22/05/2011 12:20 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - LHP Cannes lần thứ 64 sẽ kết thúc vào sáng thứ Hai, 23/5, theo giờ Việt Nam. Chỉ còn ít giờ nữa thôi là những chủ nhân mới của Cành cọ vàng sẽ được xướng tên. Cơ hội nào cho các phim đến từ phía Đông?
Cannes năm nay đang chứng kiến sự giảm dần của người châu Á. Có 5 phim tham gia, 2 phim tranh tài ở hạng mục Cành cọ vàng, 3 phim còn lại tham gia vào hạng mục Un Certain Regard (dành cho phim thể nghiệm theo xu hướng mới), trọng lượng đã mất hay thật sự châu Á đang tìm hướng đi mới?
Bản đồ điện ảnh đang dịch chuyển
Khi người Mỹ từng phát biểu một câu đáng chú ý “vẫn còn những chân trời mới để khám phá bên ngoài nước Mỹ” thì người châu Á cũng lập tức đi theo tinh thần này để đến Cannes và từ ngả Cannes bắt đầu chinh phục châu Âu. Mặc dù vậy, gần đây đang có xu hướng ngược lại: người châu Á, sau gần 30 năm vươn mình ra biển lớn giờ lại bắt đầu quay lại cạnh tranh ngay trong chính thị trường nội địa. Không như mọi năm, năm nay không có một phim Trung Quốc nào được trình chiếu tại các hạng mục chính của Cannes. Phim Trung Quốc cũng ít xuất hiện tại LHP Berlin hồi tháng 2 - LHP lớn đầu tiên trong năm của châu Âu.
Dầu vậy, các nhà quan sát Tây Âu cho rằng châu Á đang thực sự vươn dậy và sẽ tỏa bóng của mình ở khắp nơi. Gió đang đổi chiều, bản đồ điện ảnh đang dịch chuyển xuống vùng trũng phía Đông. Cả châu Âu lẫn Hollywood đang “tạm nghỉ giữa giờ” để hướng sự bận tâm đến vùng đất văn minh bí ẩn kia, một thế lực điện ảnh mới không thể xem thường.
Nếu bộ phim Ichimei, Hara Kiri của đạo diễn Takashi Miike giành giải Cành cọ vàng |
Nhiều nhà phê bình cho rằng điện ảnh châu Á đang như một con hổ dữ vùi mình trong quá khứ quá lâu và giờ đang mài nanh vuốt trở lại để tiếp tục gây nỗi khiếp sợ. Năm ngoái, bộ phim của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul, Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives bất ngờ giành giải Cành cọ vàng đã làm nhiều người tròn mắt.
Đánh dấu hơn một trăm năm lịch sử điện ảnh nước nhà, hiển nhiên người Trung Quốc không muốn đứa con văn hóa của mình đì đẹt với chỉ số phát triển của một nền kinh tế tăng trưởng. Niềm tự hào văn minh quá khứ không cho phép nền điện ảnh đó chỉ hài lòng vị trí đứng của mình trong Đại lục. Bởi Trung Quốc, một quốc gia có doanh thu từ công nghệ điện ảnh đạt 6,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 44% trong vòng một năm qua. Nhiều người đặt câu hỏi một nền điện ảnh đang ngày càng lớn mạnh như thế liệu có phải nhờ biết đi chinh chiến bên ngoài và tạo tiếng vang ngược vào biên giới nước mình hay không. Nếu là có, thì rõ ràng những huy chương như Cannes đã có tác dụng rất tốt để tạo nên một chất lượng vàng.
Cần nhớ lại rằng, nền điện ảnh châu Á sẵn sàng thay đổi mình để mở cửa ra bên ngoài: người Hàn Quốc sẵn sàng dẹp bỏ những tư tưởng ủy mị, ướt át, và thêm vào đó một chút kịch tính kiểu Friedkin, Scorsese hay Polanski; người Ấn Độ cởi mở và thông thoáng hơn; người Trung Quốc hiện đại và góc cạnh hơn còn Nhật Bản thì gai góc và kinh dị hơn.
Và vì thế sự vắng bóng của châu Á năm nay có thể vin vào lí do “chậm tiến độ sản xuất” hoặc chưa có phim nào thật sự “đáng đồng tiền bát gạo” đem đi dự thi.
Hai ứng cử đến từ Nhật
Năm nay, người Nhật đại diện cho châu Á đi dự thi ở Cannes bằng hai bộ phim: Hanezu No Tsuki của đạo diễn Naomi Kawaze và Ichimei, Hara Kiri của đạo diễn Takashi Miike.
Hanezu No Tsuki của nữ đạo diễn Naomi Kawaze được nhiều người đánh giá cao khi cả bộ phim như một lời tỏ tình với thiên nhiên. Chuyện kể về cô thợ nhuộm Takumi và nhà điêu khắc Kayoko như đi ngược thời gian để sống lại những chuyện tình dang dở mà ông bà của họ đã trải qua. Đôi tình nhân này đi về giữa hiện tại và quá khứ lịch sử hơn 1.000 năm của Naracố đô xứ Phù tang - để tiếp tục viết câu chuyện dang dở. Mạch phim không có một sợi chỉ đỏ nào dẫn dắt và pha thêm rất nhiều ẩn dụ.
Trong khi đó Ichimei, Hara Kiri của đạo diễn Takashi Miike là câu chuyện về cái chết của một samurai, về đời sống chật vật của những chàng võ sĩ samurai thời bình ở vào thế kỷ thứ 17. Đạo diễn Takashi Miike nổi tiếng là một nhà làm phim thích đưa lên màn ảnh những cảnh tàn bạo, máu me và ông đã khẳng định lại điều đó trong các cảnh mổ bụng trong bộ phim đến dự liên hoan Cannes lần này.
Cả hai bộ phim này đều được đánh giá cao, thậm chí cao hơn cả bộ phim The Skin I Live In của đạo diễn nổi tiếng người Tây Ban Nha, Pedro Almodovar, vốn được xem là ứng cử viên sáng giá nhất của Cành cọ vàng năm nay. The Skin I Live In không mang rõ nét chất của Almodovar, chất hài hước được ông “dàn dựng” khá hời hợt, như thể có bao nhiêu món ngon đều trưng bày lên bàn tiệc và làm người xem lóa mắt và chẳng biết nên chọn dùng món nào.
“Thời tiết của các vị giám khảo rất khó đoán”
Nhà phê bình điện ảnh Matt Bochenski cho rằng rất khó để đoán xem ai sẽ giành Cành cọ vàng năm nay bởi “thời tiết của các vị giám khảo rất khó đoán”, lúc thì chọn toàn phim nghệ thuật khó hiểu kiểu như Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives năm ngoái, lúc thì nóng đầu lại chọn phim nghiêm túc thẳng đơ kiểu Farenheit 9/11; lúc thì hô vang Pedro Almodovar, Lars Von Trier nhưng sau đó lại chê phim họ dở rồi lại còn “mời” Lars Von Trier về nước vì những phát ngôn đụng chạm...
Tuy phát ngôn nóng nảy nhưng nhà phê bình này vẫn đề cử bộ phim Polisse của đạo diễn người Pháp Maiwenn sẽ giành Cành cọ vàng bởi “kịch tích, hấp dẫn và đầy chiều sâu”. Polisse là kiểu chơi ghép chữ (Police: cảnh sát và Peau lisse: làn da mượt mà), đây là bộ phim của của nữ đạo diễn mới 35 tuổi, Maiwenn. Ban giám khảo Cannes cho rằng bộ phim mô tả rất thực về đời sống hàng ngày của những viên cảnh sát điều tra mà nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ những đứa trẻ vị thành niên sa chân. Họ đối diện với đủ thứ hạng người: những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, những cặp vợ chồng ngược đãi con cái... Nhiều người cho rằng nếu phim này đoạt giải sẽ đánh dấu một thế hệ đạo diễn mới ở Pháp và phong trào này đang ngày càng nở rộ.
Một người khác, nhà phê bình Adam Woodward, lại cho rằng The Kid With A Bike của anh em nhà Dardenne, Jean-Pierre và Luc sẽ đoạt giải. Bởi lẽ cả 2 đạo diễn này đều đã từng 2 lần đoạt giải Cành cọ vàng năm 1999 và 2005 và bộ phim này cũng đi theo nội dung cuộc trốn chạy của những đứa trẻ và đưa vào đó những hơi thở trần trụi của cuộc sống với những câu hỏi dội thẳng vào tim người xem.
Bất luận thế nào, năm nay Cannes đang nỗ lực thay đổi mình, sự giảm dần của người châu Á chưa hẳn báo hiệu một sự thay đổi tư tưởng của châu lục này mà nó mở ra một sự cạnh tranh của những tên tuổi mới. Thế hệ đạo diễn mới của Pháp đang nở rộ, những gương mặt không quen nhưng thực tài đã đến Cannes, những người ăn ngủ cùng Cannes lại vẫn tiếp tục ghé mặt, những nữ đạo diễn xuất hiện tạo ra một quyền lực mới... Tất cả đều có mặt tại Cannes lần thứ 64 và câu trả lời sẽ có vào ngày 22/5 tới khi đại lộ Croisette sẽ dỡ bỏ hàng rào an ninh để Cannes về lại những ngày thường.
Nguyên Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất