Nhạc thiếu nhi đang già trước tuổi?

01/06/2009 06:14 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Thiếu nhi hát nhạc thiếu nhi là chuyện bình thường. Nhưng thiếu nhi hát nhạc người lớn (kể cả những bản tình ca ướt át, bi lụy) thật đáng tiếc và đáng trách, cũng không phải là chuyện... bất thường. Phải chăng “thiếu nhi bây giờ toàn thích nghe nhạc người lớn, yêu đương, không như thiếu nhi ngày trước”?

Cũng sexy, cũng não tình như ai


Ngày nay không dễ gì bắt gặp được vẻ trong trẻo, thơ ngây của “những búp măng non” khi xem các chương trình nhạc thiếu nhi trên băng đĩa, thậm chí cả ở một số chương trình ca nhạc thiếu nhi trên truyền hình.

Chương trình Đồ Rê Mí
Có thể thấy rõ sự “già dặn” của những “búp măng non” ở chương trình Đồ Rê Mí (VTV3), cuộc thi có format không khác mấy so với các cuộc thi phát hiện ngôi sao ca nhạc mà VTV, HTV đang tổ chức như Sao mai - Điểm hẹn, Vietnam Idol. Các thí sinh nhí tham gia chương trình Đồ Rê Mí cũng được ban tổ chức “o bế” như với những ngôi sao chuyên nghiệp, từ trang phục, bài hát lẫn phong cách trình diễn, cũng học hành bài bản, tập luyện thanh và vũ đạo chuyên nghiệp. Trong nhiều tiết mục các em được cho ăn mặc như người lớn, cũng quần jeans, áo hai dây và đi giày thời trang, nhảy nhót điệu nghệ, thậm chí cũng động tác... sexy, khêu gợi y như các cô ca sĩ biểu diễn nhạc “dance”.

“Trong một tiết mục của chương trình, một bé gái đã bắt chước khá giỏi vai thị Mầu lẳng lơ với chú tiểu nhưng chắc chắn cháu bé không thể hiểu được khát vọng về hạnh phúc của người phụ nữ này” - nhạc sĩ Phạm Tuyên từng nhận xét về chương trình được cho là thu hút thiếu nhi nhất hiện nay.

Cũng trong chương trình này năm 2008 có một phần thi của một bé gái, xuất hiện với trang phục theo phong cách hip hop: quần thụng, mũ lưỡi trai đội lệch, tai lủng lẳng đôi vòng tai to đùng. Cô bé trình bày bài hát Rì rà rì rầm theo thể loại hip hop - một loại nhạc không dành cho thiếu nhi và phụ họa cho cô bé là “vũ đoàn” nhí nhảy hip hop.

Thời nay trẻ con hát nhạc người lớn rất nhiều. Đơn giản là vì các em “được” nghe nhạc người lớn nhiều hơn (trên sóng truyền hình, sóng phát thanh, ở tụ điểm và từ các quán cà phê...) là nhạc dành cho lứa tuổi của mình. Thậm chí, cho trẻ con hát nhạc người lớn còn được xem là “phát kiến” gây chú ý của các bầu sô và những người làm băng đĩa. Một dạo, làng ca nhạc thiếu nhi xuất hiện những “ngôi sao kinh dị” như trường hợp bé Châu (theo như quảng cáo chỉ mới 5 tuổi) biểu diễn Trả nợ tình xa, Hãy cho tôi, Lời tỏ tình dễ thương... cùng những vũ điệu uốn éo, thậm chí... kích dục. Đĩa (lậu) “bé Châu” bán khá chạy, nhiều bậc phụ huynh mua về cho... cả nhà cùng xem. Sau “bé Châu”, thị trường băng đĩa lậu còn “phát sốt” về một “bé” nữa cũng chuyên nhạc não tình, là “bé Lon Ton”. Theo lời đồn của giới làm băng đĩa, album “bé Lon Ton” phát hành tới... 300.000 bản (tất nhiên là đĩa lậu) - một con số “kinh hoàng” mà không một ngôi sao thị trường người lớn nào có thể mơ tới!

Thời oanh liệt nay còn đâu?

Ở thời hoàng kim của thị trường băng đĩa nhạc thiếu nhi, gắn với một “hiện tượng” của làng nhạc thiếu nhi, đó là trường hợp bé Xuân Mai. Hai tuổi đã ra album riêng, năm tuổi đã làm liveshow lớn tại Nhà hát Hòa Bình..., và khi còn ở tuổi thiếu nhi đã có “gia tài” hàng chục CD, VCD, DVD ca nhạc, hầu hết đều rất ăn khách. Cho tới nay, dù “bé Xuân Mai” đã bắt đầu thành thiếu nữ, đã ra album tuổi teen, nhưng trên thị trường băng đĩa nhạc thiếu nhi, chương trình Con cò bé bé của “bé Xuân Mai” vẫn còn bán, bên cạnh Mèo con dễ thương cũng của Xuân Mai, Mãi mãi trẻ thơ của Lam Anh, Chú hề dễ thương của Khánh Linh. Riêng trường hợp bé Xuân Mai, ngoài khả năng ca hát và diễn xuất đặc biệt , nếu không có sự đầu tư rất mạnh của gia đình “bé”, vốn cũng là người trong giới (bố là ca sĩ Tuấn Cảnh, mẹ là nhạc công guitar Thu Thu) thì cũng khó có thể thành “hiện tượng”. Một vài “ngôi sao nhí” khác được phát hiện từ các nhà văn hóa, cũng từng được kỳ vọng sẽ là những “Xuân Mai kế tiếp”, cũng ra album và là “ngôi sao” trong cả live show lớn. Thế nhưng thiếu sự hậu thuẫn mạnh của gia đình (hoặc không đủ khả năng hoặc không muốn đầu tư cho con vào lĩnh vực biểu diễn), các “ngôi sao nhí” này nhanh chóng “lụi tàn”.


Bé Xuân Mai từng là một hiện tượng của ca nhạc

Đầu tư cho một “ngôi sao nhí” không chỉ tốn kém mà còn dễ mạo hiểm. Ngay cả với Xuân Mai, khi đang còn “hot”, gia đình bé đã quyết định ngưng biểu diễn hoàn toàn để Xuân Mai tập trung học tập. Trong khi đó, kinh phí sản xuất một chương trình thiếu nhi có chất lượng phải tốn từ 200 triệu đồng trở lên, nhưng giá bán lại khá mềm so với album khác (VCD: 12.000 đồng, DVD: từ 15.000 - 25.000 đồng), giờ đây nếu làm một chương trình ca nhạc thiếu nhi không có tài trợ thì nắm chắc phần lỗ trong tay. Vì vậy, chẳng hãng băng đĩa nào còn thiết tha đầu tư cho lĩnh vực này. Những đơn vị từng đi đầu trong lĩnh vực này là Bến Thành Audio, Phương Nam phim, Trùng Dương, Tùng Studio... và Trung tâm Dịch vụ truyền hình, giờ một số hãng đã bỏ hẳn mảng ca nhạc thiếu nhi, một số khác một năm chỉ cho ra đời được hai đến ba chương trình. Một số nhà sản xuất đang tập trung vào thị trường “béo bở” là nhạc tuổi teen, thay vì nhạc thiếu nhi.

Khi những ca khúc thiếu nhi đã quá… “già”

Một trong những lý do khiến thị trường ca nhạc thiếu nhi thu hẹp lại là nguồn bài hát ngày một “hẻo”. Có lẽ ai cũng nhận ra thấy các bài hát dành cho thiếu nhi đã “già” lắm rồi. Những bài hát vẫn được thiếu nhi bây giờ hát như Em mơ gặp Bác Hồ, Chim vành khuyên, Hạt gạo làng ta, Bông hoa mừng cô, Em đi bơi thuyền trong thảo cầm viên, Trái đất này là của chúng mình, Chim sơn ca,... những bài thuộc top hay nhất của lớp ca khúc này ít thì cũng hai, ba chục tuổi, nhiều thì khoảng bốn, năm chục tuổi.

Đây là hệ quả khó tránh khỏi khi số nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi vốn đã hiếm, nay lại ngày càng thưa vắng dần. Những tác giả cao tuổi, đã thành danh, hoặc đã trải nghiệm đều đã đuối sức, viết không thường xuyên, thậm chí buông bút từ lâu. Các nhạc sĩ trẻ thì lại không mấy hào hứng với khu vực này bởi xưa nay sáng tác nhạc cho thiếu nhi cũng đồng nghĩa với việc “không có nhuận bút” hoặc “có mà cũng như không”, vì chúng chẳng đáng là bao, không bõ công đến lấy!

Lâu rồi chúng ta chưa có một cuộc vận động sáng tác viết cho thiếu nhi một cách đúng nghĩa. Còn nhớ cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi rầm rộ nhất cũng đã cách đây khoảng 30 năm với tác phẩm đoạt giải nhất thuộc về ca khúc Trái đất này là của chúng mình của nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Cứ với đà “phát triển” của lực lượng sáng tác ca khúc thiếu nhi như hiện nay, khó lòng mong chờ gì vào việc phá vỡ cục diện “thiếu nhi bây giờ toàn thích nghe nhạc người lớn, yêu đương, không như thiếu nhi ngày trước” - lời của một vị đại diện cho Bến Thành Audio đã nói, trong một tương lai gần. Khi chúng ta không có đủ số lượng các ca khúc hay dành cho lứa tuổi này, đủ sức trở thành những ca khúc nằm lòng của các em, thì câu chuyện “thiếu nhi thích nghe và hát nhạc người lớn” cũng... không có gì là bất thường. Bởi các em còn có sự lựa chọn nào khác đâu?

Việt Tú



 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm