L’amour C’est Pour Rien- Tình cho không biếu không

26/09/2020 07:13 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc tới tango, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới vùng đất Nam Mỹ nắng gió, những chiếc váy đỏ và ánh mắt đa tình sắc lẹm. Thế nhưng, ở Việt Nam thời kỳ trước, một trong những bản tango được ưa chuộng bậc nhất lại tới từ nước Pháp. Đó là ca khúc L’amour C’est Pour Rien của Enrico Macias.

'Bang Bang' - bài hát phá tan mọi ranh giới về văn hóa

'Bang Bang' - bài hát phá tan mọi ranh giới về văn hóa

Một ca khúc đình đám của một trong những nữ nghệ sĩ nổi bật, đứng top đầu các BXH trên khắp thế giới, bán được tới hơn 3 triệu bản;thế nhưng, lại thường xuyên bị nhầm “nhân dạng”. Vô số người tưởng nó là của người này người kia hát, thậm chí, là gốc tiếng Italy, tiếng Pháp. Đó là thực tế về Bang Bang (My Baby Shot Me Down) của Cher.

Sự hấp dẫn của L’amour C’est Pour Rien có lẽ nằm ở chính sự giao hòa hoàn hảo của nó: Giai điệu nóng bỏng của Nam Mỹ, ca từ lãng mạn của Pháp và nền tảng của một tác giả gốc Do Thái chuyên về nhạc cổ điển.

Ngôi sao sau một đêm

Enrico Macias tên thật là Gaston Ghrenassia, sinh năm 1938 trong một gia đình Do Thái ở Constantine, Algeria - thời kỳ nước này vẫn đang là thuộc địa của Pháp. Cha ông, Sylvain Ghrenassian là nghệ sĩ vĩ cầm trong dàn nhạc, chủ yếu chơi nhạc malouf, Andalo - Ả Rập. Bản thân Gaston bắt đầu chơi cho dàn nhạc Cheikh Raymond Leyris từ năm 15 tuổi.

Ông theo đuổi sự nghiệp làm giáo viên ở trường nhưng vẫn tiếp tục luyện tập guitar. Năm 1961, cuộc chiến giành độc lập của Algeria lên cao trào, tình hình trở nên vô cùng cấp bách với người Do Thái và châu Âu ở Constantine. Nó ảnh hưởng lớn tới Macias vì dẫn tới vụ ám sát bố vợ ông, nhạc sĩ Cheikh Raymond Leyrris. Macias phải rời Algeria cùng vợ, Suzy, vào năm 1961, và sống lưu vong tại Pháp cho tới giờ.

Ít lâu sau khi tới Pháp, Macias lên Paris để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Ông nỗ lực dịch các bản malouf mình biết sang tiếng Pháp. Sau đó, ông dàn dựng một số tiết mục kiểu Pháp mới để biểu diễn tại các phòng trà, tiệm rượu. Tuy nhiên, về cơ bản, ông vẫn là cầu nối giữa âm nhạc Ả Rập - Andalusia, các ca khúc Do Thái - Ả Rập với nước Pháp.

Chú thích ảnh
Bìa bản nhạc “Tình cho không” - lời Việt bài “L’amour C’est Pour Rien” của Phạm Duy

Năm 1962, ông gặp Raymond Bernard của hãng Pathe. Kết quả là sự ra đời của nghệ danh Enrico Macias và bản thu âm đầu tiên Adieu Mon Pays (Vĩnh biệt quê hương) như một sự tưởng nhớ tới Algeria thân yêu. Ông xuất hiện trên truyền hình Pháp và trở thành ngôi sao sau một đêm ở tuổi 24. Điều này dẫn tới chuyến lưu diễn đầu tiên vào năm 1963 với tư cách nghệ sĩ mở màn của Paola và Billy Bridge.

Mùa Xuân năm 1964, ông mở màn cho nhóm nhạc hát Les Compagnons de la Chanson tại Paris Olympia và sau đó thực hiện chuyến lưu diễn thành công rực rỡ tại Trung Đông, Israel, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - nơi nhiều bài hát của ông đã được các nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ dịch lại. Chính trong giai đoạn đầu thăng hoa của sự nghiệp -sẽ phát triển rất rộng về nhiều mặt sau này - ông đã sáng tác L’amour C’est Pour Rien vào năm 1964, một ca khúc mang âm hưởng tango, vốn không phải sở trường của ông.

Phút ngẫu hứng

Tango là một điệu nhảy đôi, ra đời từ những năm 1880 tại Rio de la Plata, biên giới tự nhiên giữa Argentina và Uruguay. Nó được sinh ra giữa khu vực cảng nghèo khó, nơi chủ yếu là con cháu người châu Phi. Ban đầu, tango chỉ là hoạt động giải trí trong những buổi tụ tập của nô lệ. Chính quyền thực dân từng có văn bản nỗ lực cấm những buổi tụ tập như vậy. Sau đó, tango thường xuất hiện tại những nhà chứa, quán rượu - nơi chủ thuê các ban nhạc về giải trí cho khách quen. Trong một thời gian dài, tango bị coi là cực kỳ gợi dục, không thích hợp để biểu diễn trước công chúng.

Chú thích ảnh
Enrico Macias - tác giả của “L’amour C’est Pour Rien”

Đầu thế kỷ 20, các vũ công và dàn nhạc ở thủ đô Buenos Aires của Argentina đã đến châu Âu, làm nên cơn sốt (nhiều khi là sốc) tango ở Paris, và ngay sau đó là London, Berlin và nhiều thủ đô khác. Nhưng tại nơi rất cởi mở này, tango cũng bị kìm nén một thời gian. Năm 1913, những giáo viên dạy nhảy tango tại Paris đã bị trục xuất khỏi thành phố. Nhưng dần dần, nó ăn sâu vào văn hóa, xuất hiện ở mọi nơi. Sự kết hợp của nhiều nền văn hóa - châu Phi, Mỹ bản địa, châu Âu - tạo nên sự mới mẻ và khác thường ở tango.

Trong lịch sử hình thành và phát triển, tango khi hưng khi thịnh. Những năm 1950 và đầu thập niên 1960 bị coi là thời kỳ bất hạnh của tango khi nó đi xuống do suy thoái kinh tế và lệnh cấm tụ tập của chế độ độc tài.

Vậy điều gì khiến cho Macias quyết định viết một bản tango - dù sở trường của ông là bolero - giữa thời kỳ đen tối này?

Khi viết L’amour C’est Pour Rien, Macias mới 26 tuổi. Nhưng, như đã nói ở trên, ông tuy mới xuất hiện trong làng nhạc nhưng đã mau chóng thành ngôi sao. Chỉ 2 năm sau khi ra mắt, ông đã ghi dấu ấn doanh số kỷ lục nhờ nhiều ca khúc ăn khách. Không những thế, ông còn được giới phê bình đánh giá cao, thể hiện qua nhiều giải thưởng. Trong số này, có một giải khiến Macias vô cùng bất ngờ là giải sáng tác cao quý Vincent Scotto của Hiệp hội các tác giả âm nhạc Pháp.

Chú thích ảnh
Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc, Enrico Macias được nhớ tới không chỉ bởi nhiều giai điệu bất hủ mà còn bởi những hoạt động tích cực vì hòa bình, tình yêu

Ngỡ ngàng trước sự ưu ái mà số phận dành cho mình, Macias liền ngẫu hứng, trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, sáng tác nên một điệu tango để tôn vinh Vincent Scotto - một người vốn nổi tiếng với những bản tango.

Phần lời của ca khúc do Pascal Rene Blanc đảm nhiệm. Phải nói, Blanc đã góp phần không nhỏ cho thành công của L’amour C’est Pour Rien với ca từ tràn trề tình yêu và triết lý đúng chất Pháp với những câu: “Tình yêu là để cho không/ Em không thể đem bán/ Em không thể tìm mua/ Nhưng em có thể cho đi…”.

Tới nay, L’amour C’est Pour Rien đã ra đời được hơn nửa thế kỷ. Đã nhiều dòng nhạc mới nổi lên và chính bản thân tango cũng có nhiều biến chuyển, thế nhưng, những giai điệu “kinh điển” như L’amour C’est Pour Rien luôn vượt qua được những thử thách của thời gian.

“L’amour C’est Pour Rien” ở Việt Nam

L’amour C’est Pour Rien tuy không nằm trong số những ca khúc đình đám nhất của Macias nhưng rất nổi tiếng ở Việt Nam qua bản lời ViệtTình cho không của nhạc sĩ Phạm Duy, đặt lời đầu thập niên 1970. Nhiều ca sĩ Việt Nam đã thể hiện bản lời Việt này, theo nhiều phong cách khác nhau, như Elvis Phương, Thanh Lan, Hoàng Thanh Tâm, Như Loan, Lưu Ánh Loan, Kỳ Duyên, Khánh Phương, Tú Quyên…

Khác với nhiều ca khúc dịch rất trung thành với bản nước ngoài, Tình cho không của Phạm Duy được dịch rất bay bổng, phóng tay, giàu tính thơ và gần gũi với người Việt như: “Tình là bãi khô cần mưa/ Diều chờ gió cong ngoài trời/ Đêm khuya mong sáng yên vui”. Tuy nhiên, quan điểm cốt lõi về tình yêu vô giá vẫn được giữ nguyên vẹn.

Bản thân Macias ngoài đời cũng là một minh chứng sống cho ca khúc. Ông là nghệ sĩ đầu tiên được bổ nhiệm làm Đại sứ vì hòa bình, là một người luôn làm việc vì tình yêu với đồng loại dù trong lòng nhiều nỗi niềm đau đớn. Ông đã lấy Suzy, người yêu từ thời thơ ấu, và sống trọn tình yêu cả khi bà đã qua đời vào năm 2008.

“Tôi đã mất đi hương vị của cuộc sống. Tôi chỉ đi bằng một chân. Tôi không thể ngủ được. Tôi không ra ngoài, không ăn và dành cả ngày nằm dài nhìn chằm chằm vào chiếc ti vi…” - Macias nhớ lại khoảng thời gian sau cái chết của người thương. Nhưng sau đó, ông đã sống lại nhờ âm nhạc, qua việc chơi những ca khúc mà Suzy từng rất yêu thích.

(Còn tiếp)

Thư Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm