, và dĩ nhiên, không ăn được”.

…..
Các anh cắm ngọn cờ tổ quốc gió cuồn cuộn
Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô
Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực
Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra


Các anh chết làm gì có mộ
Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
Chỉ còn đảo và cờ tổ quốc giữa trùng dương
……
            (trích Gửi quần đảo Trường Sa của Đỗ Nam Cao)


Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm