09/04/2025 10:06 GMT+7 | Thể thao
Ngày 9/4/2025, tại Trường Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh (USH), Hội đồng khoa học đã tổ chức cuộc họp thẩm định giáo trình Vovinam dành cho sinh viên chuyên ngành Huấn luyện thể thao.
Cụ thể đây là giáo trình đầu tiên được biên soạn công phu, hướng tới việc giảng dạy chính thức trong các trường đào tạo thể dục thể thao trên cả nước, do TS. Võ Quốc Thắng – Hiệu trưởng nhà trường – chủ biên và TS Nguyễn Thành Ngọc – người có nhiều năm gắn bó với vai trò là đầu tàu của Bộ môn Võ Vật Judo tại USH. Thành viên biên soạn giáo trình cũng là cán bộ của USH là võ sư cao cấp của môn phái Vovinam là thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tấn và thạc sĩ Phạm Thị Kim Liên.
Đặc biệt, tham gia hội đồng với vai trò phản biện chính là TS. Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới (WoMAU), nguyên là thành viên sáng lập và là Tổng Thư ký Liên đoàn Vovinam Thế giới (2008-2016), tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam nhiệm kỳ I. Ông được xem là một trong những nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào Vovinam cả trong nước lẫn quốc tế.
Cuộc họp Hội đồng thẩm định Giáo trình Vovinam
Theo đánh giá của TS. Võ Danh Hải, giáo trình có hình thức và cấu trúc khoa học, rõ ràng, đảm bảo tính sư phạm và phù hợp với đối tượng học viên đại học, sau đại học. Nội dung được phát triển theo hướng hiện đại, tích hợp giữa lý luận thể thao và kỹ thuật đặc thù của Vovinam như kỹ thuật căn bản, đối luyện, sáng tạo, chu kỳ huấn luyện, tâm lý – sinh lý thể thao. TS. Võ Danh Hải đề xuất tích hợp thêm hình ảnh, mã QR minh họa kỹ thuật, hệ thống câu hỏi cuối chương và cập nhật thêm tài liệu tham khảo để tăng tính tương tác và học thuật.
Một đóng góp quan trọng trong buổi họp là kiến nghị cập nhật lại phần lịch sử môn phái. TS. Võ Danh Hải cho rằng phần lịch sử cần phản ánh đầy đủ hơn ba giai đoạn phát triển chính: từ khi sáng tổ Nguyễn Lộc công bố môn phái (1938), giai đoạn sau 1975 với vai trò của các nhân vật như Võ sư Nguyễn Văn Chiếu, ông Trương Quang Trung, đến giai đoạn quốc tế hóa với các tổ chức như Liên đoàn Vovinam Việt Nam (2007), Liên đoàn Vovinam Thế giới (2008) và Tổng Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Thế giới do các võ sư hải ngoại điều hành. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cá nhân như TS. Phạm Quang Long – người phát triển phong trào Vovinam miền Bắc và thúc đẩy quốc tế hóa thông qua hoạt động văn hóa, ngoại giao tại Pháp, Brazil, G20… Do đó giáo trình cũng sẽ đưa vào tiến trình phát triển môn phái Vovinam để mang đến kiến thức dành cho sinh viên.
TS Võ Danh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới thực hiện Phản biện 1
Từ học đường đến đấu trường quốc tế
Giáo trình lần này đánh dấu bước tiến chiến lược trong việc chuẩn hóa giảng dạy Vovinam như một môn thể thao học thuật. Vovinam hiện đã được giảng dạy tại hơn 60 quốc gia, xuất hiện trong các kỳ SEA Games, Asian Indoor Games…, trở thành biểu tượng giao lưu văn hóa và thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.
Cuộc họp thẩm định là một minh chứng cho nỗ lực học thuật – quản lý – chuyên môn nhằm đưa Vovinam từ phong trào võ học trở thành môn học chính quy, có cơ sở khoa học và giá trị đào tạo bền vững.
TS Võ Quốc Thắng, Hiệu trưởng USH, Chủ biên Giáo trình Vovinam
Theo đánh giá của hội đồng khoa học, có thể khẳng định rằng giáo trình "Giáo trình Vovinam" là một tài liệu có giá trị cao về mặt khoa học, sư phạm và ứng dụng thực tiễn. Giáo trình đã đáp ứng được yêu cầu về chuẩn hóa nội dung đào tạo môn Vovinam ở trình độ đại học và sau đại học, giúp người học phát triển cả năng lực lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành và vận dụng vào công tác giảng dạy – huấn luyện.
Nếu được tiếp tục cập nhật và hoàn thiện, giáo trình này không chỉ phục vụ đào tạo trong nước mà còn có thể chuyển ngữ, sử dụng trong các chương trình hợp tác quốc tế về võ thuật Việt Nam, góp phần quảng bá và khẳng định vị thế học thuật của Vovinam trên bản đồ võ thuật thế giới.
Tên giáo trình: Giáo trình Vovinam
Chủ biên: TS. Võ Quốc Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM
Đồng chủ biên: TS. Nguyễn Thành Ngọc
Thành viên biên soạn:
ThS. Nguyễn Hoàng Tấn – Giảng viên Bộ môn Võ, Vật, Judo
ThS. Phạm Thị Kim Liên – Phó Trưởng bộ môn Võ - Vật - Judo
Đơn vị chủ trì: Bộ môn Võ, Vật – Judo, Khoa Huấn luyện thể thao, Trường ĐH TDTT TP.HCM.
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC THẨM ĐỊNH GIÁO TRÌNH
1. PGS. Bùi Trọng Toại – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học & Công nghệ TDTT – Chủ tịch Hội đồng
2. TS. Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới – Phản biện 1
3. PGS.TS. Lý Vĩnh Trường – Trưởng Khoa Huấn luyện thể thao – Phản biện 2
4. TS. Nguyễn Thành Tuấn – Nguyên Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ Thể dục Thể thao Tiền Giang – Ủy viên
5. TS. Vũ Văn Huế – Trưởng Bộ môn Võ, Vật, Judo – Ủy viên kiêm Thư ký
Tổng Hợp
ThS. Lê Trung Tây – Chuyên viên Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế USH
TS. Hoàng Mạnh Hùng – Chuyên viên Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế USH
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất