19/09/2023 10:42 GMT+7 | Tin tức 24h
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, từ nay đến cuối năm lực lượng sẽ tổ chức triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ,Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng đó, chú trọng giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, lực lượng tiếp tục ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân…
Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, tới đây lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với lực lượng chức năng các tại địa phương để nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm. Đặc biệt, tập trung xử lý các đối tượng đầu nậu, kho, bãi lớn tập kết hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm…
Đáng lưu ý, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế; triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc và với các cơ quan, tổ chức, nhãn hàng khác đã ký. Ngoài ra, tập trung triền khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 và hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 2 đề án còn lại. Mặt khác, kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý đơn vị.
Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến ngày 30/8/2023, lực lượng đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), thu nộp ngân sách nhà nước trên 344 tỷ đồng (tăng 59%); chuyển cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng.
Trong số này nổi lên một số vụ việc điển hình như lực lượng quản lý thị trường Bắc Giang đã xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp trên 12,5 tỷ đồng đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất. Đồng thời, phát hiện, tạm giữ 36.000 túi chân gà tẩm ướt ăn liền do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Hay tại Lạng Sơn, lực lượng đã phát hiện kho chứa gần 100.000 sản phẩm hàng điện tử có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 3 vụ án và đối tượng vụ buôn bán mật ong giả tại Hoài Đức, Hà Nội, vụ việc có dấu hiệu tội phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm, vụ việc kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu về tội lừa dối người tiêu dùng thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, phát hiện gần 3 tấn nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc được tập kết trong khu chung cư cao cấp; thu giữ hơn 20.000 bao thuốc lá có dấu hiệu nhập lậu.
Tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh linh phụ kiện ô tô, xe máy giả. Cùng đó, phát hiện, tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại 2 địa điểm, trị giá gần 2 tỷ đồng; phát hiện, thu giữ 6.877 điếu xì gà ngoại nhập các loại; 6 chai rượu hiệu Johnnie Walker Blue Label; 74.400 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em ngoại nhập và 700 hộp thực phẩm bổ sung không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Tuy nhiên, đến nay hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm ở nhiều nơi, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm chưa cao. Việc quản lý, xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại một số địa phương còn lúng túng, chưa bám sát các quy định của pháp luật và quy chế của Tổng cục, dẫn đến việc xử lý tài sản còn chậm, thậm chí có sai sót. Hơn nữa, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra chưa theo sát thông tin, tình hình thực tế của địa bàn dẫn đến xác định nội dung kiểm tra đôi khi chưa trúng, chưa đúng đối tượng cần kiểm tra.
Nguyên nhân do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức chưa đồng đều, đặc biệt là trình độ công nghệ thông tin của công chức một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu; phương thức thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Đặc biệt, kiểm tra nội bộ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số đơn vị còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, có biểu hiện thực hiện chưa nghiêm, còn nặng tính hình thức, kết luận hành vi, xác định trách nhiệm chưa đúng, có hiện tượng nể nang.
Ngoài ra, hàng hóa tịch thu của lực lượng rất nhiều chủng loại, mặt hàng, đặc biệt đối với hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của rất nhiều bộ, ngành; biên chế của một số Cục rất mỏng, địa bàn rộng, công chức phải kiêm nhiệm nhiều việc hiệu quả hoạt động còn có những hạn chế nhất định. Do đó, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục kiện toàn lực lượng cũng như tiếp tục triển khai cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường nhằm đẩy lùi nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất