Nhìn từ trận Chung kết ở Wembley: Đỉnh điểm thành công của cải tổ

25/05/2013 11:16 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Đối với những người trung lập như tôi, đội nào chiến thắng đêm nay thực ra không quan trọng. Thành công cuối cùng của một trong hai CLB, với việc giơ cao chiếc Cúp chiến thắng, thực tế chỉ mang ý nghĩa danh hiệu. Bản thân việc trận chung kết Champions League trở thành một trận thư hùng toàn Đức đã là một tấm gương cho tất cả, theo góc độ đào tạo trẻ.


Sven Bender, tài năng trẻ rất triển vọng của bóng đá Đức

Khi người Ý thống trị Champions League với việc cả Juve và Milan vào chung kết ở Old Trafford những ngày này 10 năm về trước, báo chí Italia đã khẳng định rằng, thời kì chiến thắng của họ sẽ kéo dài. Những gì xảy ra sau đó chúng ta đã biết: dù Milan vào chung kết các năm 2005, 2007 và Inter đã đại thắng trong năm 2010, nhưng cuộc khủng hoảng đã kéo calcio xuống hàng cấp 2 ở Cúp Châu Âu. Trận chung kết ấy trên thực tế là một hiện tượng khó có thể lặp lại, và là những thời khắc tỏa sáng hiếm hoi của một nền bóng đá không có một nền tảng phát triển trên mọi lĩnh vực.

Khi người Anh cùng có mặt trong trận chung kết Cúp này 5 năm sau đó ở Moskva, báo chí bên kia biển Manche đã khẳng định rằng thời của họ đã đến. Trên thực tế, chiến thắng của bóng đá Anh ở mùa giải ấy, cùng với sự xuất hiện trong các trận chung kết 2009, 2011 và chiến thắng của Chelsea 2012 thể hiện một khía cạnh khác của thành công: rất nhiều tiền bạc và tài năng của Sir Alex Ferguson. Nhưng mùa này, họ đã thất bại.

Năm năm sau đêm mưa Moskva ấy, là một trận chung kết toàn Đức, khi Bayern, đội đã vào chung kết 3 lần trong 4 mùa gần nhất, đối đầu với một hiện tượng đã tạo ra rất nhiều hình ảnh đẹp trong những năm qua, Dortmund. Một câu hỏi đặt ra, là liệu chúng ta có nên nói đến một thời kì thống trị của bóng đá Đức trên đấu trường châu lục ở cấp CLB, cũng như ở cấp đội tuyển, trong một tương lai gần, mà trận chung kết đêm nay là bệ phóng?

Đấy là một câu hỏi khó trả lời, nếu nhìn kinh nghiệm mà người Ý và người Anh đã trải qua. Ngay cả thành công của người Tây Ban Nha cũng có thể được coi một bài học lớn: Sau trận chung kết toàn Tây Ban Nha giữa Real Madrid và Valencia vào năm 2000, người ta cũng đã nói đến một chu kì thành công của bóng đá xứ bò tót. Nhưng trên thực tế, chu kì ấy chỉ có thể đến sau khi những chàng trai từ La Masia của Barca lớn, với những chiếc Cúp mà họ giành được cùng CLB và đội tuyển từ năm 2006 đến 2012.

Có một khoảng trống từ 2000 đến 2006, với một chiếc Cúp của Real. Thế còn người Đức, trận chung kết này là ĐIỂM ĐẾN của một quá trình đơm hoa kết trái từ kế hoạch đào tạo trẻ “made in Germamy” mà họ bắt đầu thực hiện từ năm 2000, hay là ĐIỂM KHỞI ĐẦU của một chu kì thành công thực sự mà người ta đã chờ đợi là lâu dài?

Câu trả lời nằm ở khía cạnh nhân lực và khả năng tập hợp toàn bộ sức mạnh và trí lực của những người quản lí và huấn luyện những đội bóng Đức ấy. Trên những khía cạnh ấy, nền bóng đá Đức đang thành công rực rỡ: 13 trong số 22 cầu thủ ra sân trong trận chung kết này là những sản phẩm của cuộc cải tổ sâu rộng tiến hành từ năm 2000, với việc tập trung mạnh mẽ cho việc đào tạo trẻ.

Chiến dịch World Cup 2006 tạo ra cho họ những cơ sở vật chất hiện đại và tối tân. Nền tài chính chắc chắn là cơ sở vững vàng cho sự lớn mạnh của các CLB, trong đó đặc biệt là Bayern. Sự cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ vừa là cái đích mà thứ bóng đá đầy cống hiến mà Bundesliga đang phô diễn, vừa là kết quả của quá trình đầu tư và cải tổ rộng khắp trong những năm ấy.

Nhưng chiến thắng của một hệ thống trẻ chưa chắc đã đồng nghĩa với một chu kì thành công lâu dài. Bóng đá Tây Ban Nha đã làm được điều ấy trên cấp độ CLB (Barcelona) và đội tuyển quốc gia nhờ sự chín tới của thế hệ La Masia, của những người Real Madrid và tài năng của những người cầm quân, trong những thời điểm lịch sử. Lứa trẻ của đội tuyển Đức đã không lên đến đỉnh ở World Cup 2006 và 2010, EURO 2008 và 2012.

Họ luôn cách chiến thắng một bước chân, vì thiếu một điều mà bóng đá Tây Ban Nha đã làm được trong thời gian ấy: Sự lì lợm và bản lĩnh cùng một chút may mắn, và sự trưởng thành thực sự của cả một thế hệ cầu thủ, trong đó có những người là thủ lĩnh. Còn quá sớm để nhìn thấy trong nền bóng đá ấy, những người có ảnh hưởng và tài năng thực sự đến đội tuyển Tây Ban Nha như Xavi hay Iniesta đã làm.

Bóng đá Đức chưa được như thế, và trận chung kết được coi là đỉnh điểm thành công của cuộc cải tổ năm 2000 liệu có thể dẫn đến một đỉnh cao khác cho họ trong năm 2014, là năm mà họ bảo vệ danh hiệu vô địch Champions League, và tham dự World Cup? Đã 23 năm rồi, họ chưa một lần lên đỉnh thế giới...

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, đội bóng nào sẽ vô địch Champions League mùa bóng này?


Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm