Nhiều nhóm K-pop tan rã: Sự chuyển giao thế hệ?

20/02/2019 11:15 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Trong lúc các fan đang hân hoan kỳ vọng vào sự ra mắt của những nhóm nhạc tân binh, mà nổi bật là ITZY và TXT, thì không nhiều người quên đi thực tế về sự đào thải khốc liệt vẫn tồn tại giữa làng nhạc K-pop, nơi chứng kiến sự tan rã của nhiều nhóm nhạc trong thời gian gần đây.

TXT và ITZY 'mở màn’ cho thế hệ thứ 4 của K-pop?

TXT và ITZY 'mở màn’ cho thế hệ thứ 4 của K-pop?

Sự khởi đầu và kết thúc của mỗi thế hệ K-pop thường là chủ đề tranh cãi trong người hâm mộ. Đối với những người không quen thuộc với định nghĩa rộng của từng thế hệ, hãy cùng điểm lại những nhóm nhạc "nổi đình nổi đám" của 3 thế hệ K-pop hiện nay.

Ngày 18/2, hãng tin tức Hàn Quốc Hankook Ilbo đưa ra thống kê rằng đã có 6 nhóm K-pop tuyên bố “đường ai nấy đi” trong chưa đầy 2 tháng qua.

Sự “thay máu” báo hiệu màn chuyển giao?

Sau 6 năm chật vật hoạt động, 4 cô gái nhóm Melody Day cuối cùng đã thông báo tan rã vào ngày 26/12/2018. Được đánh giá là có tài năng, ghi dấu ấn với một vài ca khúc hay, kết cục của Medody Day nhắc người ta nhớ tới một thực trạng đáng buồn ở làng giải trí Hàn, nơi nhiều người vẫn chú trọng tới hình thức và xuất thân, hơn là tài năng thực sự.

Thành lập nhóm từ năm 2012, ra mắt chính thức năm 2014, nhưng không ít fan chỉ biết tới cái tên Melody Day sau khi họ tuyên bố dừng cuộc chơi tại showbiz Hàn với tư cách nhóm nhạc.

Chú thích ảnh
ITZY và TXT là hai nhóm tân binh K-pop được kỳ vọng nhất hiện nay

Cùng chung số phận với Melody Day là Wanna One và UNB (kết thúc các hoạt động chính thức hôm 27/1); nhóm nhạc nữ Wassup (17/2) và vào ngày 18/2, tới lượt B.A.P tan rã. Cuối cùng, sau buổi họp fan ngày 24/2 tới, 9 Muses sẽ được thêm vào danh sách các nhóm nhạc K-pop “yểu mạng”.

Ngay cả khi đã trừ đi các nhóm “dự án” là Wanna One và UNB (được thành lập sau một dự án hoặc một cuộc thi nào đó và thường sớm giải tán), nhiều người có lẽ vẫnthấy buồn khi thấy 4 nhóm còn lại nói lời chia tay nhau.

Việc các nhóm nhạc giải tán đã là chuyện bình thường ở xứ kim chi, nhưng sự “thay máu” có phần dồn dập gần đây được một số chuyên gia trong ngành nhận định rằng đây thực sự có thể là bước ngoặt và chuyển giao cho thế hệ các nhóm nhạc thần tượng K-pop tiếp theo.

Những cái tên như ITZYvà TXT, lần lượt do JYP và Big Hit lăng-xê (nên được coi như “em gái” của TWICE và“em trai” của BTS) đang được kỳ vọng sẽ mang về thành công mới cho dòng nhạc K-pop, tạo động lực để thế hệ trẻ tiếp tục phấn đấu, đạt tới đỉnh cao.

Nhưng dù tiên đoán ấy có xảy ra, thực tế là mỗi năm vẫn có nhiều nhóm nhạc ra mắt rồi tan rã trước khi kịp để lại dấu ấn trong lòng khán giả sẽ khó lòng thay đổi, nếu không muốn nói là môi trường showbiz Hàn thậm chí ngày càng khốc liệt hơn với các tân binh nuôi mộng thành idol quốc dân.

Lý do nhiều nhóm nhạc K-pop tan rã

Có vô vàn lý do dẫn tới việc giải tán một nhóm nhạc. Một số nguyên nhân thường thấy có thể được điểm qua như sau:

Một là yếu tố nguồn lực. Các công ty giải trí tiếp tục ra mắt hàng trăm nhóm nhưng không nhiềutrong số họ thực sự có đủ ngân sách và chiến lược bài bản để quảng bá cho “gà cưng” tới nơi tới chốn. Hoặc khi đã quyết định đầu tư, họ chi tiêu quá nhiều cho việc quảng bá để rồi nhận thấy khó có thể thu hồi vốn.

Chú thích ảnh
Các “trai đẹp” của nhóm B.A.P một thời

Cả hai trường hợp này đều dễ dẫn tới quyết định giải tán nhóm và thường hay gặp nhất ở những công ty quản lý nhỏ và tầm trung. Ở Hàn Quốc, các thực tập sinh thường bảo nhau tìm đến Big3 - 3 hãng giải trí lớn và quyền lực nhất (YG, SM, JYP)- để đầu quân nhằm giảm rủi ro này.

Hợp đồng “nô lệ” cũng là rào cản lớn đối với các nhóm muốn hoạt động lâu dài. Nhiều công ty quản lý yêu cầu thần tượng dưới trướng phải trả hết số tiền họ được đầu tư ban đầu (phí đào tạo, quảng bá, thậm chí cả tiền ăn uống…) trước khi kiếm được tiền riêng.

Những hợp đồng hà khắc là nguyên nhân khiến nhiều nhóm nhạc mệt mỏi, bất đồng với hãng quản lý và đi tới kết cục rã đám. Ví dụ mới nhất chính là B.A.P, sau tranh chấp về vấn đề thù lao và đối đãi giữa nhóm với công ty chủ quản TS Entertainment năm 2014, sự nghiệp của nhóm nhạc một thời là đối thủ của EXO chững hẳn lại và chính thức chấm dứt đầu năm nay sau khi hết hạn hợp đồng.

Thiếu cá tính là lý do thứ 3 dễ khiến một nhóm đi vào đường cùng. Giữa môi trường cạnh tranh khốc liệt và độ đào thải cao như K-biz, mỗi năm có rất nhiều nhóm nhạc gia nhập “đường đua”, việc khẳng định dấu ấn và màu sắc riêng trong âm nhạc, phong cách không phải là điều đơn giản. Thiếu cá tính là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều nhóm nhạc chỉ được biết đến khi đã tan rã hay vướng vào scandal nào đó.

Ngoài ra, việc một thành viên quá nổi trội so với các đồng đội cũng là điều dễ gây tổn thương tới tương lai chung của cả nhóm và khiến các thành viên khác cảm thấy không được đánh giá cao. Như AOA, trong khi Seolhyun được nhiều bên săn đón với hàng tá hợp đồng quảng cáo, các chị em kháctrong nhóm lại tỏ ra mờ nhạt. AOA được dự đoán sẽ sớm đường ai nấy đi trong năm 2019 sau một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả.

Một số nhóm nhạc K-pop khác lạigiải tán với lý do đơn giản: đã qua thời đỉnh cao. Họ đã quá tuổi để hát và nhảy nhót trên sân khấu. Và đúng như những gì thành viên Jin (BTS) nói gần đây trên chương trình Run, BTS! rằng họ không thể chống lại tự nhiên, và “dù muốn hay không, họ rồi sẽ không còn trẻ nữa. Các nhóm nhạc sẽ tan rã khi nó đến thời điểm”.

Duy An (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm