07/07/2011 14:25 GMT+7
(TT&VH) - Là con nhà thuốc Bắc gia truyền, nên từ bé tôi đã nghe chuyện nhau thai của con người (tử hà xa) có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Lớn lên một chút, đọc Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, tôi bỗng có cảm giác chờn rợn khi nghĩ về thứ “thực phẩm chức năng” kiêm thuốc chữa bệnh này. Chuyện kể về một nhân vật làm việc ở bệnh viện sản, hàng ngày cô lấy nhau thai nhi bỏ đi cho vào phích đá đem về nấu lên để nuôi chó béc-giê. Người cha là “Tướng về hưu” bật khóc, cầm phích đá ném vào đàn chó, mắng rằng: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”.
1. Câu chuyện lạnh lùng đến mức tàn nhẫn, mà cũng chứa đầy chất nhân văn, có lẽ chỉ Nguyễn Huy Thiệp mới có thể viết được. Nghe nói tình tiết này gây chấn động dư luận một dạo.
Nhau thai khô của Trung Quốc được bán ngoài chợ
Bẵng đi nhiều năm, không thấy ai nói đến chuyện nhau thai nữa. Cho đến hôm qua, nhân đọc bài Nhau thai khô mua dễ như mua rau của báo Sài Gòn Tiếp thị (đưa lên trang nhất Yahoo Việt Nam), ký ức của tôi bỗng bàng hoàng sống dậy. Bài báo cho biết, hiện nay, nhau thai khô xuất xứ từ nước ngoài đang được bày bán như rau tại chợ dược liệu ở quận 5, TP.HCM với giá chợ chỉ 110.000 đồng. “Người chủ cửa hàng liền đưa ra năm gói tử hà xa được sấy khô, sợi màu vàng như sợi mì gói với giá 500.000 đồng và dặn, ăn loại này rất bổ, cả hai vợ chồng có thể cùng ăn bằng cách nấu canh, xào với rau hoặc hấp” - bài báo viết.
Chuyên gia khuyên rằng muốn sử dụng cần có sự tư vấn của thầy thuốc uy tín, không nên tự ý mua về sử dụng. Theo nguyên tắc, khi sản xuất thuốc từ nhau thai phải có quy trình sàng lọc, kiểm duyệt rất chặt chẽ để tránh các bệnh như HIV, viêm gan...
Nhìn về phương diện khoa học thì có thể thấy việc sử dụng nhau thai làm thuốc là chuyện khá bình thường trong y học cổ truyền, mặc dù vị thuốc có xuất xứ từ...“thịt người” này chưa chắc đã được nền y học hiện đại thừa nhận hay đánh giá cao. Nhưng thôi, đó là chuyện lớn khó có thể bàn ở đây.
Vấn đề đáng nói là cách ứng xử với vị thuốc “nhạy cảm” này. Xét cả về phương diện đạo đức, có lẽ tất cả chúng ta đều có thể nhất trí rằng, nếu nhau thai - phần bỏ đi của người mẹ sau khi sinh em bé - mà có thể chữa được bệnh, cứu được người thì hoàn toàn có thể sử dụng. Nhưng việc sử dụng vị thuốc “nhạy cảm”, thậm chí là bất đắc dĩ này nên theo sự chỉ định đặc biệt của thầy thuốc, hơn là có thể mua ngoài chợ như mớ rau. Nếu tâm lý của người mua và người bán đều coi đó là “món hàng” là thứ thực phẩm ngon, bổ, (không rẻ nhưng cũng không quá đắt), ăn vào chỉ để cho... “sướng” thì lại là chuyện khác. Trước hết nó chưa chứng tỏ được sự an toàn, khi chúng ta biết rằng thứ nhựa dùng làm bơm kim tiêm, dù đã được nấu chảy và tái chế thành các vật dụng khác, nhưng vẫn có khả năng lây bệnh, huống hồ thứ nhau thai kia mới chỉ được sấy khô, đóng gói mà chưa thấy có sự kiểm định nào của cơ quan hữu quan như các loại thuốc hay thực phẩm chức năng thông thường.
2. Người Việt có câu nơi “chôn nhau cắt rốn”. Cái phần tuy là thừa, phải bỏ đi của con người, nhưng vẫn rất thiêng liêng vì là “tình cha, huyết mẹ” nên thường được chôn xuống đất, và nhờ thế, mảnh đất đó như là đã “hóa tâm hồn” con người, gắn bó xương thịt với con người. Có lẽ từ tư duy thiêng liêng đó mà Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ra lời phản tỉnh trong chi tiết “gây sốc” trong truyện ngắn kể trên để đánh thức thiên lương của con người ta.
Chả hiểu những người sản xuất và người mua nhau thai “như mua rau ở ngoài chợ” kia nghĩ gì nhỉ?
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất