'Hope' - cuộc chơi của Tùng Dương

14/06/2022 12:00 GMT+7 | Giải trí

Sáng tạo không ngừng có lẽ là một “thuộc tính đặc hữu” của Tùng Dương. Vì thế, dù đã có chỗ đứng vững vàng trong làng ca hát, Dương vẫn không ngừng cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc khác biệt so với chính mình. Và lần này, nét mới mà Tùng Dương mang đến là ca khúc Hope.

Ca sĩ Tùng Dương: ‘MV Hope mang đến sự tươi sáng sau dịch Covid-19’

Ca sĩ Tùng Dương: ‘MV Hope mang đến sự tươi sáng sau dịch Covid-19’

Tùng Dương tâm sự MV “Hy vọng – Hope” như một lời chia sẻ, an ủi và tôn vinh dành cho những người không may phải qua đời trong đợt dịch Covid-19 nhưng mang đến hy vọng cho người sống “để hồn ta có nơi nương tựa dựa bình minh đón ánh mặt trời”.

Hope mang tên tiếng Việt là Hy vọng, là một sáng tác của nhạc sĩ Lê Vụ Viết Thịnh, được Tùng Dương thực hiện thành một MV mà trong đó anh còn đóng vai trò đồng đạo diễn với Hồng Vỹ.

MV Hope được ra mắt trên kênh YouTube cá nhân của Tùng Dương vào ngày ٨/٦. Cùng ngày, nam nghệ sĩ và ê-kíp có buổi giới thiệu dự án Hope tại TP.HCM. Tính đến 13/6, trải qua 5 ngày, Hope tiếp cận được gần 500 nghìn lượt view, hơn 300 bình luận. Tất nhiên, không thể so bì với những sản phẩm mang tính thị trường được đo đếm bằng lượng view trên nền tảng số, giá trị mà Hope mang đến không chỉ là hy vọng mà còn cả niềm vui.

Đâu chỉ là hy vọng

Trước hết Hope hài hòa nhiều yếu tố như tác giả, nghệ sĩ, dòng nhạc và người nghe. Khi thưởng thức Hope, điều tôi nghĩ tới là bài hát này được sáng tác dành riêng cho Tùng Dương: Gần như toàn bộ giai điệu đều rất phù hợp với giọng hát của anh. Trong khi đó, phần ca từ chứa đựng nhiều thông điệp lớn lao, cũng là một trong những điều người nghe thường thấy qua giọng hát Tùng Dương. Dẫu vậy, hướng phát triển của giai điệu âm nhạc lại không quá sa đà vào việc tạo ra mồi lửa cho giọng ca Tùng Dương bùng cháy, “trưng trổ” những kỹ thuật, thể hiện những dòng cảm xúc như anh đã từng.

Chú thích ảnh
MV “Hope” của Tùng Dương

Có nghĩa, Hope dù tạo nhiều “đất” cho Dương nhưng cũng tiết chế giọng hát của anh. Điều này cho thấy tác giả ca khúc đã dành thời gian tìm hiểu giọng hát và con người âm nhạc Tùng Dương và buộc phải có những tiết chế như vậy đối với năng lượng dồi dào của Tùng Dương, từ đó mới có thể ra đời một bản dreampop.

Tác giả Viết Thịnh chia sẻ với báo giới: “Nhân loại đã trải qua nhiều biến cố. Cho đến nay, hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, thảm họa môi trường, thiên tai… gần nhất là đại dịch Covid-19”. Anh cũng cho rằng: “Mỗi sự kiện xảy ra như thể là kết quả của một quá trình dài chúng ta đã hành xử với nhau, với thiên nhiên và môi trường; như những bài học lớn của tạo hóa dành cho con người, thức tỉnh chúng ta đang ở đâu, đang làm gì và sẽ đi tới đâu”.

Còn với Tùng Dương, anh cảm nhận: “Bài hát này như một hành trình một đời người đi qua những thời khắc tăm tối nhất để rồi tới khoảnh khắc thăng hoa, qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”.

Rõ ràng ở đâu đó trong những suy tư ấy của người đương thời có sự hiện hữu của tư tưởng thẩm mỹ có từ thời âm nhạc cổ điển, cái thời mà người ta cho rằng đó là kỷ nguyên của ánh sáng thắng bóng tối.

Nét riêng và dành cho người trẻ

Hope là một ca khúc mang chất lượng nghệ thuật, có nội dung tư tưởng nhưng đồng thời cũng có chủ đích hướng tới đối tượng khán giả trẻ.

Không khó để nhìn thấy những tín hiệu rằng Hope dành cho tai nghe của thế hệ trẻ đương thời. Phần lớn ca khúc có giai điệu khá dễ nghe, dù có mang những nội dung lớn lao thì tinh thần âm nhạc mà nó toát ra vẫn rất chill.

Một đoạn giai điệu khá bắt tai và có lẽ cũng là câu “key” để Hope được khán giả nhớ, đó là giai điệu khởi đầu đoạn điệp khúc ứng với đoạn ca từ: “Ngày nào đó ánh sáng chói chang/ Phiêu bồng trên cao xanh non ngàn”.

Chú thích ảnh

Vẫn là giai điệu, dù đây là một tác phẩm độc lập, một sáng tạo của nhạc sĩ nhưng giống như không hiếm ca khúc của giới trẻ hiện nay, ở đâu đó người nghe vẫn cảm nhận những nét nhạc quen, gợi tới những giai điệu đã ra đời trước đó.

Nhạc điện tử - electro-pop - vốn đã được Tùng Dương hướng tới trong những sản phẩm âm nhạc giai đoạn gần đây, tiếp tục được khai thác, sử dụng trong Hope. Đó cũng là một trong những chi tiết cho thấy nam nghệ sĩ tiệm cận với xu hướng âm nhạc, để gần gũi với nhiều đối tượng khán giả trẻ hơn.

Hope có phong cách và có độ thưởng thức cao” - nhạc sĩ Nguyễn Tân Châu bạn tôi, một người gắn liền với nhạc điện tử nhận xét - “Nhạc của Hope rất tinh tế, mang màu sắc nhạc phim và hướng đến thế giới đa vũ trụ bao la”. Khi tôi thử để thang điểm ١٠ vào đánh giá của Châu, không chần chừ anh nói “Bài này điểm 10” và giải thích nhấn mạnh: “Từ nhạc đến hát đều chẳng chê cái gì”.

Chú thích ảnh

Người viết cũng đánh giá cao về Hope trong sự hài hòa giữa nghệ thuật và yếu tố đại chúng. Tuy nhiên, trong sự gần như vẹn toàn của Hope, nếu được thay đổi một đôi chút thì có thể là đoạn âm nhạc ứng với ca từ: “Xoa dịu đi vết thương muộn màng/ Nghe nồng nàn hơi thở tự do”. Đoạn này có cảm giác bị vòng hòa thanh cổ truyền, giai điệu hơi bị “sến” (tất nhiên là “cổ truyền” và “sến” so với chính những đoạn khác trong Hope). Mường tượng chỗ này nếu làm sao ra “ma mị” hơn một chút để chuẩn bị kết thì nó trọn vẹn hơn, và cũng đúng chất Tùng Dương hơn.

Với việc chọn nhạc điện tử, chất “chill chill”, chọn ca từ, giai điệu “bắt tai”... là những yếu tố hướng tới tính đại chúng, Tùng Dương vẫn thể hiện nét cá tính riêng mang đậm yếu tố cá nhân trong Hope. Ngoài cách hát như đã nói, nét riêng thể hiện cá tính của nghệ sĩ còn ở việc chọn thể loại dreampop.

“Nữ ma mị dòng dreampop có Bùi Lan Hương, còn nam, chắc chắn phải là Tùng Dương”.

Và cho cái chung

Dreampop là loại nhạc vừa quen vừa lạ trong ngôi nhà âm nhạc đại chúng của chúng ta. Quen bởi vì nó đã từng xuất hiện, lạ bởi vì nó vẫn chưa “bám rễ” và “nảy cành” ở Việt Nam. Nói cách khác, dreampop chưa thịnh hành ở Việt Nam.

Dream mang tinh thần của giấc mơ đúng với cái tên của nó, mơ hồ và mộng mị, những cái vô thực, những cái đẹp, lời lẽ ăn khớp với dreampop. Dreampop khiến người ta nghĩ tới hiệu quả âm nhạc chung những bài “chill chill” nhẹ nhàng nhưng mang đa màu sắc, giống như là sự đan trộn giữa những trạng thái hư hư thực thực. Các bài được viết ở dòng dreampop dù nói về tình yêu hay chủ đề nào cũng được biến hóa theo chiều đó.

Dream được biết đến với khởi đầu là sự xuất hiện ở Mỹ. Có điều, giống như rock và sau này là nhạc sàn, dù không “nặng” bằng nhưng dreampop có sức hút kỳ lạ với người nghe, đẩy cảm xúc của người nghe tới những trạng thái phiêu bồng. Và vì thế, nó cũng được các dân chơi ưa chuộng. Nó đủ sức hấp dẫn để tăng độ “phê” cho người thưởng thức trong môi trường giống như bar sàn, hộp đêm…

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Nói thế không có nghĩa là đánh đồng dreampop là nhạc... ăn chơi, mà ngược lại, cho thấy độ hấp dẫn của loại nhạc này. Và đương nhiên, nhạc này còn được sử dụng trong nhiều không gian khác nữa, chủ yếu phổ biến ở đối tượng khán giả trẻ.

Dẫu phổ biến đã lâu ở một số nước phát triển nhưng với người Việt Nam, dreampop thường chỉ có du học sinh biết tới và nghe. Còn nhìn chung thì độ phổ cập của dòng nhạc này trong giới trẻ ở ta còn hạn chế. Dù đã có những nghệ sĩ tài năng mang về và nỗ lực cho ra đời những sản phẩm chất lượng nhưng dường như nó vẫn chưa tìm thấy sự hòa hợp với tai nghe người Việt trẻ. Như trường hợp điển hình là Bùi Lan Hương, chừng khoảng 4 năm trước đã ra những sản phẩm rất ấn tượng, dreampop đủ sức để “đẩy” một gương mặt có cá tính vào đời sống âm nhạc, song lựa chọn này dường như không được kéo dài vì sau đó, Bùi Lan Hương chuyển hướng cover.

Dẫu vậy, nhân Hope của Tùng Dương như thắp lên ngọn lửa. Dân nhạc điện tử như Nguyễn Tân Châu vẫn mong muốn dreampop tiếp tục được khai thác, phát huy và lan tỏa trong đời sống âm nhạc đại chúng, vẫn mong Bùi Lan Hương tiếp tục những sản phẩm theo loại nhạc này. Bởi nếu như vậy ít nhất: “Nữ ma mị dòng này có Hương, còn nam, chắc chắn phải là Tùng Dương”. Và “giấc mơ” của Nguyễn Tân Châu là “có 2 nghệ sĩ này đứng chung bài thì còn khủng khiếp nữa”.

Riêng trường hợp Tùng Dương, qua Hope anh cho thấy nguồn năng lượng và nhiệt huyết vẫn tràn đầy. Những sự mới mẻ vẫn đã, đang và sẽ được Tùng Dương cống hiến cho âm nhạc theo cách của riêng mình.

Ê-kíp “Hope”

Sản xuất: Tùng Dương & Eclips Picture

Nhạc sĩ sáng tác: Lê Vụ Viết Thịnh

Hoà âm: Kent Trần

Mixing & mastering: Magic T

Thu âm tại: XÈNG studio

Đạo diễn MV: Hồng Vỹ, Tùng Dương

Giám đốc kỹ xảo và 3D: Hồng Vỹ

Biên đạo múa: Hà Tử Thiên

Vũ công: Phương Nhung, Hữu Hưng

Trang điểm và làm tóc: Huy Bùi

Phục trang: Jaydee Đạt Nguyễn

 

Điểm: 9

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm