Người "độc thân vui vẻ" còn sót lại

30/08/2009 10:53 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH) - Tối 28/8, bộ phim Những người độc thân vui vẻ (NNĐTVV) - Trung tâm Sản xuất phim truyền hình- VFC sản xuất khép lại ở tập 170 với câu chuyện “đẻ mướn” ít nhiều gây xúc động.

Bắt đầu lên sóng “giờ vàng” trên VTV3 từ ngày 7/2/2008, mặc dù được mua bản quyền từ bộ phim truyền hình ăn khách của Trung Quốc: Khu nhà mới trong nắng, nhưng khi “Việt hóa” thì sức hấp dẫn của bộ phim đã giảm đi rất nhiều, đến chính người sản xuất cũng thừa nhận “dự án không thành công”...

Người bám trụ lại với phim

Đó chính là cô Thục Trinh do NSƯT Minh Hằng thủ vai. Là một trong 5 diễn viên chính nằm trong danh sách “độc thân vui vẻ”, chị đã “bám trụ” suốt 170 tập phim, mặc cho đa số “người độc thân” đã chia tay bộ phim sớm hơn so với kế hoạch 300 tập phim theo hợp đồng đã ký. Có người, trước lúc vào vai hồ hởi bao nhiêu thì sau khi phim phát sóng một số tập không được khán giả đón nhận, đã quay ra phủ nhận bộ phim một cách khá nặng nề, thậm chí còn... kết tội phim làm “tên tuổi nghệ sĩ đi xuống”.

“Tên tuổi được gây dựng qua bao nhiêu năm và nhiều vai diễn chứ không phải vì một bộ phim không hay mà tên tuổi nghệ sĩ đi xuống. Làm phim là công việc của cả một tập thể, một phim hay hay dở thì mỗi người đều phải có trách nhiệm với đoàn phim” - chị quả quyết.


Trong “bộ” 5 diễn viên chính, chỉ còn NSƯT Minh Hằng và NSƯT Chí Trung
“theo” đến tập cuối

Theo chị, kịch bản không hay và làm tiếp phim vẫn không hấp dẫn thì nên dừng dự án, nhưng chị cho rằng, làm phim sitcom ở VN vẫn còn mới mẻ và “người đi đầu bao giờ cũng vất vả và thiệt thòi”. Cũng trái ngược với nhận định của một đạo diễn ở VFC, rằng phim về sau càng chuyển hướng, càng lúng túng thì chị cho rằng, “chuyển hướng thì không còn màu sắc sitcom nữa nhưng tôi thấy phần phim chuyển hướng còn nhiều cái để xem hơn”.

Nhìn lại một chặng đường dài đeo đuổi dự án “dài hơi” này, NSƯT Minh Hằng nhận định, khâu tổ chức sản xuất còn không ít bất cập. “Trước hết là việc chọn diễn viên. Diễn viên là người thổi hồn vào vai diễn. Nhân vật trong kịch bản mới chỉ là bộ xương, diễn viên đắp da thịt và làm cho nhân vật ra dáng vóc, tính cách... Nhưng nhìn chung, đội ngũ diễn viên phim này còn “nhom nhem”. Có diễn viên được hình mất tiếng, có diễn viên được tiếng mất hình, có người chẳng có hình, cũng không có tiếng. Nhiều lúc, tôi mệt mỏi vì đóng với diễn viên nghiệp dư. Làm việc với diễn viên không có nghề thì chúng tôi có tung hứng đến mấy họ cũng không “bắt” được. Có người còn không thuộc lời thì làm sao diễn được sitcom. Phim dài tập mà diễn viên vừa thiếu, vừa thừa...”.

Chị cũng cho rằng, việc nhiều đạo diễn đảm nhận các phần khác nhau của bộ phim nên chưa có sự đồng bộ, một vài đạo diễn phân tích tâm lý nhân vật còn sai...

“Chúng ta còn nhiều phim có thể làm hay và hấp dẫn hơn chứ không nhất thiết cứ theo đuổi một dự án sitcom, dù rằng nếu bộ phim này tiếp tục, tôi vẫn theo đuổi”, chị khẳng định.

Chặng đường tiếp theo có… “vui vẻ”?

Quyết định ngừng sản xuất NNĐTVV vào lúc này đã muộn, dẫu sao thì bộ phim đã khép lại cùng những khen chê (mà chê thì nhiều). Điều quan trọng là VFC sẽ tiếp tục triển khai những dự án tiếp theo từ chính những “bài học” từ bộ phim này. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC: “Dự án sitcom này là bước chuyển để VFC làm phim dài hơi, từ những phim 20-30 tập trước đây đến những dự án hàng trăm tập sau này”.

Không riêng bộ phim này, một số phim “xã hội hóa” đang phát ròng rã trên VTV, dù cơ chế hợp tác và thẩm duyệt khá chặt chẽ từ phía “nhà đài” nhưng vẫn không tránh khỏi “vết xe đổ”. Và nhiều dự án khác đang trên trường quay, nếu phát sóng vào “giờ vàng” trên kênh truyền hình quốc gia mà “số phận” cũng tương tự NNĐTVV thì giải quyết ra sao?! Các “nhà đài” cũng cần cương quyết cho dừng lại những dự án trên trăm tập mà khi phát sóng đến phân nửa vẫn không thu hút được khán giả... Điều này đặt gánh nặng lên vai các nhà đầu tư, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của họ trong việc tìm kiếm kịch bản chất lượng, ê-kíp tốt... Muốn vậy, “nhà đài” cần thiết lập hệ thống “đo đếm” thị hiếu khán giả và tiếp nhận thông tin phản hồi từ người xem để điều chỉnh các dự án phim một cách hợp lý, tránh trường hợp phim phát sóng cứ phát, khán giả không xem nhưng “nhà đài” không thừa nhận phim dở. Chặng đường làm phim “dài hơi” tiếp theo có vui vẻ hay không nằm trong tay các “nhà đài” chứ không hoàn toàn theo kiểu “ăn may”...

Hải Đông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm