Thực trạng nhạc rock Việt Nam (Kỳ cuối): Có rock Việt hay không?

16/06/2008 08:25 GMT+7 | Âm nhạc

LTS: Có nhiều ban nhạc rock, có nhiều sáng tác rock của người Việt. Vậy cho đến nay có rock Việt hay chưa? Đó cũng là đề tài tranh luận chưa có hồi kết ở các diễn đàn nhạc rock trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, dẫu còn có những ý kiến hoài nghi, rock vẫn sục sôi và thu hút hàng chục ngàn khán giả trong những đêm diễn lớn. Qua từng thế hệ, các rocker đã không ngừng đem hết tâm lực để cống hiến cho nhạc rock tại Việt Nam, có lẽ đó là điều thiết thực nhất và là yếu tố quan trọng để xây dựng nhạc rock Việt Nam, hơn là cứ loay hoay bàn cãi có rock Việt hay không?

Có rock Việt hay không? Đây là câu chuyện dài và hình như nó chứa đựng sự “kỳ vĩ” nào đó mà chúng ta quá thiếu tự tin để nhìn nhận. Con người Việt Nam vốn có chung niềm tự hào dân tộc ngay cả trong âm nhạc. Có điều, họ chưa thể tự tin cho rằng mình có khả năng tự sáng tạo ra một dòng nhạc mới. Có thể chơi nhạc rock bằng lời ca tiếng Việt và có thể làm ra kiểu âm nhạc đặc trưng Việt Nam và muốn thế giới một ngày nào đó sẽ “công nhận” về rock của người Việt nhưng chả ai “dám nhận” cái chữ “cao quý” đó. Thật kỳ lạ!

Theo tôi nguồn gốc tên gọi “rock Việt” xuất phát không phải là từ ý tưởng gì cao siêu xa vời gì đâu, nó xuất phát trong sáng và dễ hiểu với mọi người rất nhiều:Rock Việtlà lối gọi tắt, gọi nhanh của khán giả khi gọi rock được sáng tác và do người Việt Nam chơi ở Việt Nam. Tương tự cách nói tắt về rock chơi ở Sài Gòn gọi là rock Sài Gòn, rock chơi ở Tây nguyên gọi là rock Tây Nguyên, rock tụ hội Bắc - Trung - Nam gọi là rock 3 miền… mà thôi. Tuy nhiên, vấn đề mọi người có cho là ngay cả cách gọi như vậy cũng đã ít nhiều có chứa đựng tính đặc thù nào đó không? Và nếu gọi là rock Việt thì sẽ có “mùi riêng” gì?
 
Dẫu có rock Việt hay chưa hàng ngàn khán giả vẫn hoan nghênh các rocker Việt...

Hãy nhìn người Trung Quốc với tên gọi Chinese rock, người Thái với Thailand rock, người Nhật với Japanese rock, người Hàn với Korea rock... Họ đã làm ra cái “mùi riêng” ấy và rất có đẳng cấp quốc tế cho dù họ cũng đi sau phương Tây rất xa. Ngay cả ở châu Âu, nhạc rock mang hơi thở xứ sở của Nga, Đan Mạch, Scottland rất riêng và khác với của Anh hay Mỹ thậm chí chính “cái mùi” nhạc của Anh cũng đã khác Mỹ mà khi phân dòng nó đã được coi là British rock hay UK rock.

  • Tin bài liên quan
  • Rock Hà Nội sau 1975 (Kỳ 4)
  • Rock Sài Gòn sau 1975 (Kỳ 3)
  • Nhạc Việt có rock từ bao giờ? (Kỳ 2)
  • Rock - thứ âm nhạc cuồng nhiệt (Kỳ 1)
  • Thực tế trên thế giới, đẳng cấp về công nghệ, về con người, về nhiều thứ khác của họ luôn được xây dựng bài bản và cực kỳ thuyết phục. Chính vì lẽ đó các dòng nhạc do họ sáng tạo ra luôn có một “cái mùi” rất riêng của họ nên khi thành công họ sẽ tạo được vị thế trào lưu mạnh mà thước đo là hàng triệu người trên thế giới bị thu hút. Điều đó làm cho giới truyền thông của họ có thể tự đặt ra cho dòng mới của một cái tên gọi nhận diện đặc trưng cho “cái mùi” ấy để rồi nó sẽ được thuật ngữ hóa. Còn chúng ta, mọi thứ còn yếu đến mức khó cho ta sự tự tin để đặt tên cho một dòng nhạc theo ý tưởng mà chúng ta muốn. Người chơi rock ở Việt nam tự ti đến cái mức không tin mình có thể làm nên một “cái mùi đặc trưng” cho rock để tự ra đuợc một thuật ngữ riêng: rock Việt.

    Rocker Nguyễn Đạt: Nếu coi rock Việt là một “trường phái” thì còn lâu nữa mới có!

    “Nếu định nghĩa rock Việt là rock của người Việt chơi cho người Việt nghe thì rock Việt đã có từ thời các ban nhạc Phượng Hoàng, CBC...

    Nếu định nghĩa rock Việt là một “trường phái” như một số “trường phái” khác trong âm nhạc thế giới như Italian Progressive Rock, Scandinavia Metal, Japan Power Metal ... thì chắc là còn... rất lâu nữa mới có, chúng ta cần phải đạt đẳng cấp khu vực sau đó ra đến châu lục và cuối cùng là thế giới thì lúc đó mới có thể nghĩ đến việc đưa những gì đặc trưng của người Việt vào thành một phân nhánh rock có thể được thế giới công nhận”.

    Giả sử, về mặt lý thuyết, nếu như chúng ta cứ muốn đưa nét âm nhạc đặc trưng của Việt Nam vào rock và gọi nó là rock Việt mà tạo được nét riêng, nét đặc thù thì cũng chẳng có vấn đề gì khi thuật ngữ hóa nó là rock Việt. Tôi biết sẽ có nhiều tranh cãi và bóc tách khác để phản biện chuyện đó như nó vẫn từng thế ở Việt Nam, nhưng một thực tế đang diễn ra là 10 năm nay báo chí, người chơi, người nghe đã dùng cái từ rock Việt này tới hàng ngàn ngàn lần. Nó đã tự nhiên được thuật ngữ hóa rồi đó cho dù đã có tổ chức âm nhạc nào thừa nhận hay chưa?

    Vấn đề cuối cùng, đúng là chúng ta chưa có một ban nhạc nào chỉ chuyên tâm tìm tòi để khẳng định mình có thể chơi “dòng” Rock Việt, chỉ có một số các ban nhạc cũng đã có hơi hướng sáng tác ca khúc theo ý tưởng đó như Bức Tường và Da Vàng hay gần đây là Ngũ Cung.

    Vâng, đã có những quốc gia khác đã làm cho mình được cái tên rock riêng như đã đề cập ở trên thì chúng ta vẫn có cơ hội học hỏi để ra cái của riêng Việt Nam. Với ai đó có thể nói rằng hoàn toàn chưa có thuật ngữ rock Việt hay không thể có rock Việt cũng không sao cả nhưng chúng ta hãy cứ tin rằng - rồi đây sẽ có những ban nhạc của Việt Nam sẽ làm nên chuyện lớn mà quốc tế sẽ nhìn nhận. Với tôi, rock Việt đã có, luôn có trong trái tim người tin nó và yêu nó.

    Rocker Trần Lập

    Cùng chuyên mục
    Xem theo ngày
    Đọc thêm