Trẻ trung như 'Một năm mới bình an'

04/01/2022 12:30 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Một năm mới bình an của Sơn Tùng M-TP không phải bài hát mới nhưng bất ngờ hot trở lại và có mặt trong Top 10 bảng xếp hạng nhac.vn tuần cuối cùng của năm 2021. Không những vậy, ca khúc này còn nằm ở vị trí quán quân.

Nhìn lại MV 'Muộn rồi mà sao còn': Khoảng chững cần có của Sơn Tùng M-TP?

Nhìn lại MV 'Muộn rồi mà sao còn': Khoảng chững cần có của Sơn Tùng M-TP?

Trên bảng xếp hạng nhac.vn 2 tuần gần đây (từ 17 đến 30/5) vị trí quán quân "Muộn rồi mà sao còn" của Sơn Tùng M-TP đã bị thay thế bởi "Trốn tìm" của Đen Vâu và hiện đã bị tụt xuống vị trí thứ 6. Việc soán ngôi này cũng không phải dấu hiệu đáng báo động.

Điều này gắn với một thực tế: Ca khúc về đề tài mùa Xuân luôn có nét riêng và có sự tồn tại độc lập trong “đại gia đình” ca khúc Việt.

Một lời chúc

Thông điệp lớn nhất của ca khúc này là một lời chúc đã hiện rõ ràng ngay từ cái tên Một năm mới bình an. Và Sơn Tùng M-TP cũng chủ đích sáng tác một ca khúc riêng về Tết cho những khán giả yêu thích nhạc của mình.

Mỗi khi nhắc đến mùa Xuân là nhắc tới sự háo hức, nhắc tới một niềm vui mới sắp ngập tràn trong đất trời, trong vạn vật và trong lòng người. Sơn Tùng M-TP cũng không nằm ngoài “quy luật” cảm nghĩ về mùa Xuân như thế khi viết Một năm mới bình an vào thời điểm 5 năm trước.

Trong tiết tấu rộn ràng, ca khúc được mở ra từ không khí của mùa đặc biệt đã đến: “Xuân mang tình yêu muôn nhà” và tinh thần tươi vui cũng đã ngập tràn khi cũng vẫn làXuân đã “mang lời ca chan hòa”, để rồi “yêu thương hạnh phúc sum vầy”. Sau đó mới nhắc đến Tết: “Tết năm này, nồng ấm đong đầy”.

Chú thích ảnh
“Một năm mới bình an” của Sơn Tùng M-TP đang được khán giả hào hứng đón nhận

Sau câu mở đầu khá tự nhiên, những ca từ tiếp theo tác giả nhắc đến vạn vật để tô nồng thêm sắc Xuân, từ “mưa rơi dịu êm, gió mang hương về” rồi thì “Dập dìu cánh chim xa vời”. Và còn nữa, “Xuân sang cành lá đâm chồi”, “Cây mai đào khoe sắc”, “nắng Xuân tươi hồng”... Tất cả những lời ca chộn rộn lòng người ấy chỉ để hướng đến một điều rất đỗi quen thuộc mà thiêng liêng: “Đưa con về với bình yên, với gia đình, nặng nghĩa ân tình”.Vì thế mà phải “về nhà nhanh thôi, ba mẹ đang ngóng trông”.

Nếu như ở đoạn 1, sắc Xuân đang ngập tràn muôn nơi thôi thúc những người con xa nhà trở về thì bước sang đoạn điệp khúc là sum vầy với cả gia đình trong những ngày Tết thật ý nghĩa. Đoạn điệp khúc này mở đầu bằng giai điệu đẹp, rất bắt tai: “Đàn em khoe áo mới Xuân phơi phới/ Những bao lì xì ngay ngắn may mắn tươi tắn/ Bánh chưng thơm lừng ngất ngây Xuân về ngập tràn lộc muôn nơi”.

Xuân còn ngập tràn trong gia đình, trong phố phường, làng xóm và mang theo những lạc quan và đầy hy vọng với “nắng ban mai hé môi cười”, “có chú chim non mừng vui hót sau nhà” với “có tiếng em thơ mừng vui bóc bao quà” và với “... gió mang Xuân mừng vui chúc ông bà, mãi cười thôi”.

Phần ca từ của ca khúc kết thúc bằng câu chúc: “Một năm mới bình an” cũng là sự trọn vẹn trong cách triển khai ca từ của một ca khúc viết về ngày Tết.

Nghe "Một năm mới bình an" của Sơn Tùng M-TP:

Riêng

Thông qua Một năm mới bình an ta thấy nhiều nét riêng. Chẳng hạn riêng với Sơn Tùng M-TP, khi ca khúc này có bố cục khá gọn gàng, với 2 đoạn được phân chia rõ ràng. Có lẽ khi khán giả đón nhận sự ra đời của ca khúc, không ít người nghĩ tới một Sơn Tùng M-TP luôn có nét riêng trong lời ca, luôn tạo một cảm giác sẽ có những phá cách so với mặt bằng chung ca khúc đại chúng trong giai đoạn hiện nay. Nhưng Một năm mới bình an lại có những lời ca khá quen theo mô-típ truyền thống gắn liền với nhạc Tết, Xuân dân tộc nhiều năm qua.

Nét riêng tiếp theo: Tinh thần dân tộc không chỉ hiện hữu một cách đậm đặc trong phần lời ca mà còn ở ngay cả bản hòa âm. Rất dễ dàng nhận thấy màu sắc của nhạc cụ truyền thống dân tộc ở trong bản hòa âm của Một năm mới bình an. Cụ thể là tiếng đàn dây gảy có hiệu quả âm thanh phát ra có những nét tương đồng khiến người viết liên tưởng tới tiếng đàn tỳ bà. Tiếng đàn này xuất hiện ngay ở những giây đầu tiên của ca khúc thể hiện chủ ý của người hòa âm.

Tuy nhiên, âm hưởng dân tộc lại được khai thác rất riêng theo cách của Sơn Tùng M-TP khi nó được xuất hiện trên nền nhạc techno house. Chỉ hơi tiếc một điều, giá như bản hòa âm này được đầu tư kỹ hơn, âm hưởng dân tộc hiện hữu rõ nét hơn, tiếng đàn dân tộc “xịn” hơn, dễ nhận diện được hơn thì bài hát sẽ hàm chứa những chất lượng nghệ thuật cao hơn rất nhiều.

Chú thích ảnh

Còn một điểm cho thấy nét riêng của Sơn Tùng M-TP trong “ngôi nhà chung”, đó là cách chọn và đặt tiêu đề cho ca khúc. Trong ngập tràn những ca khúc Xuân, có vô số những ca khúc có những cái tên mang thông điệp về một cái Tết. Nhiều cái tên thể hiện thấy sự sum vầy, đoàn viên, ước vọng thì Sơn Tùng M-TP chọn một điều rất giản dị đó là bình an. Dù giản dị nhưng vô cùng cần thiết vì nếu bình an là khởi đầu cho tất cả những điều khác. Nếu không có bình an, những ước mong hoài bão khác sẽ không thể thành hiện thực. Và đặc biệt, điều này càng nhìn thấy rõ nét hơn trong 2 năm vừa qua, khi Việt Nam và thế giới chứng kiến sự tàn phá của đại dịch Covid-19.

Có thể tóm gọn lại, Một năm mới bình an tạo được những nét riêng trong âm nhạc của chính Sơn Tùng M-TP là việc khai thác tinh thần dân tộc trong cả ca từ và âm nhạc. Điểm đáng chú ý trong phần âm nhạc là sử dụng âm nhạc điện tử, cụ thể là dùng techno house tạo màu sắc trẻ trung cho ca khúc. Kết hợp với nó là việc sử dụng âm hưởng quê hương tạo nét truyền thống gợi lên những hình ảnh về mùa Xuân và Tết cổ truyền của dân tộc.

Không riêng

Không chỉ có Một năm mới bình an, cùng trong top 10 BXH nhac.vn tuần cuối cùng của năm 2021 còn có thêm nhiều ca khúc khác.

Tính đến thời điểm ngày 3/1/2021, khi thời khắc chuyển giao giữa năm 2021 và năm 2022 đã trôi qua được 3 ngày, trong bảng xếp hạng của nhac.vn vẫn hiện hữu nhiều ca khúc Tết, Xuân như: Khúc giao mùa của nhạc sĩ Huy Tuấn phiên bản Bảo Anh và Trung Quân Idol thể hiện đứng ở vị trí thứ 4. Ở vị trí thứ 7 là ca khúc Hoa cỏ mùa Xuân của nhạc sĩ Bảo Chấn phiên bản do Nguyễn Hải Yến thể hiện. Cũng trong top 10 này còn có Đường về quê của Huỳnh Hiền Năng do Jun Phạm thể hiện.

Chú thích ảnh

Nếu mở rộng biên độ thành Top 20 cũng trong BXH này thì còn có thêm nhiều ca khúc chủ đề Tết, Xuân được công chúng nghe nhiều. Chẳng hạn như đứng vị trí thứ 11 là Soobin Hoàng Sơn với ca khúc Đi để trở về do Tiên Cookie sáng tác; đứng vị trí thứ 18 là ca khúc Thì thầm mùa Xuân của Ngọc Châu phiên bản Phan Đinh Tùng thể hiện; đứng vị trí 19 là ca khúc Trở về đêm cuối năm sáng tác và thể hiện Thái Trinh.

Thoát ra khỏi một BXH âm nhạc cụ thể, mở rộng biên độ không giới hạn, cũng dễ dàng nhận thấy những ca khúc Xuân và Tết đang là mảng ca khúc được nghe nhiều nhất trong thời điểm này. Đi dạo phố cũng có thể bắt gặp những ca khúc xuân. Vào quán cà phê cũng sẽ ngập tràn ca khúc Xuân. Ngồi nhà bật ti vi cũng gặp những ca khúc Xuân. Nhấp chén trà tại gia cũng có thể vẳng nghe những ca khúc xuân ở đâu đó một trong những nhà hàng xóm...

Mà ca khúc Xuân những ngày này cũng rất đa dạng, từ lãng mạn với Gửi người em gái miền Nam (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Xuân và tuổi trẻ (La Hối)... đến cách mạng với Mùa Xuân đến rồi đó (Trần Chung), Cung đàn mùa Xuân (Cao Việt Bách), Tình ca mùa Xuân (Trần Hoàn)... rồi thì nhạc trữ tình với Đón Xuân này nhớ Xuân xưa (Châu Kỳ), Em đã thấy mùa Xuân chưa (Quốc Dũng)... đến những giai điệu rộn ràng như Ngày Tết quê em (Từ Huy), Ngày Xuân long phụng sum vầy (Quang Huy), Như hoa mùa Xuân (Châu Đăng Khoa)...

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Sứ giả của niềm tin

Thực ra, chẳng phải ngẫu nhiên người viết nhắc nhiều ca khúc về mùa Xuân, về Tết cổ truyền của dân tộc trong bài viết này. Điều đó góp phần lý giải tại sao Một năm mới bình an của Sơn Tùng M-TP dù đã được biết đến từ năm 2016 và chính thức góp niềm vui cho mùa Tết 2017 nhưng đến thời điểm này lại xuất hiện trong Top 10 ở vị trí quán quân ở một bảng xếp hạng mà kết quả phụ thuộc vào lượt nghe của khán giả chứ không phải bất cứ ban giám khảo hay bất cứ cá nhân nào can thiệp.

Có nhiều lý do cho thấy rõ hơn điều nay. Một trong số đó là bởi nhạc xuân và tết mang đặc thù riêng, nó mang tính thời điểm chỉ xuất hiện đúng với dịp Xuân, Tết mọi người mới đón nhận. Không đúng thời điểm nghe những bài hát đó sẽ trở nên lạc lõng.

Song, lý do tiếp theo, cũng là cái hay khiến cho những bài hát chủ đề Xuân và Tết “sống lâu”, là bởi dù mang tính thời điểm nhưng nó lại có chu kỳ được lặp đi lặp lại. Trong khi chu kỳ này là bất tận, điểm quan trọng nhất khiến cho những ca khúc Xuân Tết tồn tại lâu dài chính ở chất lượng nghệ thuật đáp ứng được nhu cầu của khán giả.

Khách quan mà nói, nếu so với phần lớn ca khúc cùng chủ đề mà người viết nhắc tới ngay trong bài viết này, sẽ thấy độ “phủ sóng” tới đa dạng đối tượng, lứa tuổi, thành phần trong xã hội của Một năm mới bình an sẽ không rộng bằng.Và hiện ca khúc này mới chỉ quen thuộc với khán giả trẻ, tập trung ở những fan của nam ca sĩ. Nhưng rõ ràng Một năm mới bình an đã góp vào nét riêng trong cái chung của nhạc Xuân và Tết, đồng thời ca khúc cũng đã có được lượng khán giả cho riêng mình. Và điều này đã được minh chứng bằng thời gian.

Điểm 7,4/10

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm