Tròn 65 năm 'khuynh đảo' màn bạc: Godzilla - luôn là 'vua' của các quái vật

07/11/2019 07:16 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong những sản phẩm văn hóa đại chúng lớn nhất của Nhật Bản, quái vật Gozilla sẽ tròn 65 năm xuất hiện trên màn bạc vào 10/11 tới. Và đến thời điểm này, sự phát triển của những thước phim về Godzilla vẫn không có dấu hiệu dừng lại - khi nó vẫn tiếp tục… tàn phá thế giới và chiến đấu với những kẻ thù không kém phần quái dị của mình.

Nhật Bản làm lại 'Godzilla' để cạnh tranh với phiên bản Mỹ

Nhật Bản làm lại 'Godzilla' để cạnh tranh với phiên bản Mỹ

Quái vật Godzilla vốn là sản phẩm sáng tạo của người Nhật. Năm nay, nhân việc bản phim làm lại của hãng Legendary (Mỹ) thành công vang dội, hãng Toho (Nhật Bản) đã công bố thêm một dự án khác về Godzilla.

Cột mốc 65 năm ra mắt màn bạc của Godzilla càng có ý nghĩa hơn khi bộ phim mới nhất về quái vật này, mang tựa đề Godzilla: King Of The Monsters (Chúa tể Godzilla: Đế vương bất tử), đã thu về 385 triệu USD từ phòng vé toàn cầu sau khi phát hành hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Sức hút xuyên thời gian

Với sự thủ diễn chính của Kyle Chandler, Vera Farmiga, Millie Bobby Brown và Ken Watanabe, Godzilla: King Of The Monsters là tập phim thứ 35 trong loạt phim này và là bộ phim thứ ba về Godzilla được một hãng phim Hollywood sản xuất hoàn toàn.

Mặc dù Godzilla: King Of The Monsters không được hoan nghênh như các bộ phim Godzilla trước đó, nhưng tập phim này vẫn cho thấy rằng quái vật từ phương Đông có sức hấp dẫn bền bỉ, cả ở quê hương tạo ra nó và ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Godzilla trong áp-phích tập phim đầu tiên phát hành năm 1954

Tập phim đầu tiên, Godzilla, do Ishiro Honda đạo diễn và được Toho phát hành hồi năm 1954. Phim này đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong dòng phim về quái vật - cho dù nội dung đề cập nhiều tới các vấn đề chính trị và xã hội của Nhật Bản vào thời điểm đó. Thành công này trước hết phải kể tới phần hiệu ứng đặc biệt do bậc thầy Eiji Tsuburaya tạo dựng, với việc sử dụng nhiều hình ảnh thu nhỏ và kỹ xảo ghép hình để phóng đại sự “đồ sộ” và sức hủy diệt của quái vật.

Cũng từ bộ phim này, phần nhạc nền phim (của Akira Ifukube) đã tiếp tục được sử dụng lại trong nhiều phim về Godzilla. Ngay sau đó 2 năm, để phát hành ở Bắc Mỹ, bộ phim đã được làm lại và phát hành vào năm 1956 với tên Godzilla, King Of The Monsters. Ngoài các cảnh quay gốc trong phim của Nhật Bản, phiên bản này có thêm các cảnh quay mới.

"Godzilla rất nổi tiếng, trước hết là ở Nhật Bản” – theo Kaori Shoji, nhà phê bình điện ảnh cựu trào của tờ The Japan Times. Theo ông, hiện nay, dân số ở Nhật đang già đi rất nhanh, nhưng Godzilla gợi cho người ta nhớ đến cuộc sống của người Nhật trong những năm 1960 và 1970, khi các bộ phim Godzilla thực sự phổ biến.

Chú thích ảnh
Godzilla chiến đấu với các quái vật trong tập phim mới nhất,“Godzilla: King Of The Monsters”

Cả một thế hệ đã lớn lên cùng với Godzilla. Thấy Godzilla trên màn bạc trong những năm sau này, họ lại có dịp trở về thời thơ ấu. Con cái của những người đó hiện ở độ tuổi cuối 30 và 40, nhưng không hề có một nhân vật nào từ nền văn hóa đại chúng được sùng bái giống như thời cha mẹ của họ.

Nhà phê bình Shoji nói thêm: “Khi mọi người gặp khó khăn về kinh tế hoặc đối diện với những lo lắng hàng ngày, họ dường như muốn quay trở lại một vài thập kỷ trước đó, với suy nghĩ rằng mọi thứ khi ấy dường như tốt hơn. Họ nói rằng, khi đó họ có thể nghèo hơn nhưng ít nhất họ đã có một con quái vật lớn nhất và hay nhất để giải khuây cho mình. Đó cũng là lý do để Godzilla mang nhiều ý nghĩa hơn là một con quái vật trên màn ảnh”.

Chú thích ảnh
Quái vật Godzilla

Ngoài ra, đối với người Nhật Bản, Godzilla gắn với những tâm lý đặc thù của cả một thế hệ. Trong bộ phim gốc, Godzilla được miêu tả là một con quái vật biển thời tiền sử cao chót vót, bị các thử nghiệm hạt nhân trên Thái Bình Dương đánh thức từ giấc ngủ dưới biển và sau đó được tiếp thêm sức mạnh thông qua tiếp xúc với bức xạ. Bộ phim này ra mắt chưa đầy một thập kỷ sau khi bom hạt nhân dội xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II.

Đó là thời kỳ đầy những lo lắng trong lịch sử Nhật Bản, đất nước vừa bị đánh bại trong chiến tranh, các thành phố đã bị phá hủy, ô nhiễm rất nặng và cuộc sống đầy khó khăn. Khi Chính phủ đã quyết định xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên, nhiều người sợ hãi về những đứa trẻ được sinh ra không được bình thường. Câu chuyện về Godzilla, do vậy, lại càng lan tỏa mạnh.

Chú thích ảnh
Quái vật Godzilla dần tiến hóa trong các tập phim

Ngày càng “khổng lồ” và không ngừng phá phách

Trong các tập phim tiếp theo, Godzilla đã tiến hóa hơn. Lần xuất hiện đầu tiên trên màn bạc, Gozilla là con thú có vảy cao 50m. Trong những tập phim được phát hành từ năm 1999 đến năm 2004, Godzilla đã cao lên tới 100m khi Hollywood “nhúng tay” vào dàn dựng nhân vật này trong tập phim Zilla (2004). Năm 2017, Godzilla đã cao tới 300m trong tập phim Godzilla: Planet Of The Monsters.

Đối với những người hoài cổ - vốn đã trưởng thành cùng các tập phim về Godzilla - quy mô của con thằn lằn khổng lồ này là một vấn đề gây tranh cãi. Nhiều áp phích trên các trang phim trực tuyến cho thấy Hollywood đã làm cho nhân vật được yêu quý này to quá cỡ, trong khi nhiều người đặt vấn đề liệu Godzilla có bị “Mỹ hóa” quá không?

Nhưng ông Gavin Blair, phóng viên tờ The Hollywood Reporter tác nghiệp ở Tokyo, lại nghĩ khác: “Godzilla trở thành một trong những tác phẩm xuất khẩu văn hóa đại chúng sớm nhất của Nhật Bản, cùng với các bộ phim của Akira Kurosawa, trong giai đoạn hậu chiến. Nhưng điều đáng chú ý là vào đầu thiên niên kỷ này, loạt phim không hề có thêm tập phim mới nào - khi trong suốt 10 năm hãng phim Toho không hề làm phim Godzilla. Quái vật này đã được làm trẻ hóa nhờ sự khởi động lại của Legendary Pictures-Warner Bros. Hollywood vào năm 2014 và đến nay đã thu về hơn nửa tỷ USD trên toàn thế giới.

Thành công đó khiến Toho đưa quái vật biểu tượng này trở lại với tập phim Shin Godzilla (2016). Tập phim này đã đạt thành công thương mại và được cả giới phê bình đánh giá cao.

Sau hơn 6 thập kỷ xuất hiện trong loạt phim điện ảnh, phim truyền hình, sách và chương trình hoạt hình, Godzilla vẫn chưa sẵn sàng ngừng “phá phách”. Phần tiếp theo, Godzilla vs Kong, đang được sản xuất ở Hollywood và sẽ được phát hành vào ngày 13/3/2020.

Godzilla đã được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness Thế giới với danh hiệu là loạt phim liên tục dài nhất, đã được sản xuất liên tục từ năm 1954 cho đến nay. Loạt phim này đến nay đã có 35 tập, trong đó 32 tập do Toho sản xuất và ba tập do Hollywood dàn dựng.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm