Phim Việt: 'Anh hùng' chưa thể tạo thời thế

05/08/2013 11:01 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi những cái tên như Dũng “khùng”, Vũ Ngọc Đãng, Victor Vũ hay Charlie Nguyễn xuất hiện, khán giả ra rạp nhìn tên phim, diễn viên để xem chứ không màng đến đạo diễn. Nhưng những bảo chứng từ doanh thu phòng vé của Mỹ nhân kế, Hotboy nổi loạn, Thiên mệnh anh hùng, Scandal hay Long Ruồi chứng tỏ “bộ tứ” của điện ảnh Việt đã tạo lập được chỗ đứng trong lòng khán giả, họ đã mua vé vì đạo diễn. Liệu có lạc quan quá khi cho rằng nhà làm phim có thể tạo nên xu hướng, thay đổi thị hiếu của công chúng?

Nếu Georges Melies là người có công đầu trong việc khai phá nên nghệ thuật thứ 7 thì những nhà làm phim sau ông đã có công phát triển bộ môn này. Chính nhà làm phim tạo nên xu hướng bằng công nghệ làm phim, họ là người đưa điện ảnh từ thời phim câm đến có thoại, từ 16 hình/giây đến 24 hình/ giây, nay có cả 48 hình/ giây, phim nhựa được thay thế bằng kỹ thuật số, 3D…

Nhà làm phim có thể tạo xu hướng

Nhà làm phim không chỉ tạo nên xu hướng làm phim ở phương diện kỹ thuật mà còn là người khơi nguồn cảm hứng về phong cách, đề tài cho các đồng nghiệp. Họ là Alfred Hitchcock - bậc thầy trong thể loại phim thriller, Woody Allen - đạo diễn thường được nhớ đến ở thể loại drama, Terrence Malick - người khiến các đồng nghiệp phải oà khóc khi xem các tác phẩm của mình, đặc biệt The New World, hay Yasujiro Ozu - đạo diễn có sức ảnh hưởng lớn đến những thế hệ kế cận như Vương Gia Vệ…

Tại Việt Nam, đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng cũng là người có tầm ảnh hưởng tới thế hệ đạo diễn đương đại với tuyên bố: “Làm phim là hành trình mang đến cho người xem nụ cười của tâm hồn mình”. Trước đó là những cái tên: đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, Nguyễn Vinh Sơn… - những cái tên được nhớ đến với các tác phẩm về văn hóa, cuộc sống của người Việt. Gần đây, làng điện ảnh có thêm những Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Quang Dũng, Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Phan Đăng Di… làm cho môi trường làm phim ở nước ta thêm phần sôi động.

Đường đua khó khăn trong việc thu hút khán giả ở rạp.
Nhưng bất lực trong việc “nâng tầm” thị hiếu của khán giả!

Thị hiếu chung của khán giả Việt vẫn được giới truyền thông quy kết là chưa cao. Đó là lý do vì sao nhiều bộ phim làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” hoặc không có gì ngoài dàn diễn viên toàn sao vẫn tự tin ra rạp với chiến dịch “PR” rầm rộ. Cũng có phim thắng vì đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả - giải trí đơn thuần với những chiêu gây cười nhờ tài chọc cười của các danh hài. Dĩ nhiên cũng có phim thất bại thảm hại vì chọc cười thiếu duyên, hay câu chuyện thiếu hấp dẫn. Nhưng khi bức tranh điện ảnh Việt có thêm nhiều gam màu sôi động từ những nhà làm phim mới và tác phẩm được đầu tư đúng mức, liệu nhà làm phim có “nâng tầm” thị hiếu của đa phần khán giả?

Điều này là “nhiệm vụ bất khả thi” với các nhà làm phim, họ cần được các nhà sản xuất đồng hành, hỗ trợ để có thể làm nên những tác phẩm không chỉ chú trọng đến yếu tố “câu khách”. Đề tài có thể hơi lạ, cách làm phim có thể không đi theo công thức như Hollywood nhưng khán giả vẫn sẽ chấp nhận một tác phẩm được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc có thể xem là sự lạc quan thái quá!

Nhiều nhà làm phim biết đã và đang đối diện với thử thách lớn về doanh thu và khán giả, nhưng vẫn cố gắng mang đến những món ăn lạ cho công chúng.

Dĩ nhiên, với đại đa số khán giả, họ vẫn cần thời gian để đến gần, ngồi lại, chạm vào những tác phẩm có nhịp phim hơi khác, phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân đạo diễn như Áo lụa Hà Đông (Lưu Huỳnh), Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn), Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn), Rừng Na Uy (Trần Anh Hùng)… Những bộ phim khá khó xem, không phải đại đa số khán giả chịu ra rạp mua vé, chỉ có một số ít khán giả chịu mở lòng với dòng phim có tính nghệ thuật cao hơn tính giải trí. Nhà làm phim biết đã và đang đối diện với thử thách lớn về doanh thu và khán giả, nhưng vẫn cố gắng mang đến những món ăn lạ cho công chúng.

Trong thời khó khăn, nếu tính toán thì chẳng nhà sản xuất nào dám vung tay chi tiền cho một đạo diễn chưa chứng tỏ được mình là ai. Âu điều đó cũng dễ hiểu nhưng sẽ ra sao nếu tre đã già mà măng chưa mọc? Vì lẽ đó, trong mắt nhiều người, giám đốc sản xuất Hãng phim Xanh, diễn viên Hồng Ánh có phần liều lĩnh khi trao cơ hội đầu tiên cho đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Huy. Mặc dù tốt nghiệp một trường điện ảnh danh tiếng ở Australia nhưng Huy vẫn mới mẻ từ tên tuổi đến hành trang làm phim. Nhìn thấy được tiềm năng ở đạo diễn phim ngắn Chuyện tào lao qua dự án 89600km+, Hồng Ánh đã quyết định đầu tư cho Khắc Huy làm phim Đường đua.

Không xem thường khán giả, trách nhiệm của nhà làm phim là phải làm thật tốt những tác phẩm của mình. Nhưng khi phim vừa mới công chiếu, nhiều khán giả đã vào thẳng fanpage (trang dành cho người hâm mộ) hỏi xin đường dẫn để tải phim miễn phí, hay ở trong phòng chiếu mà hỏi nhau: “Mình coi phim gì vậy?”, xem phim được 5 phút mới bàn tán: “Ủa, phim Việt Nam hả?” (theo lời của đạo diễn Phạm Hoàng Nam) thì liệu nhà làm phim có đủ can đảm để đi tiếp con đường đã chọn: đề tài khó nhằn, thể loại thử thách? Nhà sản xuất có chịu mạo hiểm để đầu tư cho điện ảnh để mang đến những món ăn tinh thần không bị nhàm chán, một màu cho khán giả? Dễ dàng nhận thấy họ nản lòng trước nỗ lực cởi bỏ sự e dè của khán giả dành cho phim Việt.

Nhã Uyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm