25/10/2022 10:58 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống
Có người từng nói: “Thái độ đối với thế giới quyết định bạn sẽ có thế giới như thế nào”.
Thành Rome không xây trong một ngày, một cộng đồng cũng không thể lớn mạnh trong một ngày. Nếu bạn muốn làm giàu cho bản thân, bạn cần tích lũy từ những thứ nhỏ nhất.
Giáo sư Đại học Harvard William James từng nói: “Gieo một hành động - gặt một thói quen; gieo một thói quen - gặt một tính cách; gieo một tính cách - gặt một số phận”.
Dưới đây sẽ là 7 thói quen được chuyên gia Harvard giới thiệu. Chỉ cần rèn luyện những điều sau, thành công và tiền bạc sẽ tìm đến với bạn.
2 thứ cần “bớt” giúp nâng tầm tư duy
Nói ít đi
Trong một cuộc phỏng vấn, một phóng viên đã hỏi nhà văn đạt giải Nobel Mạc Ngôn về nguồn gốc bút danh của mình. Ông trả lời: “Khi còn bé, tôi thường nói sai và hỏi rất nhiều câu không nên hỏi, gây ra rất nhiều rắc rối không đáng có. Mẹ tôi thường nhắc nhở nhưng đều thất bại. Khi đã trưởng thành tôi đã rất hối hận, vì vậy tôi đã đặt tên cho mình là Mạc Ngôn”.
Những người càng nóng nảy thì càng dễ nói nhiều vì họ cố gắng dùng lời nói để lấp đầy sự bất an trong lòng. Trong khi đó, những người thực sự trưởng thành biết cách im lặng, tránh xa những rắc rối trong âm thầm và tích lũy cho bản thân.
Trong Trang Tử: Du hành phương Bắc có câu: “Trong trời có sắc đẹp tuyệt trần không cần nói cũng biết. Cảnh đẹp nhất không thể diễn tả bằng lời, và lực hút mạnh nhất thường im lặng. Đi khắp thế giới, nói ít hơn, làm nhiều hơn và học cách củng cố bản thân trong im lặng”.
Bớt cứng đầu
Sách Tấn (Trung Quốc) ghi lại một câu chuyện như sau. Vào năm 357 sau Công nguyên, hoàng đế nhà Tần là Phù Kiên đã tuyên bố với các quan đại thần của mình rằng ông quyết định tấn công nhà Đông Tấn. Một vị quan lập tức phản đối: “Không được, chúng ta sẽ gặp bất lợi, nhất là ở sông Dương Tử.”
Nhà vua không đồng tình: “Sông Dương Tử có gì ghê gớm, ta có một đội quân hàng triệu người. Binh lính của ta đủ để đối phó với nó”. Nhiều vị quan cũng đứng lên phản đối nhưng Phù Kiên không chịu nghe và nhất quyết đưa quân đi.
Ông đích thân dẫn một đội quân đông đảo tấn công, nhưng thất bại thảm hại tại sông Dương Tử. Sau trận chiến này, vị thế của nhà vua bị giảm sút, triều đại sớm bị diệt vong.
Vương Dương Minh, nhà tư tưởng xuất sắc thời Minh từng nói: “Tai quý ở thông minh, người nghe bằng tai của cả thiên hạ, việc gì cũng rõ”.
Một người mắc sai lầm là chuyện thường tình. Nhưng điều tai hại nhất là không biết lắng nghe ý kiến của người khác. Những người quá bảo thủ thường tự hủy hoại bản thân vì không biết lắng nghe. Chỉ khi biết cách buông bỏ sự bướng bỉnh và nghe lời góp ý, chúng ta mới có thể ngày càng đi cao và xa hơn.
Lúc sinh thời, Steve Jobs đã nói: “Trong 30 năm đầu đời, bạn quyết định các thói quen. Trong 30 năm cuối cùng của cuộc đời, thói quen xác định con người bạn”. Những điều tưởng chừng không mang lại lợi ích trước mắt nhưng thực tế là đang định hình tương lai của chúng ta.
5 “hơn” để cuộc sống đi lên
Cười nhiều hơn
Câu chuyện của Đậu Lập Quốc, một nhân viên chuyển phát nhanh với mức lương một triệu NDT hàng năm (khoảng 3,4 tỷ đồng) là một ví dụ điển hình. Khi lần đầu tiên đi làm công việc chuyển phát nhanh, anh đã in 10.000 danh thiếp để người khác nhớ đến mình và gửi chúng cho bất kỳ ai qua đường mà anh gặp.
Nhưng không ai để ý tới tấm danh thiếp, có người quay đầu ném đi, một số khác thì quát mắng vì anh cản đường. Với nụ cười thường trực trên môi, anh cúi xuống nhặt danh thiếp và tiếp tục gửi cho khách hàng tiếp theo. Sau này, nhiều đồng nghiệp đã nghỉ vì công việc khó khăn, nhưng Đậu Lập Quốc vẫn kiên trì với nụ cười và cuối cùng được thăng chức nhờ sự kiên trì và thái độ tích cực.
Áp lực cuộc sống ở khắp mọi nơi, và mỗi người trưởng thành đều trải qua những bất bình và buồn bã của riêng mình. Đại văn hào Victor Hugo từng nói: “Hãy đối mặt với thực tế, chỉ bằng cách mỉm cười, bạn mới có thể vượt qua những trở ngại và nhìn về tương lai”.
Trước muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, khi gặp khó khăn, nhiều người lại thích than thở, kết quả là mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chỉ những người chịu được áp lực nhưng vẫn nở nụ cười trên môi thì mới có thể làm chủ được cuộc sống, đoạt được danh lợi.
Chia sẻ nhiều hơn
Cuốn sách Những cuộc trò chuyện quan trọng cho biết: “Trong cuộc sống thực, nếu bạn muốn trở thành bạn của những người khác và cùng nhau đạt được sự nghiệp, trước tiên bạn phải học cách chia sẻ”.
Nhiều người vì sợ thiệt thòi cho bản thân mà luôn nghĩ đến việc lợi dụng người khác, nên thường mất cái lớn vì cái nhỏ trước mắt, chỉ vì một cây mà mất cả một cánh rừng. Nếu một người luôn chăm chăm vào lợi ích của bản thân thì cuối cùng, người chịu thiệt thòi duy nhất sẽ là chính mình.
Như có câu: “Tặng người một đóa hồng, tay còn vương hương thơm”. Ở một khía cạnh nào đó, chia sẻ cũng là một “khoản đầu tư dài hạn”, nếu bạn sẵn sàng trả tiền cho người khác thì cũng sẽ có người bằng lòng trả tiền cho bạn với thái độ tự nguyện và thoải mái. Học cách chia sẻ và cho đi, cuộc sống của bạn sẽ ngày càng rộng mở.
Đọc nhiều hơn
Công ty quảng cáo nổi tiếng Ogilvy & Mather có một bản quảng cáo có nội dung: “Tôi sợ người đọc sách, họ tránh được thất bại tôi trải qua. Họ hiểu được cuộc đời ngắn, con người thông minh muộn. Một giờ của họ là một đời của tôi”.
Đọc sách là cách dễ dàng và thiết thực nhất để chạm tay đến thành công. Đọc sách là quá trình trở về với đời sống tinh thần, không chỉ mở rộng tầm nhìn mà còn làm phong phú thêm tâm hồn. Những cuốn sách là cầu nối giữa chúng ta và tri thức.
Có thể nó sẽ không giúp bạn giải quyết vấn đề hiện tại ngay lập tức. Nhưng những tri thức đã được tiếp thu sẽ là công cụ giúp ích cho con đường tương lai. Khi bạn vẫn còn hoài nghi về cuộc sống, hãy đi tìm câu trả lời trong sách.
Lạc quan hơn
Có một câu chuyện như sau: Lena sống ở London với cha mẹ khi còn nhỏ. Cô là một sinh viên nghèo và thiếu tự tin. Cô ấy đã tự ti từ khi còn nhỏ, càng lớn tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn.
Sau giờ làm việc, Lena trở về với cảm xúc bực bội và mệt mỏi. Dần dần, mối quan hệ của cô với gia đình xấu đi, cô bị trầm cảm và phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Cho đến một ngày, cô nhìn thấy một câu: “Bạn là người tạo ra hoàn cảnh cuộc đời mình”.
Cô vô cùng sốc, và chợt nhận ra rằng trước đây cô có một cuộc sống tồi tệ là do lỗi của chính mình. Bạn sống thực sự như thế nào phụ thuộc vào năng lực bên trong của bản thân chứ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh và mọi người xung quanh. Nếu bạn luôn phủ nhận chính mình, bạn sẽ ngày càng lún sâu vào những cảm xúc tiêu cực.
Khi bắt đầu khẳng định và khuyến khích bản thân, bạn có thể hướng dẫn mình thoát khỏi khó khăn. Vì vậy, cô bắt đầu tích cực điều chỉnh bản thân, đọc sách mỗi ngày, đến trường đại học để thử giọng, và gửi thư xin việc khắp nơi. Bằng cách này, sức khỏe thể chất và tinh thần của cô bắt đầu được cải thiện, và mối quan hệ với gia đình được hàn gắn. Nhờ vậy, cuộc đời của Lena bước sang một chương mới.
Suy nghĩ kĩ hơn
Học giả Harari đã nói: “Nguồn gốc sâu xa nhất của mọi loại đau khổ nằm ở chính tâm trí của mỗi người”. Ở độ tuổi 20, chính bản thân Harari thường xuyên lo lắng, dẫn đến công việc kém hiệu quả và giấc ngủ bị gián đoạn nghiêm trọng. Để tự cứu mình, anh bắt đầu tìm kiếm nhiều phương pháp điều chỉnh khác nhau.
Sau khi thử nhiều phương pháp, anh nhận thấy rằng mỗi lần anh thiền định đều đưa anh ra khỏi trạng thái gần như suy sụp. Mỗi ngày đi làm về mệt mỏi, Harari thường ngồi thiền 10 phút để não bộ phục hồi.
Khi cảm thấy lo lắng, anh chỉ cần dừng lại và nhắm mắt, chờ đợi cảm xúc của mình trở lại đúng hướng. Bằng cách dựa vào thiền định, Harari đã viết liên tiếp những tác phẩm kinh điển như Lược sử nhân loại và Lược sử tương lai.
Nhà đầu tư nổi tiếng Dalio cũng từng nói: “Thiền định đã mở mang đầu óc tôi, tạo ra sự cởi mở và tự do, và tạo ra hòa bình”. Khi bạn cảm thấy cáu kỉnh, hãy nhắm mắt lại và thả mình vào thế giới thiền. Khi nội tâm ổn định, sẽ có ít điều khiến bạn phải bận tâm hơn.
Thùy Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất