Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA): 'Lấn lướt' cả CIA

23/10/2013 08:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện Mỹ bị cáo buộc âm thầm do thám các đồng minh thân cận Pháp và Mexico đã vừa khiến Cơ quan An ninh Quốc gia, lực lượng tình báo thuộc loại tối mật của nước này, phải "miễn cưỡng" bước ra ánh sáng.

Đầu tuần này, cả Pháp và Mexico đã phản ứng giận dữ, yêu cầu có sự giải thích từ phía Mỹ sau khi thông tin do cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã giám sát hàng chục ngàn cú điện thoại ở Pháp. Họ còn tìm cách đột nhập vào tài khoản thư điện tử của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon.

Thế lực mới trong thời kỹ thuật số

Lâu nay các đạo diễn Hollywood và các tiểu thuyết gia thường xem CIA là lực lượng trung tâm trong các hoạt động gián điệp của nước Mỹ. Nhưng dưới thời đại kỹ thuật số, NSA lại là lực lượng có tầm ảnh hưởng và khả năng vươn xa thuộc hàng đầu trong 16 cơ quan tình báo của Mỹ. 


Trụ sở "hoành tráng" của NSA ở Fort Meade

Được thành lập sau Thế chiến thứ hai để tránh một cuộc tấn công bất ngờ theo kiểu Trân Châu cảng, NSA đã biến đổi bản thân trở thành lực lượng lớn nhất, bí mật nhất và có thể là cơ quan tình báo có khả năng xâm nhập sâu rộng nhất từ trước tới nay. Trong khi CIA đột nhập vào một tòa nhà để cài bọ nghe lén, NSA phụ trách việc thu gom các thông tin đang diễn ra, cụ thể là thu lấy thông tin phát trên các mạng viễn thông hoặc sóng vô tuyến.

Giai đoạn những năm 1970, Quốc hội Mỹ đã tăng cường giám sát NSA và đã đưa ra các quy định kiểm soát chặt hơn, sau khi một cuộc điều tra ở Thượng viện làm hé lộ ra nhiều vụ lạm dụng quyền lực của lực lượng này, gồm việc sử dụng NSA để do thám người Mỹ tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh và nhiều dạng biểu tình khác. Tuy nhiên, quyền lực và ảnh hưởng của NSA vẫn vô cùng lớn.

Hiện NSA không chỉ phụ trách các loại "tình báo tín hiệu" mà lãnh đạo cơ quan này còn kiêm luôn ghế lãnh đạo Bộ Tư lệnh Không gian ảo mới thành lập của quân đội, để chuẩn bị cho chiến tranh điện tử. NSA vì thế đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp cho các mạng máy tính chống lại nguy cơ bị tấn công mạng.

Hoạt động chìm trong bí mật

Cho tới nay, nhiều hoạt động của NSA vẫn nằm trong vòng bí mật. Một ví dụ tiêu biểu là các nhân viên của NSA thường chỉ nói rằng họ làm việc ở Bộ Quốc phòng, khiến cơ quan này còn có biệt danh là “No Such Agency” (Không có cơ quan nào như thế) và “Never Say Anything” (Chẳng bao giờ nói gì cả).

NSA hiện có đại bản doanh nằm trên một khu vực rộng lớn ở Fort Meade, Maryland. Năm 1995, tờ Baltimore Sun đưa tin rằng NSA sở hữu tập hợp siêu máy tính lớn nhất thế giới. Bản thân NSA không bình luận gì về điều này. Nhưng trong tháng 5/2013, NSA có tổ chức một lễ động thổ xây Trung tâm Máy tính hiệu năng cao 2 ở Fort Meade, dự kiến sẽ khai trương trong năm 2016.

Mang tên Site M, trung tâm có một trạm điện nhỏ công suất 150 MW, 14 tòa nhà quản trị, 10 gara đậu xe cỡ lớn. Trung tâm có chi phí 3,2 tỷ USD, nằm trên diện tích 92 ha và ban đầu sẽ sử dụng 60 MW điện. Một trung tâm như vậy hiển nhiên sẽ không chứa các máy tính thông thường ở bên trong.

Ngân sách của NSA là điều không ai biết, nhưng người ta tin rằng nó thuộc loại lớn nhất trong cộng đồng tình báo. Ngân sách rót vào NSA đã tăng gấp đôi kể từ các vụ khủng bố diễn ra vào ngày 11/9/2011, theo cuốn sách Top Secret America (Nước Mỹ tuyệt mật) do các nhà báo Dana Priest và William Arkin chấp bút viết.

Con số người làm cho NSA cũng là một bí mật lớn. Năm 2012, Phó Giám đốc NSA John C. Inglis đã nói đùa rằng lượng nhân viên NSA "nằm giữa con số 37.000 và 1 tỷ". Để được vào làm tại NSA không phải là điều dễ dàng. NSA tiến hành kiểm tra nói dối trên mọi nhân viên của họ. Tất cả nhân viên mới đều phải qua kiểm tra và hoạt động kiểm tra định kỳ diễn ra 5 năm một lần. Những ai từ chối kiểm tra sẽ bị chấm dứt hợp đồng ngay. 


Một người biểu tình phản đối hoạt động do thám của NSA

Ảnh hưởng ngày càng lớn

Kể từ khi internet bùng nổ và nhu cầu tình báo nhằm vào Al Qaeda tăng lên sau vụ 11/9, tầm quan trọng của NSA đã dần tăng lên. Cơ quan này đã thuê hàng chục ngàn lao động, những người như Snowden, để quản lý các hoạt động do thám rộng lớn vốn cần tới rất nhiều chuyên gia như kỹ sư điện tử, nhà ngôn ngữ học, chuyên gia giải mã bên cạnh các kỹ thuật viên khác.

Trong những năm đầu mới ra đời, NSA được thừa kế một chương trình mang tên Shamrock, trong đó cơ quan này chặn tới 150.000 tin điện tín được chuyển đi mỗi tháng, dưới sự giúp đỡ của các công ty Mỹ đã đồng ý tham gia thỏa thuận chia sẻ thông tin với NSA, dù lo lắng về tính pháp lý của hoạt động này. Theo các cuộc điều tra Top Secret America của tờ Washington Post, hiện nay mỗi ngày NSA chặn hơn 1 tỷ thư điện tử, cuộc gọi điện thoại và các dạng liên lạc khác. Để giữ lại lượng dữ liệu khổng lồ, cơ quan này đã phải dựa vào kho siêu máy tính của mình nằm ở Fort Meade.

Và cáo buộc NSA do thám đồng minh, dù gây phẫn nộ, nhưng thực tế lại không phải là điều gì mới mẻ. Washington đã từng do thám các chính quyền thân thiện với mình để có lợi thế về ngoại giao và thương mại. Ví dụ trong những năm 1920, những chuyên gia phá mã làm việc tại một trong những cơ quan tiền thân của NSA đã do thám đồng minh và cả Nhật Bản trong các cuộc đàm phán về một thỏa ước giải pháp một căn cứ hải quân.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm