Trần Khải Ca làm phim Mai Lan Phương vì lòng ngưỡng mộ

03/12/2008 19:46 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Dàn dựng bộ phim về huyền thoại Mai Lan Phương là một quyết định đầy cân nhắc, nhưng chứa đựng nhiều hoài bão của đạo diễn Trung Quốc lừng danh Trần Khải Ca sau khi tác phẩm điện ảnh mới đây nhất của ông - Vô cực - chịu nhiều “búa rìu” của công luận ở Đại lục. Mai Lan Phương sẽ có mặt ở các rạp chiếu Trung Quốc vào ngày 12/12 tới.

Có công quảng bá Kinh kịch ra nước ngoài

Phải nói rằng Trần Khải Ca khá liều lĩnh khi quyết định làm phim mang đề tài Kinh kịch khi giờ đây công chúng hướng tới những vấn đề “nóng” trong xã hội hơn. Nhưng ông có phương châm sống của mình: “Chẳng có gì đáng hổ thẹn nếu thất bại, nhưng có những người sống trong sợ hãi”.
 
Trần Khải Ca chọn Lê Minh đóng vai Mai Lan Phương
 
Đạo diễn Trần từng gặt hái thành công lớn với bộ phim mang đề tài Kinh kịch là kiệt tác điện ảnh Bá vương biệt cơ – phim đoạt giải Cành cọ Vàng, giải BAFTA và 2 đề cử giải Oscar. Rất có thể, Trần Khải Ca khó lặp lại được thành công đó, nhưng ông vẫn tràn đầy cảm hứng làm phim Mai Lan Phương bởi ông rất ngưỡng mộ nhân vật này.

“Chúng ta hãy nghĩ đến Mai Lan Phương. Tôi thường tự hỏi làm sao mà ông lại dám trình diễn ở nước Mỹ trong thời suy thoái vào năm 1930. Lúc đó, ở Mỹ chẳng ai biết đến Kinh kịch là gì và nhiều bạn bè Mai Lan Phương đã phản đối chuyến đi đầy rủi ro đó. Nhưng ông vẫn cương quyết và màn diễn ra mắt của ông đã liên tục được mời vỗ tay mời diễn viên trở lại sân khấu. Vì vậy, tôi nghĩ nhiều đến bộ phim hơn là lo ngại những sự đánh giá”, đạo diễn Trần cho biết.
 
Chương Tử Di và Lê Minh trong phim Mai Lan Phương

Thời nhỏ, Trần Khải Ca đã có dịp gặp Mai Lan Phương vì cha ông là bạn của huyền thoại Kinh kịch này. Đạo diễn Trần vẫn nhớ “chú Phương” là người thanh nhã, trầm tính, nhớ hình ảnh chú ngồi trên ghế sofa và trầm tư, rồi chú tập múa kiếm trong sân. Lúc đó, Trần Khải Ca còn quá nhỏ để có thể nói chuyện được với chú Phương, nhưng vẫn nhớ những nét cơ bản nơi nghệ sĩ Kinh kịch này và đã cố gắng nêu bật điều đó trong bộ phim được phát hành 47 năm sau khi ngôi sao bậc thày qua đời. “Mai Lan Phương không chỉ là tên tuổi hiện diện trong những trang giấy cũ, vàng ố. Ông thực sự là một thần tượng mạnh mẽ, thực thụ”.

Gây tiếng vang với nhiều nhân vật nữ khác nhau, Mai Lan Phương đạt đỉnh cao danh tiếng trong cuộc đời sân khấu kéo dài 50 năm của mình nhờ lối diễn xuất tinh tế và liên tục đổi mới. Với câu nói thời đó cũng đủ thấy ông là người nổi tiếng như thế nào: “Tất cả đàn ông và phụ nữ đều muốn kết hôn với Mai Lan Phương”.
Trong những năm 1920 và 1930, Mai đã can đảm quảng bá Kinh kịch ra nước ngoài, lưu diễn ở Nhật Bản, Mỹ, Liên bang Xô Viết và nhận được sự cổ cũ nồng nhiệt ở bất cứ nơi đâu ông tới trình diễn. Trường ĐH Nam California và trường ĐH Pomona đã trao tặng ông bằng Tiến sĩ danh dự.
 
Một cảnh trong phim Mai Lan Phương

“Mai Lan Phương đã quá thành công nên chẳng cần phải nhắc lại điều đó. Những điều mà mọi người khó có thể biết được đó là nỗi khốn khổ của ông. Ông có một tuổi thơ buồn, một người đàn ông không có cuộc sống hôn nhân suôn sẻ và một diễn viên bị các nhà văn và triết gia coi khinh trong đầu thế kỷ 20. Thế nên, bộ phim này kể về nỗi khó khăn của huyền thoại Kinh kịch khi ông phải đương đầu với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống và cũng đau đớn chẳng khác gì người bình thường”, Trần Khải Ca cho biết.

Cuộc đời gặp nhiều bất hạnh

Huyền thoại Kinh kịch Mai Lan Phương
Mai Lan Phương sinh ngày 22/10/1894 tại khu nhà thổ ở Bắc Kinh. Cha ông qua đời khi Mai mới 4 tuổi và mẹ ông tạ thế 10 năm sau đó. Mai Lan Phương bắt đầu học Kinh kịch năm lên 7 tuổi và không hề gây được ấn tượng gì với người thày đầu tiên, người đã từ chối dạy ông vì cho rằng Mai không tinh nhạy. Thậm chí, khi đã nổi lên thành một ngôi sao năm ngoài 20 tuổi, Mai Lan Phương vẫn bị các nhà văn nổi tiếng như Lỗ Tấn, nhà giáo dục/triết gia/chính trị gia Trần Độc Tú chỉ trích thậm tệ. Họ chỉ trích văn hóa truyền thống Trung Hoa và yêu cầu có sự dân chủ và khoa học để chuyên tâm vào những vấn đề xã hội khi Trung Quốc đang trong sự xâm lược của các nước phương Tây vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Do vậy mà Kinh kịch và các nghệ sĩ của loại hình nghệ thuật này đã trở thành mục tiêu của các nhà cách mạng. “Trong suốt cuộc đời mình, Mai Lan Phương đã phải đeo nhiều gông cùm về giấy tờ. Những gông cùm đó chỉ là vô hình và mong manh, nhưng ông không thể tháo chúng ra được”, Trần Khải Ca nói.

Phim còn mô tả huyền thoại Kinh kịch lâm bệnh nặng như thế nào và cả việc năm 1941 ông đã để râu nên nghệ sĩ không thể thủ diễn bất cứ vai nữ nào để “phục vụ” các kẻ xâm lược Nhật. “Tôi nghĩ là ông quá sợ, mặc dù đó là một quyết định đúng đắn. Một ngôi sao không thể rời sân khấu khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp”.
 
Theo quan điểm của đạo diễn Trần, người hiểu Mai Lan Phương nhất là nữ diễn viên Kinh kịch nổi tiếng Mạnh Tiểu Đông. Câu chuyện tình của họ đã tạo nên một sự xôn xao lớn vào những năm 1920. Lúc đó, Mai đã kết hôn nhưng ông vẫn cưới Mạnh Tiểu Đông. Thế nhưng, câu chuyện tình lãng mạn giữa “vua” và “nữ hoàng” của làng Kinh kịch lại có kết thúc buồn. Do áp lực của xã hội và gia đình, họ ly hôn. Năm 1949, Mạnh Tiểu Đông rời Đại lục và bà chưa bao giờ trở về.

Câu chuyện của phim kết thúc vào năm 1945 khi Mai Lan Phương trở lại sân khấu sau thất bại của quân Nhật trong Thế chiến II.
 
Lương Tuấn Vĩ

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm