19/10/2012 14:01 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - "Ru con mẹ ru con tiếng ru cả cuộc đời / Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời…". Ca khúc "Đất nước lời ru" đã được bắt đầu bằng những ca từ đằm thắm, ân tình mà đậm bản sắc dân tộc như thế.
Dân tộc ta lớn lên từ những lời ru của bà, của mẹ - Tác giả "Đất nước lời ru" tâm sự nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10.
"Ngàn lời ru trong bão giông…"
* Từ cảm hứng nào ông viết “Đất nước lời ru”?
- Tôi trong quân ngũ mấy chục năm, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Vì ngược xuôi ở nhiều mặt trận, nên tôi gặp nhiều người phụ nữ mất cha, mất chồng, mất em. Họ cũng là những người phải chịu hi sinh rất nhiều trong cuộc chiến. Họ chỉ mong muốn được nhìn thấy những người trai trong gia đình mình chiến thắng trở về, đem lại hòa bình cho quê hương. Tất cả những ước vọng này đều được gửi gắm trong lời ru sớm chiều. Cảm hứng về Đất nước lời ru của tôi bắt nguồn từ đó.
* Còn bối cảnh sáng tác ca khúc trên, thưa ông?
- Từ cảm hứng trên, tôi viết bài "Đất nước lời ru" năm 1983, khi các chiến sỹ đang đổ máu ngày đêm để bảo vệ bờ cõi.
Chiến tranh giai đoạn này khác với các giai đoạn trước. Giai đoạn trước, chiến tranh diễn ra đồng loạt trên cả nước. Còn giai đoạn này, hậu phương yên bình kiến thiết, còn biên giới chiến tranh khốc liệt. Vì thế, người chiến sỹ lúc này rất cần những động lực để chiến đấu vì sau lưng là ấm êm, trước mặt là quân thù.
Và cũng thời điểm ấy, khát vọng hòa bình là rất lớn, khát vọng hòa bình đó không chỉ là của các chiến sỹ, mà còn là ước vọng của những người mẹ, người chị, người em và của cả dân tộc.
Vì lịch sử đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc nên tôi viết: "Nên bao năm cha hành quân xa, nay thêm bao con cùng đi xa. Một màu xanh như áo cha để mẹ lại ru con trong bao la". "Bao la" ở đây là khát vọng hòa bình. Đất nước này hi sinh quá nhiều nên khát vọng hòa bình luôn sâu thẳm trong tâm thức của mỗi người dân nước Việt.
* Vì sao ông viết "lời ru" với âm điệu... ca trù?
- Tôi tiếp xúc với ca trù từ nhỏ vì gia đình tôi có truyền thống gắn bó với âm nhạc dân gian. Khi về Hà Nội, tôi gặp bà Quách Thị Hồ, những làn điệu ca trù lại trỗi dậy mạnh mẽ trong tôi. Cái gì ngấm vào máu, khi có điều kiện thích hợp, nó sẽ trội dậy tạo sức sống, mạch nguồn cho mình viết lên tác phẩm. Hơn nữa, làn điệu ca trù đậm bản sắc dân tộc lại dễ truyền cảm hứng cho các chiến sỹ nên tôi chọn làn điệu này để viết "Đất nước lời ru".
Khi tôi viết lên ca khúc này, ca trù vẫn bị nhiều người xem thường, nó bị đánh đồng với cô đầu và phi đạo đức. Nên nhiều người đã không chấp nhận ca khúc, họ cho rằng không thể dùng "làn điệu cô đầu" để viết về đất nước.
Hình ảnh “cánh cò bay lả dập dờn” có khuất lấp dần theo những lời ru? |
"Cội nguồn không thể mất"
* Ông nghĩ sao khi nhiều người không khỏi lo ngại trước thực trạng đất nước đang ít dần những lời ru?
- Cuộc sống thay đổi, những người phụ nữ trẻ tiếp thu nhiều nếp văn hóa mới, người ta hướng ngoại nhiều hơn hướng nội. Song đến một độ nào đó, họ sẽ quay về hướng nội. Và tôi vẫn tin, lời ru sẽ trở lại. Xã hội càng phát triển người ta sẽ càng muốn tìm về bản sắc. Như hiện giờ ta bắt đầu thích ăn cơm niêu, rau muống chấm tương và về những miền quê yên ả...
* Nhưng người ta ví, dân tộc ta lớn lên từ những tiếng ru của bà, của mẹ, vậy theo ông, những thế hệ thiếu lời ru sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
- Văn hóa ngoại đang len lỏi vào từng ngõ ngách. Chưa kể những chương trình truyền hình của người Việt lại đang cổ xúy, ăn theo văn hóa ngoại lai. Nên ngay từ bé, các cháu cũng đã tiếp xúc với rất nhiều kênh thông tin, trong môi trường thông tin đa chiều ấy, nếu không giáo dục về văn hóa truyền thống, đương nhiên các cháu sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Thế hệ trẻ lớn lên tại thành phố không có lời ru sẽ chịu ảnh hưởng nhiều. Tôi thấy hệ thống giáo dục và truyền thông có trách nhiệm trong đó. Nếu như không được mẹ, được bà hát ru, thì các cháu phải được dạy từ nhỏ những bài ca dao, những khúc hát về quê hương đất nước.
* Nhưng ông có nghĩ sự trở lại của lời ru là…"xa xỉ"?
- Tôi đi qua nhiều vùng miền, tiếp xúc với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có những điệu hát ru riêng. Tôi đã nghe vùng hát ru Bắc Bộ, vùng hát ru miền Trung, vùng hát ru Nam Bộ… Song nơi nào, dân tộc nào, vẫn ngân chung lời ru về quê hương, đất nước, về gia đình. Ở những vùng nông thôn, tôi vẫn gặp những tiếng "ầu ơ". Điều ấy cho thấy, trong sâu thẳm tâm hồn con người Việt Nam, trong tâm trí của những người bà, người mẹ, lời ru không thể mất.
* Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ!
Phạm Mỹ (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất