“Nhặt sạn” phim "Rừng Nauy" từ tiểu thuyết

07/01/2011 14:43 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - “Những gì tôi đã mất bảy năm trước, nay đã lấy lại được. Cảm ơn cậu”! Câu thoại nói trên của nhân vật Reiko sau cuộc mây mưa với Watanabe kết thúc giống như một lời thách đố tới những người xem-phim-mà-chưa-đọc-truyện. Bảy năm trước có điều gì đã xảy ra?

Xem phim Rừng Na Uy, và cũng giống như lần đầu tiên, lần thứ hai, lần thứ ba sau khi đọc cuốn truyện này, cảm xúc của tôi bị đóng băng khi bước chân ra khỏi rạp. Có lẽ nếu gọi đó là một bộ phim hay thì sẽ hơi gượng ép. Nhưng phần nào nó đã thành công trong việc mang lại cho tôi bầu không khí đặc trưng trong nguyên tác của Haruki Murakami. Hay là bởi vì vừa xem phim, tôi vừa tự ôn lại những lời văn, câu thoại mà mình gần như đã thuộc nằm lòng, nên cảm giác như vậy?

Watanabe - cẩn thận kẻo bị hiểu nhầm!

Rừng Na Uy từ tiểu thuyết tới phim

Nhân vật nam chính của câu chuyện là Toru Watanabe, một sinh viên 19 - 20 tuổi. Cậu đem lòng yêu Naoko sau khi Kizuki, bạn thân của cậu và cũng là người yêu Naoko tự tử ở tuổi 17. Nhưng Naoko, bị giày vò vì mối tình trong quá khứ với Kizuki, dần gặp phải những vấn đề ngày càng trầm trọng về tâm lý nên không thể bắt đầu một mối quan hệ bình thường với Watanabe. Theo lời khuyên của bác sĩ, cô chuyển lên một trung tâm điều trị trong núi nơi ít người qua lại để điều trị lâu dài.

Watanabe thỉnh thoảng lên thăm cô, động viên an ủi cô. Cũng trong quãng thời gian đó, cậu quen Midori ở trường đại học. Midori yêu cậu và cậu cũng có cảm tình với cô. Nhưng tình cảm cậu dành cho Naoko là quá lớn, và những dằn vặt về trách nhiệm với cô trở thành chủ đề chính xoay quanh câu chuyện giữa ba người, cho tới ngày Naoko tự sát và rồi Watanabe trở về với Midori.

Gương mặt Naoko già. Già hơn nhiều so với vẻ “xinh trai” của Watanabe. Gương mặt cậu khiến tôi liên tưởng tới nam diễn viên/ca sĩ Châu Kiệt Luân - một vẻ đẹp có phần lạnh lùng và uể oải. Và có lẽ, sự trẻ trung trên gương mặt đó cũng đủ thích hợp cho một người mới vừa 20 tuổi. Dù sao thì với tư cách của người sắm vai “tôi” - kể lại toàn bộ câu chuyện đầy trải nghiệm Rừng Na uy, cũng như những suy nghĩ và quan điểm sống mà nhân vật đã bộc lộ trong tác phẩm, tôi sẽ hài lòng hơn nếu ở cậu có thêm chút gia vị cứng cỏi và già dặn hơn tuổi thực.

Cũng vì là người nắm giữ toàn bộ câu chuyện nên đất diễn của Watanabe trong phim là rộng nhất. Tôi chỉ ước thời lượng phim kéo dài thêm chút nữa để đạo diễn có thể đưa thêm vào nhiều hơn những mẩu đối thoại hay độc thoại của nhân vật này, để khắc họa rõ nét hơn tính cách của cậu.

Với những người chưa từng đọc nguyên tác, e rằng sẽ rất dễ đánh giá Watanabe như là một kẻ bắt cá hai tay, và dễ dãi trong chuyện chăn gối với bất cứ ai đề nghị. Sự e ngại này bắt nguồn từ chi tiết Watanabe ngủ với Reiko ở cuối phim.

Reiko - nhân vật chịu nhiều “oan ức” nhất trên phim

Có lẽ là tôi tham vọng quá nhiều, bởi vì việc chuyển thể cả muốn cuốn truyện dày với rất nhiều những tuyến nhân vật như vậy lên phim không thể tránh khỏi việc cắt xén, lược bỏ chi tiết. Nhưng thật lòng tôi đã vô cùng nuối tiếc, cũng như cảm thấy “ấm ức” thay cho nhân vật Reiko.

Ngồi xem cùng tôi có không ít người chưa từng đọc truyện (có người mới đầu phim còn quay sang hỏi bạn: “Đây là chúng nó đang ở Nhật hay ở Na Uy?!”), và không khó để nghe thấy những tiếng cười, những câu bình phẩm chế giễu ở mỗi cảnh có mặt Reiko: Lúc thì lù lù xuất hiện chen giữa Watanabe và Naoko (dù rằng trong nguyên tác, cô là bạn cùng phòng, là người trực tiếp chăm sóc và chịu trách nhiệm giám sát Naoko khi Watanabe đến chơi), lúc thì ngồi chơi đàn và hát Rừng Na Uy một cách rất ngớ ngẩn. Và đặc biệt là ở đoạn ngủ với Watanabe sau khi Naoko chết.

Người ta sẽ nghĩ gì về nhân vật này nhỉ? Một mụ già vô duyên, ham muốn thân xác quá mạnh đến nỗi cầu xin Watanabe quan hệ với mình ngay sau khi người yêu cậu ta - vốn dĩ cũng giống như là chị em ruột thịt với mình - qua đời, như một sự tranh thủ?

Trong khi sự thật là ở nguyên tác, khi Reiko bày tỏ mong muốn được ngủ với Toru Watanabe, cậu đã nói: “Lạ thật, tôi cũng đang nghĩ thế.” Câu thoại sau khi cuộc mây mưa kết thúc: “Những gì tôi đã mất bảy năm trước, nay đã lấy lại được. Cảm ơn cậu!”, giống như một lời thách đố tới những người xem-phim-mà- chưa-đọc-truyện. Bảy năm trước có điều gì đã xảy ra?

Lý giải cho câu hỏi này, phải biết về quá khứ của Reiko. Không phải vô cớ mà Reiko là bệnh nhân ở trung tâm điều trị trên núi suốt 7 năm trời. Có thể hiểu rằng ở đây, vì độ dài của bộ phim không cho phép mà đạo diễn đã quyết định cắt đi toàn bộ câu chuyện liên quan tới quá khứ của chị. Nhưng vô tình chính sự thiếu hụt chi tiết đó đã đẩy khán giả vào thế không thể không hiểu sai về nhân vật này. Reiko, vốn là một nghệ sĩ dương cầm, đã từng có một gia đình yên ấm với người chồng và một đứa con ngoan. Nhưng rồi một lần, đứa bé gái học đàn tại nhà chị - vốn là người đồng tính luyến ái - đã giở trò đồi bại với cô giáo của mình, rồi sau đó vì bị cự tuyệt mà đặt chuyện gièm pha, bôi xấu thanh danh cô. Từ đó, Reiko mắc lại chứng bệnh động kinh tưởng chừng như đã khỏi, và cuối cùng quyết định chuyển lên núi sống, ly thân với chồng con.

Chi tiết ngủ với Watanabe không đơn giản chỉ là một “câu chuyện sex” mua vui cho người đọc hay khán giả. Trước đó, chị đã tâm sự với Watanabe về câu chuyện đời mình và nói rằng: “Con người tôi chấm hết rồi. Tất cả những gì cậu đang thấy đây chỉ là lưu dấu của tôi ngày xưa. Cái phần quan trọng nhất của tôi, thường vẫn ở trong tôi, chết đã nhiều năm rồi, và tôi chỉ còn hoạt động theo chỉ đạo tự động của ký ức mà thôi”.

Cái con người “chỉ hoạt động theo chỉ đạo tự động của ký ức mà thôi” ấy đã một lần nữa bùng lên khao khát được quan hệ với người khác giới, được yêu thương, và do đó bắt đầu hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn sau khi chị quyết định rời bỏ trung tâm điều trị để đến sinh sống và kiếm việc làm ở một nơi xa khác. Và ở một khía cạnh khác cũng có thể hiểu rằng, khi nỗi đau mất Naoko đã khiến cho cả hai con người đó trở nên tê dại, thì sự gần gũi về thân xác là cách duy nhất để chia sẻ đến tận cùng sự mất mát. Vậy mà đáng tiếc thay khi chuyển thể thành phim, đạo diễn đã để đánh mất toàn bộ vẻ đẹp trong tình tiết này. Sự run rẩy của Reiko khi nhìn mình trong tấm gương nhà tắm, cách chị chậm rãi đi tắt từng bóng đèn quanh nhà do đó trở thành những hành động vô nghĩa.

Và đôi điều đáng buồn về khán giả

Bộ phim kết thúc. Màn hình đen với dòng chữ đầu tiên giới thiệu tên người đạo diễn: Trần Anh Hùng. Tôi đã mong chờ khán giả xung quanh sẽ ngồi nán lại cho tới tận giây phút này, và dành một tràng vỗ tay tán thưởng cho ông. Tiếc thay, chẳng có ai làm vậy. Một điều đáng buồn (cười) nữa, là ngay giữa bộ phim có rất nhiều khán giả trẻ lục tục bỏ về. Có lẽ những tít báo giật gân như kiểu “Rừng Na Uy - nghệ thuật hay phim sex”, hay cái bảng thông báo “Cấm khán giả dưới 16 tuổi” đã khiến nhiều người bị “ảo tưởng”, bỏ ra vài chục đến vài trăm ngàn đến rạp với mục đích để xem một bộ phim cấp 3?!

Minh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm