13/10/2022 14:00 GMT+7 | Giải trí
Nhắc đến Tùng Dương - một “ca” đặc biệt trong làng nhạc mà đến chính chủ cũng tự nhận mình “độc, lạ” - không khó để thấy anh luôn giữ vững phong độ về sự sáng tạo trên con đường của mình.
Có lẽ, khi chọn cho mình con đường đi trong âm nhạc với đặc tính avant-garde (tiên phong), ít ai nhận ra Tùng Dương - từ phục trang cho đến những tác phẩm mà anh lựa chọn. Chỉ khi con đường ấy hình thành một cách rõ nét và đặc sắc trong lòng khán giả, anh mới được gọi là Divo.
Nói như vậy, không có nghĩa Divo là đích đến của Tùng Dương sau nhiều năm cống hiến. Tùng Dương bảo anh không phủ nhận hay từ chối sự yêu mến quý giá đó. Nhưng thực ra gọi như vậy đôi khi lại khiến một người luôn sáng tạo không ngừng như anh cảm thấy bị giới hạn, “đóng khung”.
Nhiều fan ruột của Tùng Dương hẳn sẽ hiểu được chia sẻ này nếu đã cùng anh đi một chặng đường dài bao năm qua với 12 liveshow và 7 album. Nhưng để khắc họa đầy đủ chân dung của một Tùng Dương sau 20 năm dấn thân vào con đường âm nhạc, hãy xem anh chia sẻ về sự nghiệp và cuộc sống cùng báo Thể thao & Văn hóa trước thềm live concert Tùng Dương 20 năm ca hát.
Đầu lúc nào cũng “bốc hỏa”
* Với một nghệ sĩ “độc, lạ” như Tùng Dương, tôi nghĩ anh phải chọn một con số khác, thay vì cũng kỉ niệm 20 năm ca hát như nhiều nghệ sĩ khác?
- 20 năm người ta còn nghĩ mình còn trẻ. Chứ để đến 25 - 30 năm đổ ra, người ta gọi là mừng thọ rồi! (cười).
Nói vui thôi, nói chung tuổi tác đối với tôi không quan trọng bằng tinh thần. Tôi đã gặp nhiều người 60 tuổi với tinh thần trẻ và nghĩ mình cũng sẽ vẫn trẻ, vì ông trời cho người nghệ sĩ sự trẻ trung lâu bền, lúc nào cũng yêu đời phơi phới.
Tất nhiên trẻ trung còn phải do nuôi dưỡng rèn luyện từ thể chất đến tâm hồn mà có. Chứ nếu để một cái bụng bia to lên sân khấu thì khán giả chắc chắn sẽ đánh giá mình lười biếng, không chăm sóc bản thân!
* Đấy là lý do Tùng Dương dành hẳn 4 buổi/tuần để “cày” gym?
- Hát opera bụng càng to càng tốt. Nhưng mình hát nhạc nhẹ, nên giữ hình ảnh tốt nhất có thể với khán giả. Như đợt dịch vừa rồi, thấy mình mập lên, tôi đã phải điều chỉnh ngay.
Còn cốt lõi của sự trẻ trung phải đến từ bên trong, từ quan niệm, sự nhận biết. Và nghệ sĩ hát còn phải có chiều sâu tư tưởng, hát có trí tuệ chứ không chỉ là bạch thanh hay. Miệng phát ra nhưng tư duy phải từ cái đầu.
* Ý anh là nghệ thuật phải có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”?
- Đúng. Tôi thì đầu lúc nào cũng nóng bốc hỏa, cuộn dâng nhưng năng lượng này của mình là để đốt cháy trên sân khấu.
* Vậy không là nghệ sĩ mà có nguồn năng lượng “khủng” như anh thì phải đốt ở đâu?
- Ở lý tưởng sống của mỗi người. Còn tôi là một nghệ sĩ làm nghệ thuật. Mà nghệ thuật là hai từ thiêng liêng lắm. Không phải là showbiz, hay chỉ giới hạn là ca sĩ hát hay mà nghệ thuật là cả nền tảng, là cách tân và phát triển chiều sâu!
* Sự cách tân của anh là như thế nào?
- Tôi vẫn độc đạo, vẫn là ca sĩ khác biệt trên thị trường âm nhạc của Việt Nam, đại diện tiêu biểu của nghệ thuật avant-garde, của sự dám nghĩ khác, dám làm khác!
Trước đây, tôi có thể chịu nhiều búa rìu dư luận về ăn mặc, thời trang nhưng tôi cũng tự nâng cấp bản thân để chỉn chu hơn, vẫn quái khi lên sân khấu và đặc biệt là việc lan tỏa năng lượng tích cực. Nếu có ánh hào quang nào của người nghệ sĩ, đó chính là năng lượng tích cực mà họ lan tỏa được đến mọi người!
Live concert Tùng Dương 20 năm ca hát sẽ diễn ra vào 20h ngày 25/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. |
Ngày ngày soi gương vẫn thấy mình hấp dẫn
* Quả là nhìn vào 20 năm làm nghề, với những gì anh đã và đang làm, Tùng Dương cho thấy mình vẫn rất cấp tiến. Bởi thế nên live concert Tùng Dương 20 năm ca hát anh sẵn sàng đứng chung sân với những giọng ca như Hà Lê, Đào Tố Loan và Uyên Linh?
- Đúng vậy! 20 năm qua, tôi vẫn liên tục khai thác sự sáng tạo của chính mình. Có lẽ cũng ngần ấy thời gian, những bài báo viết về tôi cũng nhàm rồi nhưng ngày ngày soi gương tôi vẫn thấy mình hấp dẫn.
Đấy không phải là sự yêu chiều bản thân hay nghĩ mình ở vị trí độc tôn đâu, mà đó là yêu bản thể, chăm chút mình từ nội tâm đến cơ thể, vì có khỏe ở bên trong mới có thể làm nghệ thuật được.
Quan điểm của tôi là muốn yêu nghề, đi xa với nghề thì phải rèn luyện, mở rộng và cập nhật. Tôi nghe nhiều nhạc của các bạn trẻ và cái nào hay, tôi hưởng ứng. Tôi là người biết công nhận giá trị của người khác, còn không phù hợp thì… “nước sông không phạm nước giếng”.
* Nghe chừng, ngay cả trong nghệ thuật, việc chấp nhận nhau giữa các thế hệ vẫn khó khăn?
- Vừa khó mà vừa dễ. Mình mở lòng sẽ thấy dễ - nếu thấy được giá trị tích cực của người khác làm và điều đó khiến mình nể phục. Nhưng tất nhiên là không phải ai cũng làm mình ngạc nhiên, nể phục.
Việc mở lòng để học hỏi nhau giữa các thế hệ như bố mẹ học từ con cái, giáo viên học từ học sinh, cho đến những nghệ sĩ như chúng tôi. Tôi nghĩ điều này sẽ giúp chúng ta có sự nhìn nhận đa chiều chứ không phiến diện.
* Thực ra, với chính anh, thời còn trẻ, anh cũng đâu được chấp nhận một cách dễ dàng?
- Phải rồi. Tôi nhớ lại một thời mà mình đã đến từng tụ điểm âm nhạc để xin đi hát hàng đêm. Và khi đó, những giọng ca như Khánh Linh, Lưu Thiên Hương, Thái Thuỳ Linh, Thu Phương đều được ghi nhận, chỉ có mình là không.
Ngay đến cả khi được ông trẻ Trần Hoàn của tôi phát hiện ra khả năng, ông khen tôi có giọng, nhưng bảo tôi bé như cái kẹo thế này thì không thể theo nghệ thuật được.
“Nghệ thuật rất khắc nghiệt và cần dũng cảm. Ông nghĩ cháu không theo được, nhưng ông vẫn giới thiệu sang nhạc viện xem có ai nhận không” - ông bảo tôi vậy. Lúc đó, tôi đã rất buồn. Và phải tận 2 năm sau, khi 16 tuổi, tôi mới được ông dẫn đến thầy Quang Thọ với lời giới thiệu vô cùng ấn tượng: “Cháu nó là đứa một nốt nhạc bẻ đôi không biết nhưng có năng khiếu”!
Sau này, thầy Quang Thọ cũng rất bất ngờ về hành trình âm nhạc của tôi.
* Nhưng dù sao, đi con đường với đúng khả năng của mình, ít nhiều cũng thành công đến 50%?
- Đúng. Mà với tôi có lẽ là đến 60%. Trời cho mình một sự khác thường và đặc biệt nhạy cảm với âm nhạc. Từ bé, giọng ca lanh lảnh của tôi đã chinh phục rất nhiều cuộc thi và chỉ “rinh” giải nhất. Đi học ở nhạc viện, riêng môn kí xướng âm lúc nào tôi cũng được điểm 9,5 vì cô giáo Đặng Châu Anh bảo không có gì là tuyệt đối. Và cứ đến lúc thi là tôi được cô cho ngồi bàn riêng để các bạn không quay được bài.
Cho đến bây giờ, nhìn lại sự nghiệp của mình, tôi thấy tôi được quá nhiều, được từ cái duyên làm nghề. Nên nếu chọn lại, tôi vẫn muốn được làm nghệ sĩ bay bổng. Nhất là tôi hiểu giá trị sứ mệnh của một người nghệ sĩ: Là được sáng tạo nghệ thuật, chu du qua các miền âm nhạc và để lại cho đời những giá trị, tạo ra giá trị bằng chính âm nhạc, nghệ thuật của mình.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Tuổi thơ trong trẻo được sống và yêu âm nhạc “Từ tuổi lên 4, tôi đã líu lo rồi và bố tôi là người phát hiện ra khả năng hát hò của mình. Khi đó tôi đi xem người ta diễn rồi hát theo và nhún nhảy đến mức khán giả quay qua xem tôi thay vì nhìn lên sân khấu. Sau đó, tôi đứng trước gương, đóng giả và hát toàn bài người lớn. Bố mẹ tôi đi nước ngoài rồi gửi về những chiếc băng đĩa nên tôi đã tiếp xúc với âm nhạc của ABBA, Whitney hay Nat King Cole từ rất sớm. Tôi không thể quên được những năm tháng mà mình đã biến cái gường thành sân khấu, lấy rido là rèm sân khâu, lược của mẹ làm micro, thước kẻ may của mẹ là phách gõ nhịp và còn bán vé bằng giấy rồi hơn cả là “áp chế” các bạn ngồi nghe cho đến lúc chán thì rủ nhau đi đá bóng” - ca sĩ Tùng Dương. |
(còn tiếp)
Ngọc Minh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất