Khai phá thị trường đĩa than Việt Nam: Cuộc chơi mạo hiểm?

18/09/2013 07:01 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch HĐQT công ty Bạn yêu nhạc MFC, nguyên biên tập viên âm nhạc của Trung tâm băng nhạc Trẻ thời hoàng kim những năm 1990, Nguyễn Thanh Thủy vừa thành lập công ty Giao hưởng Xanh chuyên sản xuất đĩa than. Khi mà thị trường đĩa than nhạc Việt vẫn còn khá mới mẻ và chưa ổn định liệu Giao hưởng Xanh có là một cuộc chơi mạo hiểm?

Giữa tháng 9 này, “mẻ” đầu tiên trình làng của Hãng phim Trẻ và Giao hưởng Xanh sẽ là 3 đĩa nhạc: Lê Dung - Mùa Thu không trở lại, Hồng Vy - Vinh quang Việt Nam Hà Nội mùa vắng những cơn mưa. Đĩa Lê Dung từng là một sản phẩm đầy tự hào của Trung tâm Băng nhạc Trẻ vào năm 1997, được xem như album trữ tình hay nhất của giọng ca này. Đĩa Hồng Vy là một thành công về chất lượng âm nhạc lẫn ghi âm (cùng dàn nhạc giao hưởng), còn đĩa Hà Nội mùa vắng những cơn mưa là một trong những đĩa từng mang về doanh thu lớn nhất cho trung tâm (bán được vài trăm nghìn bản).

TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thanh Thủy về dự án này.


Bà Nguyễn Thanh Thủy

* Nguyên nhân gì khiến chị quyết định sẽ đầu tư vào một dòng sản phẩm mới, kén khách này ở Việt Nam giữa lúc thị trường băng đĩa hầu như tê liệt này?

- Thật ra tôi chưa nhìn thấy nhiều tiềm năng ở lĩnh vực này. Tôi mạo hiểm, và tôi làm điều mà tôi cảm thấy đáng để làm. Động cơ thúc đẩy hoàn toàn “riêng tư”, là một người làm nghề cũng đã lâu, từng sống trong thời đẹp nhất của nhạc Việt những năm 1990, tôi nghĩ rằng: nếu những sản phẩm âm nhạc này được trở lại với hình thức đĩa than thì đó là một cách để giữ gìn tinh hoa và cũng gợi lại sự hoài niệm cho nhiều người. Nếu ai đã từng “mê” những chương trình Tình khúc vượt thời gian, Văn Cao, Dương Thiệu Tước…, những ca khúc về Hà Nội, tiếng hát lộng lẫy một thời của những Lê Dung, Ngọc Tân… ngày trước hay những Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Mỹ Linh… hôm nay, thì tôi nghĩ sẽ cũng yêu mến tiếp những sản phẩm đĩa than này.

Trong vòng xoáy đảo điên của cái gọi là show biz hiện tại, vẫn có không ít người nghe nhạc thuộc nhiều lứa tuổi (kể cả giới trẻ) chững chạc, tử tế, khao khát có được những sản phẩm xứng đáng với tình yêu và nền tảng văn hóa của họ, nhất là nhạc Việt. Chúng tôi hướng về họ và làm với tất cả sự trân trọng và chăm chút của mình. Đó chính là lý do tôi mạo hiểm.

Trước mắt, với kho tàng âm nhạc giá trị của Hãng phim Trẻ, chúng tôi quyết định tái khai thác những chương trình hay nhất, có khả năng được người yêu nhạc của nhiều thế hệ đón nhận nhất để sản xuất đĩa than.

* Liệu phát hành đĩa than có nên xem là một lối thoát mới cho MFC hay các hãng băng đĩa khác?

- Tôi không dám nghĩ đây là lối thoát, vì công chúng của đĩa than hiện nay còn ít, khó tính, không đại trà, người thưởng thức đĩa than cần có khả năng tài chính để mua thiết bị hi-end… Thị trường CD dù xuống đáy nhưng vẫn rất cần thiết vì tính tiện dụng của nó về mọi mặt so với đĩa than. Theo tôi, CD và nhac số digital vẫn là một giá trị không  thể thiếu trong công nghiệp giải trí hiện đại. Sản xuất đĩa than là làm phong phú thêm thị trường, có thêm phân khúc mới, trở về với analog, khuyến khích mọi người tiếp cận với hi-end… mà thôi.

* Chị đã nghiên cứu kỹ về đĩa than chưa khi bắt đầu xắn tay vào thị trường này?

- Tôi không phải là người “sành điệu” về đĩa than, phải nói thật như vậy. Nhưng tôi yêu nó, tôi yêu những sản phẩm âm nhạc tinh tế, hơi cầu kỳ một chút, có thể nghe được những âm thanh sâu thẳm hơn, có thể nâng niu, gìn giữ, được thiết kế mỹ thuật đẹp… Tôi nhận ra ở đĩa than là sự “chậm”, nó khiến một người đang chạy nhanh sẽ có lúc được chậm lại để tận hưởng, để thưởng thức. Tôi cũng đã khảo sát thử ở thị trường nước ngoài, khi mà nhịp điệu cuộc sống càng nhanh,, văn hóa càng cao thì tính truyền thống lại càng được giữ gìn và đĩa than vẫn rất được trân trọng.



* Nhưng cũng phải nói thẳng ra rằng những sản phẩm đĩa than trong lần ra mắt tới đây cũng đều lấy nguồn từ digital, tức là đĩa than không được làm “từ gốc” âm thanh analog?

- Đó chính là sự khác biệt của chúng tôi. Thật ra chỉ khác với những album của Mỹ Linh, Quang Dũng, Nguyễn Ánh 9 đang có mặt trên thị trường vì họ làm những chương trình mới cho đĩa than, còn chúng tôi khai thác những chương trình cũ, trong đó nếu may mắn có những master được lưu giữ trên thiết bị analog thì dễ dàng hơn rất nhiều, hầu hết chúng tôi phải remix lại từ digital, đó cũng là cách thế giới hiện nay vẫn làm cho những album digital chuyển qua đĩa than. Cũng cần phải nói thêm rằng, nếu không có những master của  Hãng phim Trẻ - Trung tâm Băng nhạc Trẻ thì chắc chắn phần lớn những đĩa than này không thể trình làng. Chúng tôi xin mạn phép được gọi dự án của mình là: Sự giao thoa giữa đỉnh cao âm thanh hi-end thập niên 1960 và tinh hoa nhạc Việt thập niên 1990.

Và tất nhiên chúng tôi cũng sẽ thu những album mới. Nếu không có gì thay đổi sắp tới chúng tôi sẽ phát hành 2 album tam tấu và tứ tấu được thu mới hoàn toàn. Nhưng điều này vẫn còn phải tùy thuộc vào chuyện thị trường đón nhận những sản phẩm của chúng tôi như thế nào. Đơn giản vì chi phí để làm ra một album đĩa than cao hơn nhiều so với làm một album CD. Tôi chỉ hy vọng thị trường sẽ mua đĩa đủ để hòa vốn và làm tiếp.

Đĩa Mùa Thu không trở lại của Lê Dung

* Vậy đây là một cuộc chơi ngắn hay dài?

- Tôi xem đây là một cuộc chơi mạo hiểm, quá mạo hiểm. Tiêu biểu nhất là album Vinh quang Việt Nam (Hồng Vy, Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng, đĩa than gồm những bài hát về Bác Hồ và dòng nhạc đỏ truyền thống cách mạng). Tôi đánh giá những nghệ sĩ tham gia album này đã làm ra một sản phẩm âm nhạc tuyệt vời và tôi tiếp sức cho họ bằng sản phẩm mới là đĩa than. Ít nhất chúng tôi cũng đạt được những hoài bão nghệ thuật của mình. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người cùng thưởng thức đĩa này. Đơn vị cùng “chơi” là Hãng phim Trẻ, thương hiệu một thời vàng son. Chúng tôi sẽ không chơi một mình lâu bởi tôi biết sớm muộn cũng sẽ có nhiều người tham gia…

* Tức là chị vẫn nhìn thấy có “cửa” để phát triển thị trường đĩa than ở Việt Nam?

- Có rất nhiều cách. Một là phải sản xuất những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người nghe nhạc sành điệu, cao cấp, đối tượng chính của đĩa than. Song song đó, khuyến khích và hỗ trợ, “đại chúng hóa” cho việc nghe đĩa than không tốn quá nhiều tiền, nhất là trong giới trẻ. Sắp tới, chúng tôi sẽ quảng bá môt dòng máy tích hợp đĩa than và CD, phù hợp cho người mới bắt đầu làm quen với hi-end…

Theo tôi biết, hiện nay nhiều ca sĩ đã nghĩ đến những album đĩa than cho mình. Bây giờ, nếu Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng… mà ra đĩa than, tôi nghĩ sẽ bán rất tốt. Lượng fan hâm mộ của họ sẽ sẵn sàng trang bị thêm thiết bị để nghe và ủng hộ… Ở Mỹ và châu Âu, họ cũng vẫn làm thế, đĩa than của Adele, Christina Aguilera, Direction One, Justin Timberlake… bán chạy không thua CD hay nhạc số.
Đĩa than là một sản phẩm âm nhạc đã được thử thách qua thời gian, đã vượt không gian, đã trở lại với chúng ta  và sẽ trở nên quen thuộc chứ không phải chỉ là “tháp ngà” của một ít người, nhất là đĩa than nhạc Việt Nam. Tôi tin như vậy.

* Cảm ơn chị!
Cung Tuy (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm