Hơn 4 thập niên vẫn cùng nhau 'Đi học'

19/09/2014 15:23 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”, nhiều thế hệ đã lớn lên với những câu văn của Thanh Tịnh về ngày tựu trường. Và khi Thu chớm chín, cũng những thế hệ ấy đã nằm lòng giai điệu ca khúc Đi học của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo.

Xuất bản sau khi đã hy sinh  

Gần 4 thập niên, những thế hệ nối tiếp nhau vẫn không bao giờ quên những câu hát : “Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp”… như đánh thức trong mỗi người những kí ức đẹp đẽ về ngày đầu tiên đi học.

Ca khúc Đi học được nhiều người biết tới là sáng tác của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, tuy nhiên người gợi cảm hứng cho nhạc sĩ và là đồng tác giả của ca khúc (phần lời), thì ít được nhắc tới là nhà thơ chiến sĩ Hoàng Minh Chính. Sự ra đời trắc trở của bài thơ này cũng được rất ít người biết đến.

Cả hai người không biết nhau, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đọc được bài thơ Đi học của Hoàng Minh Chính in trên tập thơ thiếu nhi Mặt trời xanh của Nhà xuất bản Kim Đồng. Với chất chất liệu dân ca Tày, Nùng, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã dệt nên một giai điệu đẹp, trong vắt như lời thơ Minh Chính. Cả giai điệu lẫn ca từ quyện nhau tạo nên một sức sống vượt thời gian cho bài Đi học.


Nhà thơ Hoàng Minh Chính

Nhà thơ Hoàng Minh Chính không để lại cho đời nhiều tác phẩm nhưng chỉ cần một mình bài Đi học vẫn đủ sức làm ông được nhớ đến. Ông sinh năm 1944, là hậu duệ thứ 12 dòng họ Hoàng ở Đô Hoàng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, một dòng họ nức tiếng học hành và giàu lòng yêu nước. Bác ruột của ông là Hoàng Phạm Trân, tức Nhượng Tống, một trong những nhà văn, dịch giả uyên bác và tài ba. Tuy vậy, đến thế hệ của Minh Chính, cha của ông không muốn các con mình theo nghiệp văn chương nên cả 6 anh chị em không ai theo nghiệp này, ngoại trừ Minh Chính từ nhỏ đã có thiên hướng làm thơ nhưng không được cha khuyến khích.

Đi học chưa chắc đã được ra đời nếu như gia đình ông không chạy loạn từ Nam Định lên Phú Thọ vào năm 1948 khi Minh Chính chỉ vừa 4 tuổi. Chính ở vùng đất được xem là quê hương thứ hai của ông đã cho ông những chất liệu để viết nên những vần thơ trong trẻo, sinh động và đầy ắp hình ảnh tuổi thơ cho bài Đi học. Những câu ngũ ngôn như: “Hương rừng thơm đồi vắng/Nước suối trong thầm thì/Cọ xòe ô che nắng/Râm mát đường em đi” chính là tuổi thơ của Minh Chính. Và chính hương rừng, con suối, những đồi cọ thoai thoải là bạn đường của ông những ngày đến trường, lúc mẹ hoặc chị dẫn đi hoặc những khi cả nhà lên nương thì “một mình em tới lớp”.

Bài thơ Đi học bắt đầu được Hoàng Minh Chính viết vào sổ tay khi mới 15 tuổi (1959) với 4 khổ theo thể thơ ngũ ngôn. Sau đó ông gia nhập quân ngũ và những lúc rảnh rỗi lại “bồi” thêm những khổ thơ mới mang nhiều mùi vị thời chiến hơn nhưng bài thơ hoàn chỉnh sau này và kể cả bài hát sau đấy phần lớn giữ nguyên sự trong trẻo từ thuở 15. Chỉ có vài đoạn thêm sau này là được giữ lại như: “Cô giáo em tre trẻ/Dạy em hát rất hay”. Nguyên mẫu “cô giáo” hiện vẫn còn sống, là bạn học ngày xưa của nhà thơ và là một mối tình đơn phương mà ông mang theo mình suốt cuộc chiến.


 Bài hát Đi học phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của ông

Năm 1969, lúc này nhà thơ Hoàng Minh Chính đã là Thượng úy đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 312, trong lần hành quân vào Nam đã tranh thủ ghé qua Nhà xuất bản Kim Đồng và gửi cho nhà thơ Định Hải (biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng) tập thơ của mình nhờ xem hộ. Sau này nhà thơ Định Hải nhớ lại “Trong cả tập thơ đó, tôi đọc được những câu thơ trong trẻo của bài thơ Đi học. Đây là bài thơ có ý thơ rất hay dù câu chữ còn thô nháp. Tôi quyết định chọn và biên tập bài thơ đó”.

Nhà thơ Hoàng Minh Chính khi viết xong Đi học gồm 6 khổ thơ nhưng khi xem xong thì biên tập viên Định Hải rút xuống còn 5 khổ và thay đổi một số trật tự câu cú trong bài. Phải nhìn nhận đó là phần biên tập đẳng cấp vì nó làm đậm thêm hồn cốt của toàn bài thơ và làm rõ hơn sự trong trẻo của hương rừng, đồi cọ, tiếng suối… và ở lại mãi trong lòng công chúng.

Sau cuộc gặp gỡ vào năm 1969 ấy, nhà thơ Định Hải dặn Minh Chính ngay sau khi vào Nam thì viết thư báo cho Nhà xuất bản Kim Đồng biết địa chỉ, hòm thư để sau khi sách in ra còn biết đường gửi vào. Nhưng một tháng, hai tháng rồi hàng năm trời vẫn không có tin tức gì. Mãi sau này thông tin mới được báo về, người chiến sĩ trẻ Hoàng Minh Chính vào tháng 3/1971 đã hy sinh tại Quảng Trị ở tuổi 27 mà không hề biết rằng cùng năm ấy, bài Đi học lần đầu tiên chính thức ra mắt công chúng trong tập thơ thiếu nhi Mặt trời xanh của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Vượt thời gian

Nếu như Đi học gây tiếng vang vào năm 1971 như một bài thơ thiếu nhi độc đáo, giàu hình ảnh thì đến năm 1976 tiếng vang của nó lại càng rộng rãi hơn khi nhạc sĩ Bùi Đình Thảo lặp thêm cho nó đôi cánh giai điệu và từ đó trở đi nó gần như trở thành hành khúc của ngày tựu trường.

Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo là người rất mát tay với những sáng tác ca khúc cho thiếu nhi nhưng có lẽ Đi học là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Những câu thơ của Hoàng Minh Chính vốn đã mang nhạc tính nhưng qua sự sáng tạo của Bùi Đình Thảo những hình ảnh trở nên sinh động hơn, thi vị hơn, “lẩy” thêm sức hồn nhiên, trong sáng của cậu/cô bé đến trường. Những âm điệu nhịp nhàng thay nhau nhảy nhót.

Thế hệ nào cũng hát Đi học và thuộc lòng tuy vậy nhưng không phải lúc nào cũng giống nhau. Từ kiểu hát chân phương ngày xưa đến lối acoustic hơi luyến giọng của Anh Khang, Tạ Quang Thắng sau này hay mới đây của Nguyễn Công Hải với lối hát chuyển nhịp trong chương trình Giai điệu tự hào gây nhiều tranh luận.

Nhưng dù tranh luận ra sao thì cuối cùng Đi học cũng vẫn luôn là bài hát thiếu nhi được yêu thích nhất. Người hát có thể đóng vai cậu bé như nguyên bản nhưng cũng có thể đóng vai cô chị, người anh nhớ về ngày xưa. Và dù đóng vai nào thì Đi học cũng mang đến cho người hát những cảm xúc thật sự rung động.

Năm 2000 ca khúc Đi học đã được chọn vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do Báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài tiếng nói VN tổ chức.


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm