Giáo hoàng Francis phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ: Thế giới đầy những 'vết thương chưa lành'

25/09/2015 06:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chuyến thăm Mỹ, sáng 24/9 (giờ Washington), Giáo hoàng Francis đã có bài phát biểu kéo dài 51 phút trước toàn thể lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Trong bài phát biểu của mình, Giáo hoàng kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ vượt qua sự chia rẽ để giải quyết các thách thức.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Giáo hoàng Francis tại Quốc hội Mỹ, cảnh báo khuynh hướng "quy về một cách giản đơn" của những điều tốt-xấu; đúng-sai; lương thiện- tội phạm.

Ông cho rằng thế giới đương đại hiện nay với những "vết thương chưa lành" đang ảnh hưởng lên rất nhiều người dân, đòi hỏi các nhà lãnh đạo nói chung và các nhà lập pháp Mỹ nói riêng cần phải "đối mặt với tất cả các hình thức phân cực" và vượt qua sự chia rẽ vào hai thái cực giản đơn này.

Ông nhấn mạnh "một nhà lãnh đạo tốt là người suy nghĩ vì lợi ích của tất cả", biết "nắm thời điểm trong tinh thần cởi mở và thực tế", đồng thời luôn lựa chọn đưa ra sáng kiến cho các tiến trình (về thời gian) hơn là thực thi chính sách về mặt không gian.

Ngày 23/9, tại Washington, DC, Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis (trái) đang trong chuyến thăm Mỹ. Ảnh: Reuter/TTXVN

Giáo hoàng Francis đã đề cập đến một loạt các vấn đề và thách thức đang nổi lên gây tranh cãi hiện nay như sự bất công về kinh tế, biến đổi khí hậu, người nhập cư, người tị nạn, người nghèo và phá thai. Ông cho rằng thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư ở một mức độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, đặt các nhà lãnh đạo trước các thách thức to lớn và những lựa chọn khó khăn.

Ông nêu ra một "nguyên tắc vàng" là "làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn", đồng thời kêu gọi nước Mỹ "mở rộng vòng tay" đón người nhập cư và người tị nạn. Về vấn đề đói nghèo và bất công, Giáo hoàng cho rằng hiện nhiều người vẫn đang bị "giam hãm" trong "vòng tròn của sự nghèo đói". Để giải quyết vấn đề này, theo ông một trong trong các công việc quan trọng là tiếp tục "tạo ra và phân bổ sự thịnh vượng" một cách công bằng. Giáo hoàng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc xóa bỏ hình phạt tử hình, phản đối việc phá thai, cho rằng "cuộc sống con người" cần được bảo vệ ở "mọi giai đoạn của sự phát triển".

Giáo hoàng cũng chuyển đi thông điệp chống chiến tranh và kêu gọi dừng buôn bán vũ khí bởi khi rơi vào tay kẻ xấu vũ khí có thể gây ra đổ máu cho dân thường vô tội và thiệt hại cho xã hội. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và hôn nhân trong bối cảnh con người đang sống trong một nền văn hóa dẫn đến áp lực với người trẻ tuổi làm họ không lập gia đình vì thiếu các điều kiện đảm bảo cho tương lai.

Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ cần một "nỗ lực dũng cảm và có trách nhiệm" trong vấn đề biến đổi khí hậu nhằm xử lý hậu quả nghiêm trọng nhất của sự suy thoái môi trường do con người gây ra.

Ông nhấn mạnh Mỹ, cũng như Quốc hội Mỹ, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này và hiện nay là thời điểm Mỹ phải có các chiến lược và hành động dũng cảm nhằm "thực thi một văn hóa quan tâm và một cách tiếp cận thống nhất để chống đói nghèo, khôi phục phẩm giá của những người bị đẩy ra bên lề, và bảo vệ thiên nhiên".

Giáo hoàng Francis là người đứng đầu Tòa thánh Vatican đầu tiên phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Ông là một trong những người đứng ra làm trung gian môi giới dẫn tới quyết định bình thường hóa giữa Mỹ với Cuba cuối năm 2014 vừa qua. Theo kế hoạch, ngày 25/9, Giáo hoàng Francis sẽ tới New York, dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ).

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm