ĐD Tạ Huy Cường: Xem 19 tập sẽ thấy toàn cảnh phim như thế nào

29/09/2010 06:30 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trong ê-kíp đoàn làm phim ĐTTTL, bên cạnh tổng đạo diễn và một đạo diễn là người Trung Quốc, có duy nhất một đạo diễn Việt Nam: Tạ Huy Cường, một cái tên còn khá lạ trong làng điện ảnh. Tốt nghiệp ĐH Sân khấu & Điện ảnh năm 2001, đứng tên đạo diễn một số gameshow truyền hình, giờ đây tác phẩm lớn đầu tiên Cường ở vị trí đồng đạo diễn đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ dư luận.

* Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao một đạo diễn trẻ chỉ mới được biết đến qua một số games truyền hình, lại được mời đạo diễn một dự án phim lớn và quan trọng như ĐTTTL...

- Tôi và anh Trịnh Văn Sơn (giám đốc công ty Trường Thành, nhà sản xuất kiêm tác giả kịch bản của phim - PV) có ước mơ là sẽ thực hiện một bộ phim lịch sử mà phim đầu tiên sẽ là về Lý Thái Tổ, nhen nhóm việc làm phim từ những năm 2004, 2005 nhưng khi biết nhà nước sẽ làm phim về Thái Tổ - Lý Công Uẩn thì chúng tôi đành gác lại. Cho đến tháng 3/2009, khi biết UBND TP Hà Nội quyết định không làm bộ phim này nữa thì anh em chúng tôi quyết định thực hiện ước mơ của mình, đặc biệt là anh Sơn, rất tâm huyết để làm bằng được bộ phim về vị vua đầu tiên triều Lý của chúng ta, và thế là anh Sơn chắp bút hình thành kịch bản mặc dù anh ấy là người ngoại đạo của làng nghệ thuật thứ bảy.


Đạo diễn Tạ Huy Cường chỉ đạo diễn xuất trong
Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long
* Trong phim ĐTTTL,  nhiệm vụ của anh là gì bên cạnh hai đạo diễn Trung Quốc?

- Về câu chuyện lịch sử thì chúng ta khác nhiều so với Trung Quốc nên từ cách đi, đứng, ăn, nói, nghi thức và văn hóa của con người cũng khác nhau. Hầu hết diễn viên trong phim còn trẻ, chưa làm phim cổ trang bao giờ, do vậy trước khi bấm máy, công việc của tôi là tập diễn xuất cho họ, cùng họ phân tích kịch bản thật chi tiết để hiểu hơn về nhân vật cũng như toàn cảnh câu chuyện. Có lúc chúng tôi phải chia làm hai đoàn làm phim, tôi một đoàn còn đạo diễn Cận Đức Mậu một đoàn. Còn lại khi quay chung, trên trường quay tôi vẫn phải chú ý đến diễn xuất của diễn viên vì đạo diễn Cận Đức Mậu không hiểu tiếng Việt. Có những lúc kịch bản viết như vậy, nhưng tại trường quay đạo diễn muốn phát triển thêm một chút hoặc đổi lời thoại, khi ấy chúng tôi cùng bàn bạc để đi đến thống nhất, điều quan trọng là ai cũng mong muốn bộ phim hay hơn, hấp dẫn hơn.

* Anh từng khẳng định đây là bộ phim “cổ trang Việt đúng nghĩa, từ diễn viên đến trang phục, bối cảnh, cách thể hiện cũng như nội dung câu chuyện lịch sử” thế nhưng sau đó bộ phim lại bị tạm hoãn chiếu để sửa chữa lại chủ yếu là bối cảnh và phục trang trong phim do “Trung Quốc hóa”...

- Nói đến việc này thì đúng là không bao giờ hết, hiện tại tôi thấy số đông đang nhìn một phía, do chưa xem phim. Không phải phim bị hoãn chiếu, mà Hội đồng duyệt phim quốc gia yêu cầu chúng tôi sửa một số chỗ dễ gây cho khán giả nhầm lẫn với những phim của Trung Quốc đã phát sóng ở Việt Nam. Chúng tôi đã sửa xong và nộp lên, hiện tại đang chờ Hội đồng xem lại và quyết định. Vì sao giống Trung Quốc? Trang phục do TS Đoàn Thị Tình nghiên cứu và thiết kế dựa trên những gì lịch sử để lại, nếu đem ra so sánh với bất kỳ bộ trang phục nào mà phim Trung Quốc đã phát sóng thì sẽ thấy rất khác, điều này TS Tình cũng trả lời nhiều rồi. TS Tình là người duy nhất nghiên cứu về trang phục thời kỳ đó, vậy chúng tôi sẽ phải nhờ ai thiết kế đây? Trước đây TS Tĩnh cũng là người thiết kế trang phục cho phim Thái Tổ - Lý Công Uẩn mà sau này bộ phim không thực hiện nữa, và TS Tình cũng là người thiết kế trang phục cho phim Thái sư Trần Thủ Độ, nếu mọi người đưa vấn đề này ra bàn giống hay không giống Trung Quốc thì không biết là chúng tôi phải giải thích thế nào. Trong phim, chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu và đưa các họa tiết, hoa văn đặc trưng của Việt Nam vào như rồng, vân mây, màu sắc, voi, các loại đèn, bản đồ, bức rèm trên tường, bình phong, cờ... và đặc biệt là nghi thức triều đình, động tác tay, chân khi gặp người cấp trên, ngang hàng mình hoặc cấp dưới, những vấn đề này chúng tôi nghiên cứu rất kỹ. Còn về văn hóa nói chung thì chúng ta khó có thể giữ được nét văn hóa Việt 100%... Tuy nhiên tôi vẫn khẳng định rằng, đây là một câu chuyện lịch sử của Việt Nam, hầu hết các nhân vật lịch sử có thật, diễn viên chính và thứ chính là người Việt Nam, trang phục do người Việt thiết kế, bối cảnh đã được Việt hóa bằng cách đưa màu sắc, họa tiết, hoa văn Việt Nam vào, hầu hết đạo cụ là được làm mới theo bản thiết kế của người Việt (họa sĩ Phan Cẩm Thượng cố vấn). Mọi người xem xong phim hãy cho chúng tôi ý kiến để chúng tôi đúc rút kinh nghiệm cho những bộ phim sau này.

Hiện phim đã sửa xong theo yêu cầu của Hội đồng duyệt, còn sửa thế nào thì tôi khẳng định là không ảnh hưởng đến nội dung phim cũng như các tuyến nhân vật, không ảnh hưởng đến thời lượng của phim, và tôi vẫn khẳng định rằng, chúng tôi sẽ lấy được nước mắt khán giả, nụ cười của khán giả và tinh thần của khán giả khi xem phim với các tình tiết của phim, cứ 3 phút sẽ có một cao trào nhỏ, 5 phút sẽ có một cao trào lớn và đến 7 hoặc 10 phút sẽ có một bất ngờ, và sẽ có khán giả phải xem bằng tay, hoặc chân với những pha đánh nhau trong phim... Tôi tin rằng, sau khi xem xong 19 tập phim này, mọi người sẽ thấy toàn cảnh của phim như thế nào, sẽ có ý kiến đúng đắn hơn và chân thực hơn.

* Xin cảm ơn anh!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm