Nền âm nhạc Hàn Quốc đang “khập khiễng”

04/11/2009 09:48 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Hiện nay, nhiều nhóm hát, ca sĩ của Hàn Quốc đang được giới trẻ châu Á hâm mộ nhờ những nhạc phẩm dễ nhớ và ngoại hình bắt mắt. Tuy nhiên, theo nhà phê bình âm nhạc Lim Jin Mo thì thực tế đó đang tạo nên mối đe dọa cho các nghệ sĩ tài năng thực thụ của xứ kim chi.

Mất cân bằng

Không hề cường điệu chút nào khi nói rằng hiện nay, những bảng xếp hạng nhạc pop Hàn Quốc đang bị các boy band và girl band thống lĩnh. Thành viên của các nhóm hát này đều còn rất trẻ. Xu hướng ấy khiến công chúng ngày càng khó được xem các chương trình chú trọng đến giọng hát của những nghệ sĩ trung niên trên màn ảnh nhỏ, đặc biệt là trong “giờ vàng”.


Wonder Girls (ảnh trên), TVXQ (ảnh dưới, trái) và Rain

Là một trong những nhà phê bình âm nhạc có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc, Lim Jin Mo cho rằng sự mất cân bằng đó trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ làm suy yếu sức cạnh tranh quốc tế của Kpop và hủy hoại sự phát triển nơi các tài năng âm nhạc trẻ. “Nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đang cực kỳ mất cân bằng. Các nhà sản xuất, khách hàng và phương tiện thông tin đại chúng đều phải chịu trách nhiệm đối với hiện thực đó. Các nhà sản xuất chỉ chăm chăm làm những sản phẩm âm nhạc dễ kiếm tiền và khách hàng thì cổ súy cho xu hướng đó. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng vậy”, Lim nói với tờ Korea Times.

Ông cho rằng việc đưa nền âm nhạc Hàn Quốc trở lại cân bằng là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các nhà phê bình ở nước này. “Thị hiếu âm nhạc của công chúng thời nay rất đơn giản. Họ không còn tìm kiếm những thông điệp nghiêm túc hay ý nghĩa của các ca khúc như thời những thập niên 1980, 1990. Tôi tin rằng kiểu nghe nhạc hiện nay sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới”, Lim nhận định.

Nhà phê bình 50 tuổi này còn chỉ trích các phương tiện thông tin đại chúng không khách quan trong vấn đề trên: “Đáng lẽ các phương tiện thông tin đại chúng phải đứng ở giữa và tạo ra sự cân bằng. Nhưng họ không làm được điều đó mà ngược lại còn khiến cách nghe nhạc của công chúng bị lệch lạc”. Ông Lim mô tả âm nhạc như “bầu không khí xã hội” để qua đó giúp mọi người chia sẻ tình cảm và tâm tư với nhau. “Nhưng giờ đây nó chỉ đơn thuần là một phương tiện để kiếm tiền”.

“Làn sóng Hàn Quốc”: Con dao hai lưỡi

Các sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc, đặc biệt là âm nhạc và phim ảnh, đang gây được tiếng vang lớn ở nước ngoài. Tận dụng sự nổi lên của “Làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu), một số ngôi sao K-pop như Rain, BoA hay nhóm hát nữ Wonder Girls thậm chí đã thâm nhập thị trường Mỹ.

Nhiều người nhìn nhận Hallyu là một thành công lớn, coi đây như phương tiện quảng bá văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài. Nhưng theo Lim, “làn sóng này vẫn chưa giới thiệu được các gương mặt tài năng của nền văn hóa Hàn Quốc”.

Để thâm nhập thị trường Mỹ, Rain và BoA đã trang bị cho mình khả năng nói tiếng Anh trôi chảy cùng nhiều ca khúc tiếng Anh. “Nhưng sẽ hoàn thiện hơn nếu họ trình diễn các ca khúc tiếng Hàn và mang âm hưởng đặc trưng của nước mình”, Lim nói.

Ông cho rằng “các hãng quản lý mang phong cách liên hiệp” ở Hàn Quốc vô cùng hỗn tạp. Họ đóng vai trò chính trong “hệ thống đào tạo ngôi sao”: chọn lựa những gương mặt trẻ có tiềm năng, đào tạo trong một thời gian và sau đó tung ra thị trường. Các hãng SM Entertainment, JYP và YG Entertainment đã thành công khi tạo nên một số tên tuổi được hâm mộ trong làng K-pop như Rain, Wonder Girls, BoA, Girls’ Generation, TVXQ...

Ông Lim nhận xét: “Hallyu vẫn dựa vào hệ thống đào tạo ngôi sao. Quá trình được hệ thống hóa như vậy đã giúp các hãng Hàn Quốc thiết lập quan hệ làm ăn với những công ty nước ngoài, tuy nhiên chúng ta lại không làm tốt việc giới thiệu các gương mặt tài năng thực thụ ra thế giới”.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm